Natalie Portman “Rũ bỏ bớt một chút phù phiếm cũng hay”

  • This topic is empty.
  • Creator
    Topic
  • #39356
    nbtsa
    Participant

      Ở tuổi 12, Natalie Portman đã làm ngạc nhiên giới điện ảnh khi lần đầu tiên xuất hiện trong bộ phim Leon (1994) của đạo diễn Luc Besson. Tờ báo Harpers & Queen lúc đó đã cho rằng Natalie sẽ là một Audrey Hepburn thế hệ mới. Không xuất hiện ồ ạt nhưng mỗi vai diễn của Natalie đều là một dấu ấn khó quên; một trong số đó, vai Alice trong Closer (2004) đã mang lại cho cô một đề cử Oscar cho diễn viên phụ xuất sắc nhất. Natalie Portman đã nói về việc cô phải quay cảnh cạo bỏ mái tóc quyến rũ trong bộ phim mới nhất, “V for Vendetta”: “Cảm giác rũ bỏ bớt một chút phù phiếm cũng hay”.

      Điều gì từ vai diễn đã cuốn hút và khiến cô nhận vai diễn này?

      Tôi cảm thấy rất thú vị với việc một cô gái từ chỗ chân yếu tay mềm lại bị đẩy đưa đến việc sử dụng bạo lực như là một phương tiện để biểu lộ lí tưởng chính trị của cô ta. Đó là một cuộc hành trình phức tạp và có thể được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau – có thể cô ta bị xúi giục, có thể cô ta thật sự giác ngộ bản thân, và hướng tới lý tưởng. Tôi thích cái quan điểm phức tạp đó.

      Khi cô nhận được kịch bản này, cô có ngạc nhiên vì nội dung chính trị của nó không?

      Tôi thật sự bị sốc bởi vì một dự án phim hành động của Hollywood như thế lại có thể chứa đựng những ý nghĩa và mang tính gợi mở như vậy. Nó thật sự có thể khiến ngưới ta cảm nhận những điều mạnh mẽ, nghĩ đến những điều mạnh mẽ; dù có thể có nhiều phản ứng khác nhau. Tôi đã nghĩ “Dự án này điên khùng hết sức, và mình phải nhận vai diễn này thôi”. Đó chính xác là loại-hình-giải-trí mà tôi muốn làm.

      Nhân vật của cô vừa mến phục, lại vừa căm ghét V. Có phải như vậy không?

      Điều thú vị về mối quan hệ của hai nhân vật này chính là ở chỗ nó luôn thay đổi, cũng như những mối quan hệ trong thực tế vậy. Trong những tình huống khác nhau, chúng tôi có những vai trò khác nhau trong mối quan hệ đó; có thể là người che chở, có thể là kẻ gây ra đau khổ. Vì vậy là có lúc bạn sẽ nhìn thấy họ như tình nhân, như cha con, như kẻ thù, như thầy trò…và cũng có lúc là tổng hợp của những khía cạnh đó.

      Cô mang hai quốc tịch, Mỹ và Israel, chắc hẳn là cô có những quan điểm thú vị về vấn đề khủng bố

      Tôi nghĩ bộ phim này đặt ra nhiều câu hỏi qua sự thể hiện các nhân vật. Ở đây, người anh hùng không giống như mô típ thông thường, mà nó mang một hình ảnh anh hùng của Hy Lạp cổ, với một dấu vết bi thương và trở lại để báo thù. Có nhiều lúc trong phim, nhân vật V có vẻ như là người xấu, và bạn không đồng tình với ông ta. Tôi nghĩ nó khá là phức tạp. Cũng tương tự như vậy, đối với nhân vật Evey, sự chuyển biến trở nên bạo lực có phải là sự giác ngộ? Hay là do bị lôi kéo? Tất cả những điều đó sẽ cho bạn một cách nhìn riêng về việc sử dụng bạo lực để thể hiện quan điểm chính trị.

      Riêng cá nhân tôi, việc được sinh ra ở Israel và đối mặt với những vấn đề khủng bố, bạo lực không phải là quá mới mẻ như đối với những người dân chủ Tây phương. Tất cả những gì tôi tự hỏi chỉ là, làm sao ta có thể phân định bạo lực và đưa ra sự phán xét? Ta cho là ở một mức độ nào đó, hành vi bạo lực có thể chấp nhận và chính đáng; ở một mức độ khác thì không. Ta cho là bạo lực vì cộng đồng thì hợp lí, còn mang tính cá nhân thì phải bị cấm đoán. Ta cho là ngộ sát thì vẫn nhẹ tội hơn mưu sát. Ta cho là giết chết một thường dân thì nặng tội hơn là giết chết một người lính trên chiến trường, cho dù người lính đó mới 18 tuổi. Nhưng sự thật thì không có một ranh giới rõ ràng cho việc phân định. Tôi nghĩ là không cần thiết phải hợp thức hóa bất cứ hành động bạo lực nào, mà nó vẫn có thể dấy lên những câu hỏi về bản chất của chúng.

      Thế mọi người trong đoàn làm phim có tranh luận về các khía cạnh chính trị trong quá trình thực hiện không?

      Bạn đâu thể nào cứ thắc mắc “Thật ra nó ám chỉ cái gì?” suốt đúng không?! Điều cần làm là bạn phải tập trung vô bản thân câu chuyện và nhân vật, chứ không phải những tầng nghĩa sâu xa; bởi một khi bạn làm cho nó trở nên quá cụ thể, thì bạn đã vô tình tạo ra những kết luận cuối cùng, điều mà ta nên dành cho khán giả xem phim

      Vậy những quan điểm chính trị của cô có thay đổi sau khi đóng bộ phim này không?

      Tôi không biết liệu chúng có thay đổi không, nhưng suy nghĩ về vấn đề bạo lực của tôi thì sâu sắc hơn. Nó tạo ra những khúc mắc, có thể là không có lời giải đáp, nhưng mang đến sự lĩnh hội đa chiều. Tôi nghĩ cái hay trong một câu chuyện xảy ra ở một tương lai giả định là nó giúp khán giả tạo được sự liên hệ của riêng họ với những sự kiện trong quá khứ khoặc hiện tại. Người ta có thể thấy được nhiều điều khác nhau từ câu chuyện đó.

      Cô đã tham gia hai phim (“V” và “Star Wars) với vai trò một thành viên trong nhóm phiến loạn. Cô nghĩ gì về những con người phiến loạn.

      Phiến loạn là gì? Điều tôi quan tâm là cái gì khiến tôi phải trở nên hung bạo, tôi nghĩ về điều đó, và đó phải chăng là “Để bảo vệ gia đình tôi”, rồi suy rộng ra, tôn giáo của tôi, đất nước của tôi. Bắt đầu từ những mối đe dọa, chiến tranh nổ ra. Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng từng tự hỏi “Tại sao họ không giải quyết trong êm thấm?”. Tôi biết, điều đó được cho là ngây ngô.

      Cuối cùng thì nhân vật của cô cũng lựa chọn thay đổi. Có phải điều đó muốn nói lên rằng bạo lực là một phần tất yếu của sự đi lên? Cô có nghĩ rằng quyết định đó của nhân vật là động lực để cuộc cách mạng có thể diễn ra?

      Tôi cho là bản thân cái quyết định của nhân vật, và khán giả nghĩ sao về nó, là hai điều hoàn toàn riêng biệt. Về phía nhân vật, rõ ràng là cô ấy cảm thấy cần thiết phải hành động. Điều hay ở bộ phim là nó dành sự phán xét cho khán giả. Trong lịch sử, bạo lực đã được sử dụng một cách hiệu quả để làm nên những cuộc cách mạng, nhưng rõ ràng đó không phải là con đường suy nhất, hay là con đường hay ho nhất.

      Cô cảm thấy như thế nào khi phải cạo trọc đầu cho vai diễn?

      Rõ ràng là đối với nhân vật, đó là một trải nghiệm đau thương bởi vì cô ta phải hứng chịu một hình thức của bạo lực. Nhưng đối với tôi, đó là việc tôi đã chấp nhận làm nên tôi không cảm thấy bản thân mình là nạn nhân của việc đó. Thật tình thì, cảm giác rũ bỏ bớt một chút phù phiếm cũng hay. Chúng tôi luôn phải tô điểm bản thân cho lộng lẫy, và đó có thể coi như một cơ hội để không phải nghĩ đến việc tỉa tót một thời gian.

      Còn về việc đó là một cảnh quay mà không thể làm lại?

      Vâng, đó là điều quan trọng nhất khi thực hiện cảnh đó. Tất cả những cảnh còn lại trong bộ phim, nếu có gì sai sót, chúng tôi hoàn toàn có thể làm lại, nhưng cảnh tôi bị cạo đầu thì không. Họ đã sử dụng nhiều máy quay ở các góc độ khác nhau, và làm thử trước nhiều lần. Nhiều thành viên trong đoàn làm phim thậm chí đã xung phong hy sinh mái tóc của họ để thử cảnh quay đó. Khi mọi việc đã chắc chắn, tôi chỉ đơn giản tập trung làm tốt nhất công việc của mình trong lần quay duy nhất đó.

      Còn việc phải làm việc với Hugo Weaving khi mà anh ấy phải đeo mặt nạ trong tất cả các cảnh? Việc đó có ảnh hưởng đến diễn xuất của cô không?

      Tôi nghĩ cũng khá thú vị vì bạn luôn tự hỏi không biết thực sự là anh ta đang cười, đang khóc hay đang giận dữ. Nhưng lối diễn của Hugo nặng về giọng nói và những cử chỉ hình thể nên tôi cũng không gặp nhiều khó khăn. Không giống như khi diễn với phông xanh, tức là bạn phải tưởng tượng ra mọi thứ.

      Làm sao cô có được giọng Anh trong bộ phim này? Và cô có cảm thấy chán khi làm việc với hầu hết các diễn viên là người Anh?

      Tôi đã phải tập trước một tháng với một người luyện giọng. Và trong thời gian làm phim, mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu chúng tôi đều luyện lại khoảng một giờ. Nhưng nói một giọng khác cũng có ích cho tôi, vì tôi cảm thấy mình ngay lập tức hóa thân vào nhân vật. Mọi người trong đoàn rất tốt và không có gì phiền toái cả.

      Dịch từ nhiều nguồn

    Viewing 3 reply threads
    • Author
      Replies
      • #103152
        seudo
        Participant

          quote:

          .. Tất cả những gì tôi tự hỏi chỉ là, làm sao ta có thể phân định bạo lực và đưa ra sự phán xét? Ta cho là ở một mức độ nào đó, hành vi bạo lực có thể chấp nhận và chính đáng; ở một mức độ khác thì không. Ta cho là bạo lực vì cộng đồng thì hợp lí, còn mang tính cá nhân thì phải bị cấm đoán. Ta cho là ngộ sát thì vẫn nhẹ tội hơn mưu sát. Ta cho là giết chết một thường dân thì nặng tội hơn là giết chết một người lính trên chiến trường, cho dù người lính đó mới 18 tuổi. Nhưng sự thật thì không có một ranh giới rõ ràng cho việc phân định..

          Absolutely!

          Bây giờ mới biết cô nàng half-israeli. Luv luv luv..

        • #103153
          nbtsa
          Participant

            Lí do em dịch bài này cũng là vì thích mấy đoạn trả lời của Nat. Bài này dịch lâu rồi, mấy tháng trước lúc vừa coi xong V, nhưng đưa faye đọc trước faye chê ngắn, và đưa thêm nguồn để dịch, tự nhiên làm xong mất hứng post luôn. Giờ lôi ra xài đỡ, hehe…

          • #103154
            zazu
            Participant

              Giờ lôi ra xài đỡ, hehe…

              xài đỡ trong lúc khó khăn mà được vậy cũng sang quá òi

              thích Nat, bài trả lời phỏng vấn rất hay, thông minh

            • #103155
              hellostranger
              Participant

                Không hổ danh mình đã yêu mến Nat

            Viewing 3 reply threads
            • The forum ‘Western stars’ is closed to new topics and replies.

            MoviesBoOm

            2003-2023

            Skip to toolbar