Nhìn lại danh sách những bộ phim điện ảnh Việt Nam mà tôi nhớ và thích, có không ít phim hình sự ấn tượng khó quên: Người không mang họ, SBC (Săn Bắt Cướp), Lệnh Truy Nã… Lâu lắm rồi, điện ảnh Việt Nam mới có lại một phim điện ảnh thuộc thể loại hình sự hành động: Bẫy Rồng.
Đạo diễn của Bẫy Rồng là Lê Thanh Sơn, một tay rocker chuyển sang làm đạo diễn, đậu thủ khoa khi thi vào trường SKĐA, và cũng tốt nghiệp thủ khoa với bộ phim ngắn (nhưng mà dài những 47 phút) Tôi là ai. Sơn đi làm AD (phó đạo diễn) cho những phim lớn của các đạo diễn Việt Kiều – Áo lụa Hà Đông, Dòng máu anh hùng…, sau đó tham gia khóa học 6 tuần tại USC vào mùa hè năm 2007. Sau đó, anh tập trung viết kịch bản cho bộ phim của mình. Anh thích làm phim tâm lý.
Thế nhưng, khi hãng Chánh Phương mời Sơn làm bộ phim Bẫy Rồng, một kịch bản phim hành động do Johnny Trí Nguyễn phác thảo câu chuyện, Sơn đồng ý nhận lời, bởi cơ hội không đến hai lần. Sơn cùng Hồ Quang Hưng, người bạn cùng chơi nhạc trong nhóm Little Wings của anh, cũng là bạn viết kịch bản của anh, đã cùng với Johnny Trí Nguyễn viết kịch bản của Bẫy Rồng. Dễ nhận thấy dấu ấn của Sơn trong kịch bản phim Bẫy Rồng – triết lý về cuộc đời, về nhân quả, về số phận của những con chốt trên bàn cờ vẫn tưởng mình là kẻ đánh cờ. Nói là dấu ấn của Sơn, bởi trong Tôi là ai, bộ phim ngắn đoạt giải Cánh diều bạc (không có giải vàng) của Sơn cũng có những triết lý về cuộc sống như thế.
Bẫy rồng là một phim hình sự hành động theo đúng khuôn mẫu của dòng phim này. Nhân vật chính nhận một nhiệm vụ và phải hoàn thành để đạt được điều mình muốn – Phương Hoàng (Ngô Thanh Vân) thực hiện phi vụ cuối cùng trong bảy phi vụ mà cô đã thỏa thuận với trùm xã hội đen Hắc Long để cứu con gái của mình. Trong số những ‘tay chân’ của mình, cô dần có cảm tình với Quân (Johnny Trí Nguyễn), không chỉ vì anh đẹp trai hơn ba thằng còn lại mà còn vì anh cư xử chừng mực, bình tĩnh, galăng và cứu cô khỏi cái chết trong gang tấc nhiều lần. Thế nhưng, Quân có một bí mật. Và Hắc Long cũng có một bí mật.
Nếu đã xem nhiều phim hình sự, bạn có thể đoán ra hết mọi tình tiết diễn biến trong phim. Thế nhưng, với những thể loại phim thế này, câu chuyện chỉ là cái cớ để nhà làm phim phô diễn những thế mạnh khác. Ở Bẫy Rồng, đó là hành động võ thuật. Khán giả không bị chi phối nhiều bởi câu chuyện để tập trung thưởng thức những pha đánh võ khá đẹp mắt. Đáng khen ngợi cho êkip làm Bẫy Rồng là họ chọn lối thể hiện võ thuật truyền thống: bạn biết rõ ai đánh ai trúng ở đâu và đánh thế nào. (Nếu xem các phim hành động võ thuật Hollywood gần đây, bạn chỉ có cảm giác là hai bên đánh nhau dữ dội nhưng không biết ai đánh ai trúng ở đâu và ra sao, điển hình là the Bourne Ultimatum và Quantum of Solace. Kỹ thuật dàn dựng võ thuật kiểu mới nhằm che dấu một sự thật: các diễn viên không biết đánh võ!)
Trong Bẫy Rồng, Johnny Trí Nguyễn trong vai trò chỉ đạo võ thuật, diễn viên kiêm nhà sản xuất lẫn đồng biên kịch đã kết hợp nhiều thế võ khác ngoài Vovinam được sử dụng triệt để. Các pha đấu một chọi mười được tập/quay/ dựng khá gọn gàng, vừa đủ để người xem thấy rõ hết chiêu thức, nhưng cũng đồng thời khiến người xem như được có mặt ngay trong trận đấu.
Hoàng Phúc rất ấn tượng với vai Hắc Long – mặc dù gợi nhớ đến các trùm xã hội đen của phim Hong Kong thập niên 80 – 90 như Long Tứ – nhưng vẫn là một hình ảnh trùm xã hội đen mới lạ so với điện ảnh Việt Nam trước nay. Sử dụng rất hiệu quả leitmotif âm nhạc dành cho hắc Long với bản sopranos, không chỉ để người xem biết sự có mặt của Hắc Long trước khi Hắc Long xuất hiện, mà còn góp phần vào tính cách của nhân vật này: một kẻ xảo quyệt ranh ma đẳng cấp. (Tui tưởng tượng rằng sau này tui mà làm phim nhái, tui sẽ cho trùm xã hội đen nghe bản Lá Sầu Riêng hay Tình anh bán chiếu cho nó đậm đà truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam).
Ngô Thanh Vân là điểm sáng của bộ phim, với hình ảnh mạnh mẽ mà vẫn nữ tính, với những pha võ thuật nhuẫn nhuyễn, những cuộc vật lộn điêu luyện trên đường phố lẫn trên giường. Vân gần như là Phượng Hoàng – nói gần như bởi trong hầu hết bộ phim cô hóa thân hoàn toàn vào nhân vật, nhưng trong những đoạn nội tâm thì lại thấy Vân đang diễn.
Hiếu Hiền là một ấn tượng khác. Vẫn rất hài hước như trong các phim của Vũ Ngọc Đãng, nhưng Hiếu Hiền trong Bẫy Rồng đem đến tiếng cười không chỉ nhờ những câu thoại rất đời thường mà còn bởi tính cách của nhân vật này.
Nhịp điệu của Bẫy Rồng vừa phải – vừa đủ các pha đánh đấm, nhưng cũng có những khoảng lặng nhất định để khán giả ‘thư giãn’ và chiêm nghiệm. Triết lý trong Bẫy Rồng vừa đủ để khán giả bình dân cũng có thể ‘đọc’ được, nhưng cũng chừng mực để không trở nên lộ liễu.
Điều đáng tiếc duy nhất chính là âm nhạc của phim. Tuy nhiên, tui sẽ không bàn luận về phần này vì bản phim tui xem không phải là bản phim cuối cùng ra rạp.
Cuối cùng, tui nghĩ rằng Bẫy Rồng là một phim đáng xem ngoài rạp.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.