Beyond Borders – Băng qua những ranh giới

…Sarah vụt chạy. Không ý thức được mình đang làm gì, cô chỉ biết làm theo lời của Nick là chạy thật nhanh về phía trại của Hội Hồng Thập Tự. Đột nhiên, tiếng “lách cách” vang lên dưới chân cô, cái âm thanh gọn ghẽ đó đã át đi tiếng lạo xạo của những bước đi với trong lớp tuyết dày, nó như một bàn tay vô hình từ lòng đất với lên giữ chân cô lại. Và trong một khoảnh khắc lung liêng giữa bầu trời xám xịt mùa đông Chechnya, Sarah nghe vọng lại từ miền sâu thẳm của ký ức câu chuyện về những trái mìn của anh thanh niên tình nguyện Campuchia, Sarah nghe thấy đâu đây tiếng gió khẽ rít qua mang tai mình, tiếng chốt đạn của đám phiến quân và tiếng kêu lạc giọng trong lo lắng của Nick ….
Ngay giây phút đó, cô hiểu rằng mình đã bước đến cái ranh giới cuối cùng, và từ đây cô sẽ không còn cùng với Nick bước qua những làn ranh giới hữu hình và vô hình nữa. Mãi mãi.

Nếu như Nick Callahan và đứa trẻ người Phi của anh không xuất hiện giữa buổi tiệc ở London năm đó, hẳn là khái niệm về những ranh giới, giới hạn đối với Sarah Jordan chỉ là những khái niệm mơ hồ, vô định và cuộc sống của cô một cách nào đó cũng sẽ vẫn có những trải nghiệm như bao gia đình người Anh khác. Nhưng Nick đã tới đó, giữa không khí ấm áp của tiệc tùng, để “tạt” vào mặt mọi con người ở đó những vốc cát nóng bỏng và hôi tanh mùi chết chóc của xứ Phi Châu xa xôi, để phô bày sự ích kỷ của những người có trách nhiệm. Phép so sánh bất nhẫn về một trái chuối và khẩu phần của một con người ở trại cứu tế, cái chết của đứa trẻ người Phi cộng với thái độ cay nghiệt và mạnh mẽ của Nick ở buổi tiệc đã đưa Sarah bước qua những “biên giới” trong cuộc sống.

Đâu là ranh giới giữa London phồn thịnh, no đủ với đất nước Ethiopia nghèo đói và nội chiến? có phải là những đường biên giới tự nhiên, là những đại dương, những châu lục, hay là những đất nước có sự dị biệt về sự phát triển ? Có khác gì giữa hình ảnh đứa con mà cô vất vả nuôi nấng và đứa trẻ chờ chết bên bầy diều hâu? có thể chẳng khác gì vì chúng đều là trẻ con, đều cần chăm sóc, yêu thương…. Những ranh giới đó không thể xóa bỏ chỉ với vài tấn lương thực, thuốc men hay nước sạch, những chuyến hàng viện trợ. Cũng như nó không thể rũ bỏ được mùi nước hoa cô xức với mùi tanh của máu người trong phòng giải phẫu dã chiến. Bởi nó được dựng nên bởi những con người điều hành trong các tổ chức, bởi nạn nhũng nhiễu và quan liêu của những người có quyền cũng như của lực lượng phiến quân hay bởi những hình thức bên ngoài của những người trục lợi từ các tổ chức từ thiện ….Sarah thấy gì? hai đất nước cùng tồn tại trên trái đất hay hai thế giới khác nhau.

Điều gì đã khiến những con người tình nguyện phải hy sinh, chịu gian khổ và nguy hiểm ở những điểm nóng của thế giới lúc đó: Ethiopia, Campodia và Chechnya? Khó có thể quên được ánh mắt hoảng sợ của nhân viên Elliot lúc chết vì bị quân Khmer Đỏ bắn. Ánh mắt đó không phải lo sợ trước sự tàn ác của toán quân diệt chủng, không phải là ánh mắt đau đớn sợ hãi lúc đối mặt với cái chết …nhưng là ánh mắt lo lắng và hoảng sợ trước cảnh tượng quả lựu đạn đã rút chốt trong tay con trẻ và trước cái chết gần như khó tránh khỏi của những người dân vô tội đứng gần đó. Và Elliot đã hứng trọn những viên đạn chỉ để ném quả lựu đạn ra xa thay vì anh có thể núp vào một chổ nào đó để được an toàn.

Với Nick, Sarah đã tìm thấy lý tưởng và con đường riêng của mình. Thật khó cho một phụ nữ hiện đại để tìm được sự hòa hợp giữa công việc và gia đình. Và phần nào đó, dù luôn muốn tìm đến sự cân bằng, nhưng đôi khi Sarah đành phải chấp nhận hy sinh một trong hai việc để hòan tất vai trò của mình.
Phần Nick ( Clive Owen), từ những định kiến ban đầu về những kẻ giàu có chơi trò từ thiện, anh đã tìm thấy ở Sarah một cái gì đó anh thật sự cần, một đồng sự, một người bạn luôn cảm thông và chia sẻ công việc, khó khăn với nhau. Clive Owen có vẻ rất thành công trong những vai diễn cần đến sự mạnh mẽ đến thô lỗ, những vai diễn trần trụi hợp với bản tính con người trong những hoàn cảnh cụ thể nhất định.

Chính trong cái đêm ở vùng sa mạc, giữa bầu không khí oi ả và ngột ngạt mùi chết chóc, tiếng đàn dương cầm của Sarah vang lên, mang lại một nốt lặng cho Nick. Và ngay lúc đó, anh nhận thấy rằng mình cần hơn một người đồng sự mà là một người bạn khả dĩ chia sẻ khó khăn trong công việc và lý tưởng của mình – một người không phải lúc nào cũng ở bên mình nhưng là người luôn sát cánh với mình ở mọi nơi, mọi thời khắc…và cùng với mình bước qua mọi ranh giới. Bản nhạc Traumerei của Robert Schumann vang lên trong đêm tối ở hoang mạc làm dịu đi sự đau đớn và sự chịu đựng quá đỗi của nhiều người. Traumerei, phải lắm Traumerei (đối chiếu Đức – Anh nghĩa là daydream), thật khéo chọn Traumerei của Robert Schumann để lồng vào cảnh phim đó, nó làm người viết nhớ lại câu “…you may say I’m a dreamer. But I’m not the only one…” của John Lennon.

…Như tỉnh lại sau một ảo giác, Sarah thấy Nick đang gắng gượng trườn về phía cô, miệng không ngớt bảo cô phải tiếp tục chạy. Nhưng làm sao Sarah có thể nói được gì với Nick nữa và nói gì đây khi chân như đã bị đóng chặt xuống đất. Thoát khỏi giây phút lung liêng đó, Sarah nhận thấy không thể để Nick vì mình mà chết, ngay lúc đó cô quyết định. Một tiếng nổ vang rền không ngờ xé toang cảnh vật và con người ở đó. Khói và tuyết bao phủ mọi vật. Phía xa xa, lá cờ của tổ chức Hồng Thập Tự vẫn phất phới trong gió đông, từng đoàn xe cộ và người vẫn hối hả đi lại mịt mờ trong sương khói.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply