Phim Việt Nam, một đề tài tranh cãi hoài không hết..

Hôm nay, tôi bật TV lên coi và thấy phim Tuổi thơ dữ dội. Một bộ phim cách đây khá lâu rồi, nhưng đây là lần đầu tôi coi một cách khá trọn vẹn…Thật đáng tiếc tôi đã không coi phim này trước đây dù nó được chiếu khá nhiều lần. Tôi xem say mê một hồi mà quên luôn Ðường lên đỉnh Olympia kỳ thi tháng…

Vì sao ngày xưa chúng ta làm phim hay thế nhỉ ? Vũ Thanh Bình đóng vai Mừng hay thiệt, vừa ngây thơ lại hơi ngổ ngáo, lì lợm nhưng rất tình cảm. Vai Quỳnh đóng cũng rất xuất sắc. Nói chung, cả dàn diễn viên thiếu niên đóng tự nhiên và thú vị. Kịch bản thì không cần bàn cãi vì truyện Tuổi thơ dữ dội hay nổi tiếng rồi.

So ra, đâu phải vì bây giờ không có tiền làm phim (có phim chi cả tỷ mà có hay đâu), mà có lẽ đầu óc của các đạo diễn ngày xưa hơn bây giờ nhiều lắm. Những đạo diễn khi xưa thì có Hồng Sến, Lê Dân… thế hệ sau có Việt Linh, Ðặng Nhật Minh… còn bây giờ ? Khó mà nêu được một cái tên. Ôi…một nước có nền lịch sử hào hùng mà chả có nổi một người đủ tài, đủ sức để tái hiện sao ?….

Tôi nghĩ… nhiều nhà làm phim Việt Nam (có lẽ là hầu hết) lúc nào cũng đăm đăm đến cái nghệ thuật xa vời mà họ chả bao giờ đạt đến, mỉa mai phỉ nhổ những bộ phim thương mại, mà thực sự họ chưa chắc làm nổi… mà cứ thế thì làm sao khá nổi ? Phim Nghệ thuật… hừm… nghe sao buồn cười thật. Làm phim Nghệ thuật cho ai coi ? Khi bộ phim đó chỉ thỏa mãn cái khát khao nghệ thuật của một cá nhân, trên thực tế chả ai hiểu, chả ai chịu nổi, chả ai thèm xem để rồi nhà nước chịu lỗ… mà nó cũng chả có nghệ thuật gì lắm cho cam. Có thời, người ta lên án “phim mì ăn liền”… một dạng phim thương mại của Việt Nam. Ngẫm lại, những bộ phim đó ngoài một số phim quá lố lăng thì vẫn có phim coi tạm được và ít ra, người Việt Nam còn có phim Việt Nam để xem.

Ngay ở Mỹ, những phim thương mại cũng chiếm lĩnh màn bạc còn những phim nghệ thuật thì mấy ai xem, thường nhờ đến Oscar, người ta tò mò mà đi coi mà thôi. Nhưng bây giờ, cái ranh giới giữa thương mại và nghệ thuật đang mờ dần đi. Titanic 11 giải Oscar, bản chất của nó là một phim thương mại nhưng được công nhận như một phim đầy giá trị nghệ thuật. Giải cứu binh nhì Ryan là một phim nghệ thuật, nhưng nó cũng thu về gần 200 triệu đô đấy chứ. Hay Giác quan thứ sáu với một ngôi sao thương mại Bruce Willis, một kịch bản mang tính thương mại, mà sau khi được đề cử Oscar, nó đã được nâng lên thành một phim tiềm ẩn tính triết lý. Cái ranh giới ấy, giữa thương mại và nghệ thuật, gần như không còn nữa.

Có những người từng nghĩ : ai làm phim nghệ thuật thì không làm phim thương mại vì sẽ làm hạ trình độ của họ, còn ai làm thương mại, khó lòng đạt đến nghệ thuật được. Vậy tại sao Steven Spielberg, vua đạo diễn phim nghệ thuật lại làm những phim thuần thương mại như Công viên khủng long ???

Không biết trong trường điện ảnh, người ta có dạy cho các đạo diễn những truyện như truyện ngắn Ðời thừa hay truyện Trăng sáng của Nam Cao không ? Ðể họ hiểu nghệ nguật là gì….phải chăng là cái cao xa mà bao đạo diễn Việt Nam hiện nay đang tìm kiếm trong vô vọng ? Phải chăng là một tác phẩm để đời, làm kinh động thế giới như những nhân vật trong truyện của Nam Cao thường mơ ?


Ôi… tôi thích coi phim Mỹ, tôi thích coi phim Tây… nhưng tôi cũng thèm muốn coi phim Việt Nam, nhưng sao không có phim nào khiến tôi có thể ngồi xem từ đầu tới cuối ? Xin các nhà làm phim đứng biến tôi thành kẻ vọng ngoại…..


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Phim Việt Nam, một đề tài tranh cãi hoài không hết..”

  1. gau_nau Avatar
    gau_nau

    tui thich coi phim phia truoc la bau troi

  2. tinasoledad Avatar
    tinasoledad

    user350 noi that hay noi choi vay????Phim ngay xua kia…..Neo noi khong sai chut nao nhung tai sao Neo khong dam dem bai nay len mat bao nhi????So khong ai them coi a`???

  3. user350 Avatar
    user350

    phim việt nam cũng hay đó chứ, sao cứ chê phim việt nam hoài

Leave a Reply