Articles
Bức tranh giàu Cảm xúc
March 11th, 2007 chuotkhongduoiBình luậnLâu lắm rồi mới lại xem được một bộ phim Việt Nam gợi cho mình nhiều cảm xúc đến vậy. Cảm thấy hài lòng và thoả mãn hơn sau khi xem Mê Thảo, Mùa len trâu, Thời xa vắng hay Hạt mưa rơi bao lâu– dù đó cũng là những bộ phim hay và mang màu sắc như thế. Cảm giác lâng lâng sau khi xem xong một bộ phim hay quả thật khó tả.
***********************
Dần nghèo, phải đi ở đợ và bị chủ hành hạ. Cô yêu anh Gù- một thanh niên xấu xí và dị tật- rồi bỏ trốn cùng tình yêu của mình…
Áo lụa Hà Đông được mở đầu bằng những hình ảnh, những hình tượng nhân vật hơi lối mòn và đã bắt gặp nhiều lần trong những bộ phim về xã hội miền Bắc cách đây vài mươi năm. Cả kiểu sắp đặt cho hai nhân vật chính có sự chênh lệch về ngoại hình đầy cố ý cũng đã xem được ở đâu đó, như kiểu chàng gù Quasimodo và nàng Esmeralda…
Nhưng sau khoảng mươi phút đầu ấy, ở phần còn lại của phim, đạo diễn chứng tỏ mình biết cách gây “choáng ngợp” cho khán giả bằng những cảnh quay thiên nhiên tuyệt đẹp, những cú máy độc đáo và cũng biết cách gây xúc động của khán giả bằng việc sắp xếp những bi kịch dồn dập đến với gia đình Dần. Chi tiết Dậu phải đi bán sữa kiếm tiền mua áo dài cho con không mới (chị Dậu trong Tắt Đèn cũng từng làm như thế- và hẳn đạo diễn cũng lấy cảm hứng từ chị Dậu để tạo nên nhân vật Dần?), nhưng vẫn là chi tiết đắt giá có thể khiến khán giả rơi nước mắt. Đôi lúc, có cảm giác đạo diễn “làm khổ” Dần hơi nhiều để lấy nước mắt khán giả nên mạch phim hơi chậm và dàn trải.
Kịch bản phim có vẻ như được đạo diễn viết sao cho vừa khớp với tên phim- Áo lụa Hà Đông (và tên phim này có lẽ cũng được lấy cảm hứng từ một câu thơ nổi tiếng), và bối cảnh chính Hội An (chỉ có thể là Hội An để vừa có cảnh thiên nhiên vừa có được những kiến trúc cổ xưa). Nhưng kịch bản của Áo lụa Hà Đông thật sự là một kịch bản được chăm chút kỹ lưỡng, từ nhân vật cho đến tình tiết đẩy đến cao trào cảm xúc cho phim. Chiếc áo dài như cột trụ vững chắc để đạo diễn sắp đặt chung quanh đó những biến cố của đất nước, của cuộc đời Gù, Dần và bầy con. Chiếc áo dài đi cùng chiều dài lịch sử và đại diện cho số phận của Dần- và bao phụ nữ Việt Nam khác. Say sưa với ý tưởng tôn vinh áo dài ấy, khán giả cũng có thể bỏ qua chi tiết hơi vô lý là vì sao sau ngần ấy năm, chiếc áo dài của Dần bị bầm dập bởi mưa lũ, bởi bom đạn nhưng vẫn giữ nguyên tươi mới?
Lời thoại của phim khá hay, dù đôi chỗ vẫn mang “tuyên ngôn chiến tranh” một cách hơi lộ liễu và gượng ép (sự cố ý này cùng với những cảnh tang thương về chiến tranh ở cuối phim không nằm ngoài mục đích chinh phục khán giả nước ngoài).
Thành công của Áo lụa Hà Đông không chỉ ở nội dung mà còn nằm ở phần hình ảnh được chăm chút kỹ lưỡng. Tông màu của phim được thay đổi một cách có chủ ý, chuyển dần theo từng giai đoạn trong cuộc đời của Dần rồi đi đến sắc màu tươi sáng ở đoạn kết. Nhạc phim lâng lâng, dồn dập, bi thương- kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng và dân tộc- theo từng cảnh quay khiến cảm xúc được cộng hưởng thêm. Một thành công đáng ghi nhận của Đức Trí. Ca khúc Bài Ca Dành Cho Những Xác Người của Trịnh Công Sơn- ca khúc duy nhất của phim vang lên trong cảnh chết chóc nhất, bi thương nhất của phim cũng là một sự lựa chọn hợp lý.
Lâu nay, đã là phim của Lưu Huỳnh thì đều do Trương Ngọc Ánh đóng vai chính. Nhưng ở phim này, Trương Ngọc Ánh quá đẹp và có phần hiện đại so với Dần. Chẳng ai bắt ở đợ thì không được quyền đẹp, nhưng nét đẹp của Ánh không hợp với một con ở nhà quê hay một bà mẹ lam lũ như Dần, từ đôi chân mày tỉa tót cho đến khuôn mặt được hoá trang theo kiểu tự nhiên nhưng vẫn lộ ra là… trang điểm trong đôi cảnh quay đặc tả. Nhưng có lẽ khó kiếm được trong số diễn viên Việt Nam hiện nay người nào hợp với vai Dần hơn Ánh. Và Ánh đã sống hết mình cho vai diễn của cô và thật sự có được một vai diễn giàu cảm xúc. Quốc Khánh trong vai Gù cũng có được một vai diễn lạ so với anh trước đây nhưng diễn xuất của anh vẫn chưa đủ để thuyết phục khán giả vì sao Dần lại nguyện gắn bó cả cuộc đời mình cho một người chồng như thế? Dàn diễn viên nhí trong phim diễn xuất tự nhiên, có nhiều đoạn thật-sự-chuyên-nghiệp. Vẫn theo phong cách “phim Phước Sang”, những vai phụ nhỏ xíu trong phim cũng được giao cho toàn tên tuổi nổi tiếng như Thanh Vy, Hà Kiều Anh, Như Quỳnh, Tất Bình, Hồng Vân, Tú Trinh, Việt Anh, Thủy Hương, Kim Thư, Bình Minh… Có một chút bực bội khi xem poster phim, trong phần tên diễn viên Quang Thắng còn được mở ngoặc chú thích “Mũi to” dù anh chàng diễn viên này chỉ xuất hiện thoáng qua (mà cho dù là vai chính đi nữa thì chỉ cần ghi Quang Thắng là đủ, cần gì phải thêm Mũi to nhỉ- liệu chú thích ấy sẽ lôi được bao nhiêu khán giả đến rạp?)
Dẫu vẫn còn nhiều điểm khiếm khuyết nhưng Áo lụa Hà Đông thật sự là một bức tranh đẹp được đạo diễn sắp đặt khéo léo. Và khi thưởng ngoạn bức tranh ấy, đôi lúc người xem cảm thấy mình lâng lâng xúc động. Với bộ phim, như thế đã là quá đủ…
Áo Lụa Hà Đông với giá vé 6.000VNĐ
19g00 11-09-2007
14g30 15-09-2007
Phòng chiếu phim Idécaf
28 Lê Thánh Tôn, Q.1
Giá vé: 6.000 VNĐ
Áo lụa Hà Đông
Đạo diễn : Lưu Huỳnh
Diễn viên : Trương Ngọc Ánh, Nguyễn Quốc Khánh…
phụ đề tiếng Pháp
Hà Đông những năm 50 dưới sự cai trị của thực dân Pháp, Dậu giúp việc trong một gia đình địa chủ và bị họ đối xử tệ bạc. Gù làm đầy tớ cho tổng đốc của vùng, người rất căm ghét phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Hai người vẫn hay gặp nhau vụng trộm. Sau sự kiện tổng đốc bị giết và nông dân trong vùng nổi dậy dưới sự chỉ đạo của Việt Minh, Dậu và Gù cùng nhau bỏ trốn. Họ chỉ mang theo duy nhất một vật có giá trị mà họ có được, đó là chiếc áo lụa trắng mà Gù đã tặng Dậu vào đám cưới của họ…
http://www.idecaf.gov.vn/detail.php?lang=vi&id=4&p=lf&conid=lf&date=1189443600
ALHĐ là bộ phim khá nhất trong thời gian qua, hơn cả chùm 3 phim Tết. Tuy nhiên, nhân vật mà Squall ấn tượng nhất trong phim ko phải Dần, cũng ko phải Gù mà là cô con gái thứ 2.
Gần như ko kìm được nước mắt trước cảnh con bé ghì lấy chân chị nó & kéo tay mẹ khi Gù ôm xác chị của con bé đem chôn.
Ngoài lề: Cái poster phạm một lỗi ngớ ngẩn wa’, The White Silk Dress lại trở thành The White Dress Silk.