Children of Men và Alfonso Cuaron

 

Children of Men mở đầu bằng 1 tin buồn được phát trên truyền hình toàn nước Anh: người trẻ nhất hành tinh đã chết trong 1 cuộc ẩu đả vào tuổi 18. Thế giới đang bước vào năm thứ 20 kể từ khi đám mây khủng hoảng, loại khủng hoảng toàn diện về cả chính trị, kinh tế lẫn đời sống che phủ khắp nơi. Và nước Anh đang trên đường phát-xít hoá như 1 phương cách tự vệ trước làn sóng di dân cùng các hệ lụy.

Trên hết, không còn 1 người phụ nữ nào còn khả năng thụ thai.

Loài người không còn khả năng duy trì nòi giống!

 

Làm phim trẻ em rồi ngoặc 1 phát sang kiểu như Y Tu Mama Tambien (And Your Mother Too) rồi lại ngoặc trở lại với phim trẻ em, thú vị đấy chứ. Nhưng chỉ là tình cờ?

A. Cuaron: Tôi lựa chọn theo bản năng, kiểu xác tín rằng đây đúng là thứ mình sẽ làm. Tôi yêu thích phim trẻ em cũng như yêu thích làm việc với bọn trẻ. Với người lớn, không chắc tôi có thể trao đổi tốt như vậy. Giới trẻ luôn là đối tượng giao tiếp của tôi trong mỗi bộ phim tôi làm, bởi họ là hy vọng. Hy vọng nằm trong chính giới trẻ, thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp.

Có 1 lý do vì sao khi là nhà sản xuất, chọn lựa của tôi luôn là những đạo diễn đầu tay. Phải, nguyên nhân là tôi đã từng ao ước phải chi có ai đó hỗ trợ mình vào những ngày đầu khởi nghiệp biết bao. Nhưng cũng có 1 lý do ích kỷ hơn: sau hàng năm theo đuổi học hỏi các bậc thầy lớn tuổi, bạn sẽ tự mình đi đến trạng thái đông cứng, và bạn tất phải lại bắt đầu kết nối với con đường mà thế hệ kế tiếp đến với phim ảnh. Bạn cố giữ mình luôn thích ứng, nắm bắt những xu hướng, ngôn ngữ tươi mới, những gì điện ảnh luôn hướng đến.

Thế hệ của tôi có cái may mắn khốn kiếp là được sinh ra trong 1 thế giới khá ổn để rồi phải chứng kiến nó tuồn tuột trôi xuống cống rãnh ngay trước mắt.

Tôi thì tin vào thế hệ trẻ, những kẻ sinh ra trong chính cái thực tế này chứ không phải trong thời kỳ đẹp đẽ xưa cũ. Một trong những vấn đề của thế hệ đi trước hiện nay là nhìn sự việc bằng quan điểm tiếc nuối. “Hãy gắng trở lại với thiên đường xưa, trở lại với thế giới chưa có ô nhiễm và hiện tượng trái đất ấm dần, chưa có khủng bố, khi mà các mối quan tâm của chúng ta chưa mâu thuẩn nhau.” Điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Không bao giờ!

.. Sau bao năm chối bỏ hiện tượng ấm dần toàn cầu, rốt cục thì “À, có lẽ cũng có thứ gì như thế thật đấy.” Và sau bao năm chối bỏ thất bại Iraq, nay: “Ừ, vụ Iraq có lẽ không tốt như ta vẫn nghĩ.” Cứ thế chúng ta càng lúc càng đi xa hơn bằng những giải pháp cổ lỗ cho những vấn đề phát sinh. Nhân đạo thì đang tự ca ngợi bởi sự từ bỏ giá trị của chính mình. Ví dụ, tra tấn từ lâu đã bị xóa sổ khỏi văn minh Tây phương thì nay bạn thay đổi tí chút về khái niệm, bạn gọi đó là lạm dụng, không phải tra tấn. Hay những lời lẽ đẹp đẽ to lớn dành cho sự kiện “bức tường Berlin” rằng chỉ có đối thoại, bởi tường rào không thể hiệu quả. Và bây giờ lại có những cuộc đối thoại để dựng bức tường giữa Mexico và nước Mỹ..

Thế hệ trẻ hiểu thế giới họ đang sống, họ tất phải thay đổi, chuyển biến nó. Nhưng tất nhiên, bạn biết đấy, mất mát tổn thất sẽ là không tránh khỏi. Và rồi dần dần mọi người sẽ học cách sống tại Bắc cực, nơi đang trở thành xích đạo. Và sẽ cố mà gầy dựng xã hội mới. Mà biết đâu thế sẽ là tốt nhất khi ấy.

 

 

Thế rồi 1 ngày kia, Theo bị tổ chức khủng bố của cô vợ cũ Julian và bạn cũ Luke bắt cóc. Mục đích của cuộc bắt cóc này không liên can gì đến bản thân anh, vốn đã từ bỏ chính trị từ lâu sau khi đứa con trai Dylan của 2 người chết và bộ ba cũng chia tay từ đó, ai nấy theo đuổi niềm tin của riêng mình. Họ cần anh giúp đỡ: 1 cô gái da màu đang ở chổ họ, và cô có thai 8 tháng! 

Julian muốn đưa Kee, tên cô gái, đến Brighton rồi từ đó ra bờ biển với hy vọng gặp chiếc tàu của tổ chức mang tên Human Project.

 

 

Có phải là lựa chọn nhất thiết cho vai Kee là 1 cô gái da màu? Bởi trong tiểu thuyết thì chính Julian (da trắng – seudo) mới là người có thai.

A. Cuaron: Vâng, chúng tôi khởi sự bằng khá nhiều chất liệu từ cuốn tiểu thuyết và tôi đã dựa nhiều vào giả thuyết vô sinh ấy. Thật cảm ơn P.D. James vì chính bà đã phát pháo cho cả quá trình sáng tạo sau này. Nhưng những gì tôi lấy từ giả thuyết trong truyện chỉ là ẩn dụ cho niềm hy vọng đang phai nhạt của nhân loại, đồng thời cũng là sự kém quan tâm và tôn trọng của nhân loại đương thời đối với thế hệ tương lai.

Dùng giả thuyết vô sinh như điểm xuất phát cho bộ phim, không phải phim khoa học viễn tưởng cũng chẳng phải phim về tương lai, tôi chỉ cố gắng khám phá ngày nay, tìm hiểu trạng thái của những thứ đang cấu trúc thập niên đầu của thế kỷ 21 này. Và chẳng cần đi đâu xa để va vào 2 vấn đề: môi trường và di dân.

 

Vì sao phụ nữ trở nên vô sinh trong Children of Men?

A. Cuaron: Thành thật nhé, tôi không quan tâm bởi điều đó không có thật. Chỉ là giả thuyết thôi. Với tôi, điều quan trọng là ẩn dụ đàng sau giả thuyết đó.

Trong phim, chẳng ai biết vì sao lại thế. Và tôi đã chẳng hề để ý điều đó làm gì dù biết điều này làm 1 số khán giả khó chịu, bởi nếu khởi sự tôi muốn làm 1 bộ phim khám phá tại sao phụ nữ vô sinh, tôi đã làm phim về sự vô sinh. Tương tự với Dự án Nhân Loại-Human Project, tổ chức huyền bí mà các nhân vật chính cố tìm gặp. Nó chỉ là ẩn dụ của khả năng tiến hoá của tinh thần nhân loại, sự tiến hoá của hiểu biết nhân loại..

Tôi khinh miệt loại phim giải thích tất tần tật. Tôi không chịu được sự giải thích trong phim. Cứ như tôi sắp nổi mề đay đây. Nó giống như bạn chết ngạt trong khán phòng.. Phim ảnh hiện nay đang trở thành thứ gì đó chứ không còn là điện ảnh, chỉ còn là những câu chuyện bằng hình ảnh tầm tầm mà bạn có thể xem với đôi mắt nhắm.

Trong những năm gần đây, tôi cho rằng phim ảnh đã trở thành con tin của cốt chuyện trong khi lẽ ra điều ta phải làm là để cốt chuyện nhảy múa cùng với diễn xuất, kỹ thuật quay hình, âm nhạc.. nhằm kể câu chuyện theo lối điện ảnh. Xin lỗi, tôi bắt đầu huênh hoang rồi. Bởi tôi không thể hiểu nổi làm 1 bộ phim mà ta có thể nhắm mắt xem thì để làm gì. Tuy nhiên tôi không nói về thoại. Thoại trong phim có khi rất tuyệt như phim của Woody Allen hay Eric Rohmer. Chúng thật tinh khiết trong phim của họ. Nhưng tiếc thay, với phim ảnh thì phần nhìn mới là cơ bản.. Phim drama hiện nay đang trở thành 1 thứ chủ nghĩa Freud rẻ tiền, ít nhất là tôi có cảm giác như thế với dòng phim chính thống.

 

 

Từ tuyệt chính trị xã hội bởi thất vọng ê chề, niềm vui nhỏ bé thực sự còn lại của Theo là những lúc bù khú với cặp vợ chồng người bạn hippi già Jasper. Bất đắc dĩ bị cuốn theo cuộc trốn chạy của Kee, Theo dẫn người xem đến với nước Anh những năm cuối thập niên thứ 2 của thiên niên kỷ thứ 2.

Qua bàn tay Alfonso Cuaron, đồng tác giả kịch bản và đạo diễn, hình ảnh này chẳng mấy hấp dẫn và khá trái khoáy so với những gì hầu hết cư dân trái đất mong đợi. Hơn thế, bộ phim gần như xám xịt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng từ đầu tới cuối. Bom nổ trong quán cafe ngay tại London, bạo loạn khắp nơi trên xứ sở sương mù với đủ thứ đảng phái từ người Đức (?) đến dân da màu, dân nhập cư trái phép bị lùng sục để tống vào trại tập trung. Nghèo đói, hoang tàn, hỗn loạn, tàn sát..

 

 

Mọi thứ trong Children of Men dường như thật cổ lỗ và hỗn mang. Vậy phim cố diễn dịch điều gì khi tạo ra 1 cảm giác xưa cũ như vậy trong khung cảnh vị lai?

A. Cuaron: À, vì đó không phải là tương lai xưa cũ, mà chính là hiện tại.

Thật thú vị khi có người cho rằng trại tị nạn trong phim liên hệ đến trại Auschwitz thời Quốc xã. Điều đáng buồn là chúng ta chẳng hề nghĩ đến Auschwitz khi chính chúng ta đang có Abu Ghraib, Guantanamo và The Maze. Đấy là kiểu ám thị của chúng ta, cái kiểu ám thị chứng tỏ sự tàn bạo của nhân loại thì chẳng hề có tuổi tác.

Nhân loại đang thẳng tiến với tốc độ kinh ngạc, nhất là công nghệ và kiến thức. Cứ nghĩ mà xem riêng công nghệ đã tiến xa thế nào chỉ trong thế kỷ rồi, và sẽ đến đâu trong thế kỷ này. Ấy thế mà đạo đức và chính trị lại chẳng hề tiến bộ đồng hành. Chúng ta xem ra  chẳng tiến hoá mấy về khía cạnh ấy.

 

 

Những phút cuối cùng, không biết đôi tai điếc mất một nữa của Theo có kịp nghe Kee thảng thốt “Tàu! Kìa, chiếc tàu!”

Chiếc tàu của tổ chức Human Project. Chiếc tàu mang tên Tomorrow.

 

 

Trong thời điểm công nghiệp điện ảnh thế giới đang rướn sức xốc dậy bằng những sản phẩm kinh phí bom tấn hòng đoạt lại doanh thu bom tấn, dòng phim trong đó Children of Men đang hoà mình vào hẳn gặp không ít khó khăn. Và để có 1 đứa con khá đầy đặn như vậy, tất cha mẹ phải có những tố chất nhất định.

Các bạn, nãy giờ đang xem trích phỏng vấn Alfonso Cuaron của Alex Vo, Rotten Tomatoes, hẳn cũng nhận thấy điều đó.

Và bây giờ xin kết thúc bài phỏng vấn với vài câu hỏi khắc hoạ thêm phần nào tố chất của đạo diễn sinh năm 1961 người Mexico với câu nói được 1 boomer trong nghề trích “Most of cinema nowadays is about shooting a lot and then figuring it out in the cutting room, rather than seeing your film it the head and see what's in your head and not shoot what you have already envisioned in your head.”

 

Ngay từ đầu anh đã hết sức miễn cưỡng khi được trao bản thảo kịch bản của bộ phim?

A. Cuaron: Ô, vì nó ẹ không thể tả.

Thế anh có giữ lại gì từ bản thảo gốc?

A. Cuaron: Không gì hết. Thậm chí tôi chẳng đọc hết nữa. Chỉ sau độ 15, 20 trang, tôi nghĩ “OK, bye bye.” Chuyện xảy ra là cái giả thuyết ấy cứ ám ảnh tôi suốt và tôi buộc phải cân nhắc tại sao mình cứ bị nó ám ảnh. Đấy là lúc cả quá trình khởi động.

 

Vậy là anh đã chẳng màng đọc cuốn tiểu thuyết của P.D. James?

A. Cuaron: Tôi hình dung rất rõ bộ phim tôi muốn làm. Tôi không muốn đoán già đoán non cũng như lạc hướng nên đã cùng đồng tác giả kịch bản Tim Sexton đọc truyện và lượm lặt những chi tiết thích hợp với bộ phim chúng tôi đang làm. Không phải kiểu “Ô, tôi có thứ này rồi, tôi không rớ đến cuốn truyện đâu.” Không, thật sự tôi đã cố tìm bất cứ thứ gì có thể giúp cho câu chuyện của chúng tôi chừng nào đó còn là bộ phim tôi muốn có.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply