Hội chợ film Quốc Tế

Vào những ngày đầu tháng 11.2006, hàng ngàn nhà phát hành phim, kinh doanh điện ảnh và phóng viên chuyên ngành đổ về dọc theo bờ biển Santa Monica (Mỹ) để tham dự chợ phim Mỹ (American Film Market – AFM).

Trong tám ngày, khoảng 8000 người làm trong ngành điện ảnh từ 70 nước – bao gồm nhà sản xuất, nhà phát hành, ban tổ chức các liên hoan phim, các nhà tài chính phim ảnh, đại diện các hãng phim, đạo diễn và diễn viên cùng giới truyền thông – đến Santa Monica để giao dịch, mua bán, xem phim, dự hội nghị, tiệc tùng và các đêm chiếu phim đặc biệt. Khác với các liên hoan phim, chợ phim tập trung vào việc mua bán phim, mỗi hãng phim có một văn phòng được bố trí tại hai khách sạn The Loews Santa Monica Beach và Le Merigot Beach bên cạnh bờ biển tuyệt đẹp nổi tiếng với cảnh mặt trời lặn. Cách hai khách sạn không xa là phố đi bộ Đường số 2 và Đường số 3 với những cụm rạp lớn san sát nhau như Laemmle Monica, AMC, Mann Criterion… với khoảng 10 màn ảnh mỗi rạp, cùng hàng trăm phòng chiếu nhỏ rải rác trong các khách sạn trong khu vực trình chiếu 589 bộ phim và hàng ngàn các đoạn phim quảng cáo sắp sửa ra mắt khán giả cuối năm 2006 và trong năm 2007 từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm.

Những khách mua phim phải ‘chạy show’ để vừa xem phim để chọn lựa các đầu phim ưng ý, vừa làm việc với các đối tác từ sáng đến tối. Đại diện của hãng Thiên Ngân cũng có mặt tại chợ phim này để ‘săn phim’ cho năm sau. Vì số lượng phim trình chiếu quá nhiều, những khách mua phim thường … rời khỏi rạp sớm nếu bộ phim không hấp dẫn trong những phút đầu tiên. Vì AFM là chợ phim tập trung vào các hãng sản xuất và phát hành phim độc lập – bao gồm phim kinh phí thấp, phim của các hãng phim nhỏ, phim không nói tiếng Anh – khá nhiều phim không đạt chất lượng cao. Nhiều khán giả ngủ ngay trong rạp, nhưng vẫn phải nán lại xem để quyết định cho việc mua bán và thương lượng giá cả. “Mua bán phim không hề đơn giản chút nào, đặc biệt là với thị trường Việt Nam” – bà Đinh Thanh Hương, đại diện của hãng Thiên Ngân tại AFM cho biết. “Thị hiếu khán giả Việt Nam không thể đoán được”. Trong một năm, thị trường Việt Nam chiếu khoảng 100 phim (trung bình gần 2 phim mới một tuần), và vì thế khán giả trong nước hầu như chỉ biết đến những phim thuộc hàng top của thế giới mà không biết đến những phim nhỏ thuộc các hãng độc lập. Đối với các nhà phát hành, việc mua các phim hàng top lại chịu rủi ro cao vì khó thể nào hoàn vốn với số tiền khá lớn bỏ ra để quyền phát hành. Theo xu hướng thế giới, đặc biệt là Hollywood, Thiên Ngân nhắm vào các phim kinh phí thấp có tiềm  năng lớn để tránh những rủi ro. Trong vài năm gần đây, hãng Thiên Ngân nhập khá nhiều phim lớn của thế giới, chẳng hạn như Anh Hùng, Vô Cực, Dị Nhân, Chiến tranh giữa các vì sao 3 và gần đây nhất là Dạ Yến, nhưng lại không gặt hái thành công về doanh thu như những phim nhỏ hơn mà hãng phát hành, chẳng hạn như Yêu là cưới, Vú em FBI và gần đây là Cuộc gọi lúc nửa đêm.

Nếu hãng Thiên Ngân đến AFM để mua phim ngoại về trình chiếu tại thị trường nội địa thì Vietnam Media Corp. mang phim nội đến AFM nhằm tìm kiếm đối tác phát hành phim tại thị trường quốc tế. Gian hàng của Vietnam Media Copr. nằm tại lầu 2 khách sạn Le Merigot Beach. Ngay trước cửa phòng là tấm poster giới thiệu các bộ phim Việt Nam tiêu biểu gần đây như Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao và cả dự án phim đang thực hiện của hãng phim Việt vừa đoạt giải Promotion Plan tại LHP Pusan. Tấm poster này cũng là hình bìa của tạp chí chuyên ngành điện ảnh Variety số ra ngày 17.10.2006. Cũng trên tạp chí này, trong số ra ngày đầu tiên tại AFM, Áo lụa Hà Đông nhận được lời khen ngợi trong bài bình luận của Richard Kuipers. Bà Ngô Thị Bích Hạnh, đại diện của Vietnam Media Corp. tại AFM, khá lạc quan với tình hình mua bán. “Nhiều hãng phát hành nước ngoài đã quan tâm hơn đến phim Việt Nam, nhất là sau khi Áo lụa Hà Đông đoạt giải tại LHP Pusan hồi tháng 10 vừa qua. Nhiều người đến hỏi về bộ phim này”. Vietnam Media Copr. đã nỗ lực để quảng bá phim Việt Nam với thị trường nước ngoài. Không chỉ các poster phim như Áo lụa Hà Đông, Chuyện của Pao, Sài Gòn nhật thực được thiết kế chuyên nghiệp mà cả những poster khá… tệ khi phim được phát hành ở Việt Nam như Đường thư, Ký ức Điện Biên… cũng được thiết kế lại khá hoành tráng.

Có thể nói, Sự có mặt của hai hãng phim này tại Chợ phim Hồng Kông (châu Á), chợ phim Cannes (châu Âu) và nay là chợ phim Mỹ không chỉ cho thấy sự năng động của các hãng phim này trong việc xây dựng một nền công nghiệp kinh doanh điện ảnh mà còn là sự chuyển động ban đầu của sự hoà nhập giữa điện ảnh thế giới và điện ảnh trong nước.

(Bài đăng trên SGTT số ra ngày thứ 5 – 16.11.2006)

 


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply