Mình trao đổi với các bạn một số điều về bối cảnh của bộ phim:
Kingdom of heaven lấy bối cảnh của thời đại thập tự chinh. Có 8 cuộc thập tự chinh lớn trong lịch sử, trải từ năm 1096-1270.
Những cuộc chiến này bắt nguồn từ nguyên nhân sau: vào năm 1071, người Thổ Seljuk, một tộc người theo Hồi giáo, tràn xuống Trung Đông, tấn công đế quốc Byzantine (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), một quốc gia Cơ Đốc giáo. Jerusalem, thánh địa của Cơ Đốc giáo, rơi vào tay người Hồi giáo, và con đường hành hương tới đó trở nên khó khăn.
Trước tình hình đó, năm 1095, Giáo hoàng Urban II đã kêu gọi các vương quốc Tây Âu tiến hành chiến tranh chiếm lại Đất Thánh. Năm 1096, cuộc thập tự chinh lần đầu tiên diễn ra. Năm 1099, quân đội Cơ đốc giáo chiếm lại Jerusalem. Trên vùng đất vừa chiến được, họ thành lập 4 vương quốc: Jerusalem, Tripoli, Antioch, Edessa, trong đó, Edessa là vương quốc yếu nhất.
Cuối năm 1144, Edessa bị quân Hồi giáo chiếm lại. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc thập tự chinh thứ 2 (1145-1147). Lần này, Thập tự quân thất bại trong việc tái chiếm Edessa.
Năm 1174, Ai Cập và Syria thống nhất dưới sự lãnh đạo của một vị chỉ huy kiệt xuất – Saladin. Cùng năm đó, Baldwin IV lên ngôi ở tuổi 13, và đã ký một thoả thuận với Saladin, cho phép giao thương giữa người Hồi giáo và Cơ Đốc giáo.
Bộ phim được bắt đầu chính trong bối cảnh đó, những năm hoà bình tạm thời giữa 2 phe. Nền hoà bình mong manh đó bị xâm phạm bởi những phần tử hiếu chiến của Cơ Đốc giáo, đó là Reynald và Guy de Lusignan. Trong phim, các bạn có thể thấy họ tấn công vào một đoàn xe Hồi giáo và giết chết chị của Saladin (cái này thì không biết có thật trong lịch sử không). Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi vua Baldwin qua đời và quyền lãnh đạo thuộc về Guy. Reynald tiếp tục tấn công vào một đoàn xe Hồi giáo và bắt giam các thương nhân. Saladin yêu cầu trả tự do cho người và hàng hoá của họ, nhưng Guy từ chối. Năm 1187, Guy và Reynald tấn công Tiberias. Họ thất bại và bị Saladin bắt sống. Thất bại của Guy đã làm cho Thập tự quân suy yếu. Cuối năm đó, Saladin tấn công Jerusalem. Cuộc bao vây thành Jerusalem diễn ra từ ngày 20/9 -> 2/10/1187, dưới sự chỉ huy của Balian. Do chênh lệch về lực lượng, Balian thương lượng với Saladin và đã đạt được thoả thuận như sau: trao thành Jerusalem cho Saladin, đồng thời trả 30 000 đồng tiền vàng, để đổi lấy việc Saladin trả tự do cho 70% cư dân trong thành (Còn 30% còn lại đương nhiên bị biến thành nô lệ ).
Tin Jerusalem thất thủ nhanh chóng lan đến Tây Âu, và Đức Giáo Hoàng Gregory VIII đã phát dộng cuộc thập tự chinh lần III (1189-1192). Cuộc thập tự chinh lần này được đánh giá là rầm rộ nhất trong lịch sử với sự tham gia của 3 nhà vua cuả 3 vương quốc mạnh nhất Châu Âu: Philip II của Pháp, Richard I (Richard Tim Sư Tử) của Anh và Frederick I – hoảng đế Đức. Ở cuối phim, các bạn có thể thấy cảnh một ông vua hỏi đường Balian, đó chính là Richard Tim Sư Tử.
Như vậy, cuộc chiến trong phim – nói cho chính xác – thì không thuộc một cuộc thập tự chinh nào. Những gì mà phim đề cập, chỉ là những diễn biến dẫn đến bùng nổ cuộc thập tự chinh lần III mà thôi
Có bạn nói rằng mục đích chính của Thập tự chinh là dành đất với người Hồi Giáo, tôn giáo chỉ là chiêu bài. Theo mình thì điều này không hoàn toàn chính xác đâu. Trong những cuộc Thập tự chinh đầu tiên, thì niềm tin tôn giáo là động lực chủ yếu cũng như giải phóng Mộ Chúa là mục đích hàng đầu. Chỉ có điều theo thời gian, mục đích của thập tự chinh dần biến chất. (Thập tự chinh lần IV đánh vào Constantinople, thủ đô của đế quốc Byzantine Cơ Đốc giáo. Thập tự chinh các lần tiếp theo đánh vào Ai Cập, chứ không phải là Jerusalem nữa).
Chuyện về Thập tự chinh thì còn nhiều, nhưng mà trong khuôn khổ của bộ phim thì như vậy là tạm đủ rồi.
Bây giờ bàn về bộ phim này một chút ha. Mình đã coi phim này rùi. Lần đầu tiên nghe nói về phim là khi xem chương trình Tin thế giới của HTV7. Nghe nói đây là một phim có cái nhìn khác về người Hồi giáo, so với những phim trước đây về Thập tự chinh => tò mò, thế là coi. Theo ý chủ quan của mình thì phim này không hề thua kém Troy hay King Arthur. Có điều là cả ba chỉ làng nhàng ở mức trung bình. Đúng là phim đã thể hiện cảnh quân Cơ Đốc giáo tấn công và giết hại cả thương nhân và thường dân Hồi giáo. Nhưng không biết đây có đúng là bộ phim đầu tiên đề cập đến điều đó như nhiều người nói? Theo mình được biết, bộ phim đã được trình chiếu ở một số nước Arập và nhận được nhiều lời khen ngợi về nội dung (họ cho là khách quan). Thường thì những bộ phim thể hiện nội dung bất lợi với người Mỹ không được họ hoan nghênh lắm. Điều này đã xảy ra với Tora! Tora! Tora! Không biết phim này thì sao? Bộ phim có trở nên “nhạy cảm” và gây tranh cãi ở Mỹ không ? Bạn nào biết về vấn đề này chỉ giáo dùm mình ha.
À, gần đây có phim Undergang – kể về 10 ngày cuối cùng của Hitler cũng hay lắm. Có bạn nào coi rùi thì tạo một topic đi. Mình sẽ vào cùng bàn luận cho dzui (không đủ trình độ tự tạo một topic )
2003-2023