Xin lỗi các bạn vì nghĩ hoài không ra nên phải mượn tạm tựa một cuốn sách của Erique Maria Remarque (Lieben Deinen Nachsten) để viết về The Pianist và Heaven and Earth. (Nghe có vẻ hay hơn Nỗi Buồn Chiến Tranh (Bảo Ninh) nhỉ!).
Cái không khí nặng nề của cả hai cuốn phim này làm người ta nghĩ tới hai chữ đọa đày. Nhưng thật may, thuộc tính của con người từ ngàn xưa đã giúp từng thế hệ vượt qua bao nỗi truân chuyên, để khi phải song hành với cái chết, con người ta vẫn có thể hào sảng, à không, lơn tơn cất tiếng du ca!
Thọat đầu tôi chỉ muốn viết về dấu ấn tài hoa trong phim The Pianist thôi, nhưng thấy Heaven and Earth cũng lắm chuyện cần bàn nên ghép chung cho vui.
Tài hoa là nguyên cả cuốn phim The Pianist người ta chẳng thấy nhân vật chính nói gì. Anh ta im lặng như con cừu với ngày tháng, với thân phận của mình. Anh ta cũng chẳng cố gắng tìm hiểu điều gì. Khán giả chỉ thấy anh ta sống, hay đôi khi tồn tại và cố gắng tồn tại theo bản năng, vậy thôi. Cuộc sống dữ dội và khắc nghiệt đến nỗi chỉ cần mở miệng nói một câu không phải chỗ là người ta phải bye bye nó ngay lập tức mà không có một sự giải thích nào, hay chẳng cần làm gì ráo người ta cũng có thể bị bắt nằm xuống đất và bị bắn vào đầu, đang bắn thì hết đạn, người ta phải chịu trận thêm khỏang thời gian chờ lắp băng đạn mới! Tài hoa là vậy, chẳng một lời bình, diễn viên cũng chẳng phải thể hiện sự hỏang sợ ghê tởm căm thù gì hết! Những bộ mặt dửng dưng trước cái chết hay trước sự mất mát của nhiều nhân vật vào vai dân Do Thái sao mà gần với một số nguyên lý triết lý phương Đông quá.
Còn Heaven and Earth thì nói nhìu dễ sợ! Một cô gái Việt Nam quê mùa lớn lên trong máu lửa, bất công tàn nhẫn hiểu cuộc sống theo cách của một con người bị xua đuổi, cô cố gắng diễn đạt sự hiểu biết và nhận thức của mình bằng những ý thức cao siêu. Về mặt kiến thức thì đó là điều đáng quý, tuy nhiên người ta vẫn cảm thấy thế nào khi phải chịu đựng cách triết lý của nhân vật! Cái lý thuyết trên là trời, dưới là đất và con người ở giữa thật ra chẳng xa lạ gì với dân phương Đông, chỉ tiếc hai yếu tố Đất và Trời trong phim mờ quá, bị chất lí luận lấp gần hết. Tuy nhiên yếu tố con người trong phim này khá nhân bản, có một bộ phận người Việt tiếc nuối khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhưng có lẽ đó là khi họ chưa hiểu ra có một bộ phận lớn hơn, đồng bào của mình đang bị cuộc chiến đó đọa đày hàng ngày mà chẳng hiểu tại sao!
Chi tiết gia đình Wylald chi ra 20 zloty cuối cùng để mua một chiếc kẹo đường cắt ra chia nhau làm người coi bàng hòang và lạnh cả người. Đọc lịch sử thế chiến thứ 2 rồi thì biết dân Do Thái bị cư xử thế nào trong cuộc chiến ấy. Thế nên cái cảnh một đám người bé nhỏ tội nghiệp túm tụm vào nhau, cố gắng sống tốt với nhau những ngày cuối cùng trong The Pianist tạo cơ hội cho người coi được cảm giác, được tưởng tượng. Đạo diễn tin tưởng khán giả nên khán giả mới có nhiều cơ hội đồng sáng tạo như thế! Tôi nhớ có lần đọc cuốn Arch of Triumph cũng của Remarque, thấy tác giả nhận ra có những tình cảnh con người chạy loạn gần như không còn biết suy nghĩ, ngơ ngác, lạc lõng, mà chỉ có thói quen mới giữ họ sống với cuộc đời này, và nàng mặc bộ quần áo xuống phố như tuân theo một chỉ thị của tiềm thức, dầu chẳng để làm gì.
Âm nhạc cũng ghê người trong The Pianist. Bản độc tấu viết cho Cello của Johann Sebastian Bach chẳng phải để diễn tả tâm trạng nhân vật gì hết, nhưng cái giai điệu của nó mới thẫn thờ làm sao! Các bạn có nhớ khúc Sonata Ánh Trăng được ai đó chơi bên kia bức tường không nhỉ? Khúc nhạc thuộc lọai lãng mạn trữ tình nhất trong lịch sử âm nhạc thoạt có vẻ vô duyên, mỉa mai và không hợp cảnh tí nào, nhưng cái thế giới huyền hoặc và lãng đãng chiêm bao của nó vẽ nên một mảng sáng thơ mộng, góp một phần lý giải sức sống của con người! Tuyệt vời nhất là bản Ballade do nhân vật chơi lúc gặp người sĩ quan Đức (Ballad Số 1 cung Sol thứ của Chopin): nếu có một khỏanh khắc đựơc sống như chơi, được thản nhiên trước cái chết, được tự ru mình vào một giấc chiêm bao chập chờn hư thực, được hào sảng hát ca, được tiếu ngạo giang hồ (và trăm cái nếu tương tự nữa, tôi xin được dành cho trí tưởng của các bạn. Nhân đây xin trích dẫn một đoạn khen ngợi khúc Ballade này, tôi vô tình tìm thấy trong một đĩa Midi: Chopin’s four Ballades are very special works for the piano. They blend poetry and brilliance, drama and tenderness, and all the wonderful musical qualities that people have come to love in Chopin. They also display a unique construction that pulls the listener into the story and keeps him spellbound throughout. The first Ballade in g is one of the most frequently heard. From its opening dramatic octaves, through its heart throb melodies, to its bravura passages, the musical expression is direct and effective.)!
Ở phim Heaven and Earth thì nét nhạc của Kitaro dẫu thấm đẫm linh hồn phương Đông vẫn có vẻ xa lạ, đài các, kiểu cách, nặng tính biểu diễn mà chưa với tới được tâm hồn Việt. Tôi có lần nghe những bản nhạc đó trong một VCD mà không hề biết rằng chúng được Oliver Stone chọn vào Heaven and Earth. Nếu được góp ý, tôi sẽ đề nghị ông ta chọn âm nhạc Ca Lê Thuần với chất thơ, niềm vui và nỗi buồn gần gũi với người Việt hơn.
Cả cuốn phim The Pianist tôi chỉ nhặt ra được một lỗi thuộc lọai sơ đẳng của đạo diễn, khi ông ta cho nhân vật chính với tay lục lọi trên tủ chén và đánh rơi một chồng dĩa xuống đất gây nên tiếng động. Chẳng biết tại sao anh chàng đạo diễn đã chăm chút cầu kỳ nguyên cả cuốn phim lại trở nên vụng về, lười lĩnh và thiếu sáng tạo như vậy. Sự khó chịu này cũng giống giống cảnh nhân vật đói khát là phải ăn sục ăn soạp trong mấy phim kiếm hiệp Hồng Kông, hay cảnh tìm kiếm lục lọi một cách vội vã là phải hất văng sách vở đồ đạc trên bàn xuống đầy dẫy trong mấy bộ phim rẻ tiền nào đó.
Hồi xưa người ta nói dại thì chết, khôn thì sống, một thời gian sau câu đó trở thành dại chết, khôn cũng chết, chỉ có biết mới sống. Còn khi coi The Pianist và Heaven and Earth tôi nhớ đã có người đùa rằng dại chết, khôn chết, biết cũng chết, chỉ có hên mới sống! Con người bị chiến tranh xua đuổi đọa đày, con người bị thí, bị nướng, bị xóa sổ để phục vụ cho một thiểu số cũng là con người. Thế nên Heaven and Earth làm tôi nhớ tới Nỗi buồn Chiến tranh vì thân phận, nỗi buồn của con người cứ lặp đi lặp lại hòai từ khi chiến tranh xuất hiện trong lịch sử nhân lọai. The Pianist lại khiến tôi nhớ Bản Du Ca Cuối Cùng Của Loài Người Không Còn Đất Sống. Sự khác biệt về đẳng cấp của hai tác giả lý giải phần nào đẳng cấp của hai bộ phim, nhưng tôi chẳng hiểu tại sao những nông dân Việt nam lại phải nói tiếng Anh, phải sống trên một đồng quê châu Á mà thiếu vắng cái hồn Việt khó tả. (Buồn cười khi nghĩ tới chuyện làm phim cho dân châu Âu coi mà tôi lại đòi hỏi Heaven and Earth phải làm sao cho khán giả thấu hiểu được cái tinh túy của cà ghém mắm tôm, của rô đồng điên điển!
Tôi không hề muốn đề cập tới chuyện khác trong bài viết này, nhưng nhớ lúc Bảy Lý về thấy tàu bay thả xuống quê mình thứ gì trăng trắng như sương, rốt cuộc lại thì
các bạn đã tham gia ký tên vì công lý chưa vậy?
nhócHuy
Bài viết của quo_vadis
=MoviesBoOm=
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.