Những lý tưởng sụp đổ

goodbye_01

Hầu hết những bộ phim Đức mà tui nhớ nhất, trùng hợp thay, đều kể về sự luyến tiếc cho một lý tưởng cao đẹp đã bị sụp đổ. Cuộc đời của người khác (The Lives of others), Những nhà Dáo Dục (The Edukators) và Tạm biệt Lê nin (Goodbye Lenin). Ba bộ phim, ba thái độ hoàn toàn khác nhau về lý tưởng xã hội chủ nghĩa ở Đông Đức, nhưng đều khác hoạ rõ nét sự luyến tiếc của người làm phim với một quá khứ buồn bã được tô vẽ. Ở đó có nhà văn tin rằng nếu mình sống trong sáng thì không có thế lực xấu xa nào có thể hãm hại được mình; có một nhân viên tình báo tin rằng ông đang sống và chiến đấu để phụng sự cho một nhà nước cho dân và vì dân, mà không ngờ rằng tâm hồn mình đã chai sạn trái tim mình đã héo khô, cho đến một ngày ông nghe bản nhạc ‘Sonata dành cho người tốt’ và đọc những dòng thơ của Brecht, để bỗng lờ mờ nhận ra những lý tưởng của mình là rỗng tuếch; có đám thanh niên vẫn sống với lý tưởng cao đẹp, muốn công bằng cho xã hội bằng cách lẻn vào nhà của những kẻ giàu sang trong xã hội, đặt lại lời cảnh báo với biệt danh ‘Những nhà Dáo Dục’ rất ‘ngông nghênh’ của một thời tuổi trẻ, để đến khi đối mặt với kẻ tham nhũng, những niềm tin bắt đầu lung lay; kẻ tham nhũng ấy, cũng từng là một thanh niên xã hội chủ nghĩa sống với những lý tưởng cao đẹp, cho đến khi phải ra đời làm việc, đối mặt với guồng máy tham nhũng đã bị đồng tiền làm lũng đoạn từ trên xuống dưới và để tồn tại, người thanh niên năm xưa cũng phải nương theo guồng máy ấy và trở thành gã nhà giàu bụng phệ của hôm nay; và hài hước, mỉa mai nhưng vô cùng tiếc thương cho một thời xã hội chủ nghĩa tươi đẹp nhất là câu chuyện của người phụ nữ sống lý tưởng với chế độ xã hội chủ nghĩa của Đông Đức đến mức những đứa con của bà không dám nói cho bà biết rằng xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, bức tường Berlin đã sụp đổ sau khi bà tỉnh dậy từ một cơn hôn mê kéo dài 8 tháng; ở đó cũng có những người già gặm nhấm những kỷ niệm tuyệt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng có đám con nít khăn quàng xanh sau khi bức tường Berlin đã sụp vòi 20 mark mỗi lần chúng phải hát lại những ca khúc ngợi ca chế độ năm xưa. Hình ảnh bức tượng Lê Nin bay giữa phố phường như vẫy chào người phụ nữ tội nghiệp đang ngơ ngác trước sự thay đổi không ngờ của thành phố mình đang sống có lẽ sẽ gây ra nhiều cảm xúc với những ai đã và đang sống trong chế độ xã hội chủa nghĩa đầy những lý tưởng cao đẹp.

goodbye_poster

Thật kỳ lạ, là xem những bộ phim của Đức, về một thời kỳ xa xôi của họ, lại dễ dàng thấy gần gũi, thấy thân quen, thấy cả bồi hồi khi nghe những khúc ca của đám thiếu nhi Đội thiếu niên Đức. Cái cảm giác và không khí của cả ba bộ phim này tưởng chừng như chính cảm giác và không khí của một xã hội mà tui đang sống hôm nay… Nên xem xong, thấy buồn rã rời…

Nhân ngày cách mạng tháng 10 Nga 7.11.1917, 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ 9.11.1989, ngồi xem lại ba bộ phim này, viết vài dòng lãng đãng…

(PS: bạn A. nói rằng bạn ấy không quên được thời khắc bức tường Berlin sụp đổ, bởi tin tức tràn ngập trên truyền hình và báo chí ở Mỹ. Còn tui, tui chẳng có một ký ức nào về sự kiện ấy. Tui chỉ biết đến sự kiện ấy mãi về sau này khi nghe bài Wind of changes… mà hồi xưa tui còn nghĩ rằng bức tường Berlin đã đổ từ trước khi tui sinh ra đời nữa kìa)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply