Truyền thống của Hollywood là những bộ phim ca ngợi tình phụ tử, vì đa phần các ngài đạo diễn đều muốn chia sẻ suy nghĩ của họ khi trở thành những ông bố bận rộn và chợt hiểu ra hoàn cảnh của cha mình trước đây. Ngay cả mùa phim cuối năm 2006, hai phim ăn khách nhất ở bảng doanh thu là Đi tìm hạnh phúc của Will Smith và Đêm ở bảo tàng của Ben Stiller cũng liên quan đến đề tài trách nhiệm của người cha với con trai của mình. Thế nhưng, khi mùa giải Oscar 2007 đang đến, người ta bàn tán nhiều hơn về những hình tượng người mẹ trong các tác phẩm điện ảnh nghệ thuật nhiều tiềm năng giành vinh quang…
Ba bộ phim tiêu biểu nhất về hình ảnh người mẹ được bàn tán rôm rả nhất trong mùa Oscar gồm có Volver (Trở về) của đạo diễn Tây Ban Nha Pedro Almodovar, Little Children (Những đứa trẻ nhỏ) của đạo diễn Mỹ Todd Field và The Queen (Nữ hoàng) của đạo diễn Anh Stephen Frears. Cả ba bộ phim thể hiện rõ nét và trực diện về những bi kịch và khủng hoảng của những người mẹ. Trong phim Trở về của đạo diễn Pedro Almodovars, Penelope Cruz thủ vai Raimunda, vừa là đứa con gái lạnh lùng với mẹ ruột, vừa là người mẹ kiên nghị bảo vệ cho đứa con gái của mình. Những người phụ nữ trong Trở về đều có những nỗi đau, những trăn trở, những tâm sự cất giấu trong lòng. Họ chỉ muốn được sà vào lòng mẹ để được vỡ oà. Trở về là sự trở về của linh hồn người mẹ của Raimunda đã qua đời, như một cơ hội để cả hai mẹ con tìm được mối đồng cảm giữa họ, hàn gắn lại khoảng cách mà cả hai tạo ra bởi những bí mật trong quá khứ. Kết thúc phim không phải là khi Raimunda có thể nằm trong vòng tay người mẹ của mình, để được thổ lộ tâm sự dồn nén bao nhiêu năm, để được khóc như một đứa con gái, mà là lúc người mẹ tiếp tục ‘vai trò hồn ma’ để chăm sóc cho một người con gái mất mẹ khác.
Ngược với những cảm xúc được đẩy lên cao trào, với những mối quan hệ mẹ con chồng chéo cùng một đoạn kết bất ngờ trong Trở về, là một câu chuyện trầm lắng, riêng tư của một người mẹ đặc biệt, ‘mẹ của quốc gia’, trong phim Nữ Hoàng. Helen Mirren vào vai nữ hoàng Elizabeth II đã lột tả được những trăn trở của một người phụ nữ vừa gánh vác đại sự quốc gia, vừa chăm lo cho chính gia đình của mình. Khi công nương Diana qua đời trong tai nạn xe hơi tại Pháp, nữ hoàng phải đối mặt với áp lực từ phía gia đình lẫn công chúng. Lần đầu tiên công chún biết được, và hiểu thêm, về những câu chuyện phía sau gia đình hoàng gia Anh trong những ngày tháng tang thương năm 1997. Người mẹ của Thái tử Charles chỉ muốn xem cái chết của công nương Diana như là chuyện trong nhà, nhưng công chúng đòi hỏi được thấy phản ứng từ phía hoàng gia, khiến nữ hoàng trở thành một người phụ nữ lạnh lùng nhẫn tâm trong mắt họ.
Ngoài những phim có chủ đề chính là hình ảnh người mẹ, thì những phim như Running With Scissors (Chạy theo đường kéo), Little Miss Sunshine (Hoạ hậu nhí Ánh Dương) và Notes on a Scandal (Ghi chép một vụ tai tiếng) cũng có những bà mẹ trong tuyến nhân vật phụ rất đa dạng: một bà mẹ đỏm dáng chỉ biết lo cho sắc đẹp và thời trang (Annette Bening trong Chạy theo đường kéo), một bà mẹ tất bật lo cho cả một gia đình ‘bất bình thường’ của mình, xem ước mơ khao khát của đứa con gái bé bỏng của mình là tất cả (Toni Collette trong Hoa hậu nhí Ánh Dương) hay bà mẹ tự huỷ hoại sự nghiệp và gia đình mình bởi những ham muốn tình dục (Cate Blanchett trong Ghi chép một vụ tai tiếng)
“Đây thực sự là một đề tài rất lớn” nhà biên kịch của phim Nữ hoàng Peter Morgan nói “Bởi nó đụng chạm đến tình cảm cơ bản nhất tồn tại trong mỗi chúng ta”. Trên thực tế, điện ảnh kinh điển của Hollywood lại hiếm khi chạm đến đề tài người mẹ. Ngay cả những phim năm nay, đa phần đạo diễn đều đến từ các nước khác. Đạo diễn Almodovar, từng được thế giới biết đến qua một phim về người mẹ khác, Tất cả về mẹ tôi, tâm sự lý do ông thực hiện phim Trở về “Tôi luôn quanh quẩn bên phụ nữ suốt ngày thời thơ ấu – bên mẹ tôi và những người hàng xóm – và bộ phim này thật sự như lời tri ân với họ. Khi trở thành người lớn, bạn sẽ thấy mọi thứ một cách công bằng hơn, cân băng hơn. Giờ đây tôi bị cuốn hút bởi những phụ nữ này và những cuộc đấu tranh bên trong họ. Họ giống như là vật báu của đời. Tôi còn nhớ những bà mẹ và phụ nữ ấy rất mạnh mẽ, rất hài hước và cùng lúc họ kể rất nhiều câu chuyện, về những bi kịch, những chuyện kinh khủng đã xảy ra, những hồn ma. “Sự thật là tiếng nói của người đàn ông là tiếng nói của quyền lực, nhưng bên trong bóng tối lại là phụ nữ, những người thật sự kiểm soát gia đình và mọi thứ khác. Đó là điều mà tôi nhớ rất nhỏ kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ” – Pedro nói.
Nếu Penelopez Cruz là hiện thân của một người mẹ Ý trong những năm 50 (ý tưởng của đạo diễn Pedro khi xây dựng hình tượng nhân vật Raimunda, một ‘người mẹ Ý mẫu mực của những năm 1950, những bà nội trợ xinh đẹp, mạnh mẽ và vô cùng quyến rũ) thì Kate Winslet dường như là hình ảnh của người mẹ Mỹ trong xã hội hiện đại trong phim Những đứa trẻ nhỏ. Người mẹ mà Kate Winslet thể hiện xa lánh đứa con gái của mình và sống riêng cho cuộc đời mình, chạy theo cuộc tình chóng vánh với một người đàn ông cô gặp khi họ cùng trông con trong công viên. Đạo diễn Todd Field nói ‘Tôi không nghĩ rằng nhân vật này sai trái, đơn giản chỉ là quan điểm của chúng ta khi làm cha làm mẹ. Chúng ta ai cũng từng đối xử tệ với con cái, như khi chúng muốn chia sẻ điều gì đó với chúng ta và chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ. Con người vốn là thế”. Kate Winslet thể hiện nhân vật người mẹ phức tạp này một cách hoàn hảo: khán giả thấy ở đó một phụ nữ thông minh sắc sảo, nghiêm túc và đôi khi yếu đuối, nhưng khi khác cô ta lại rất cao ngạo, ích kỷ và cực kỳ ngờ nghệch.
Khác biệt với hai người phụ nữ đó, vai trò làm mẹ Nữ hoàng Elizabeth rất đặc biệt. “Bà là người mẹ thứ hai của người Anh” – biên kịch Morgan nói. Kịch bản của Morgan xoáy vào những ngày sau cái chết của công nương Diana tại Paris, khi mà thủ tướng mới của Anh Tony Blair vừa nhậm chức và chiếm được cảm tình công chúng khi có những phát biểu đầy cảm thông về công nương Diana trong khi nữ hoàng lại không xuất hiện trước công luận. Mọi người đều thương cảm cho Diana và cho rằng hoàng gia Anh đang chối bỏ trách nhiệm, nhất là khi thái tử Charles và công nương đang có những rắc rối trong đời sống hôn nhân của họ. Trong phim, lần đầu người ta biết được phản ứng của thái tử Charles khi nghe tin về cái chết của Diana, cách ông ta đến phòng của hai đứa con trai để thông báo tin buồn và sau đó bày tỏ quan điểm của mình với mẹ, nữ hoàng Elizabeth. Trong những đoạn đầu phim, hình ảnh Nữ hoàng giống như những gì người ta vẫn nghĩ về bà: cay độc, lạnh lùng, đối đầu với Tony Blair, không ai kiểm soát được, không hợp tác và không hề bày tỏ một cảm xúc nào ra bên ngoài. Thế rồi người xem dần yêu thương bà bởi họ nhìn thấy nỗi đau bên trong của người phụ nữ này và hiểu rằng bà chịu đựng sự mất mát như thế nào. Một trong những cảnh xúc động nhất trong phim là khi nữ hoàng Elizabeth bước lên cầu thang đến phòng ngủ của Mẫu hậu và thốt lên một tiếng ‘Mẹ ơi’ như tiếng nấc nghẹn nhỏ. Ngay cả một người phụ nữ trong cương vị của bà vẫn cần đến một người mẹ khi lâm vào những hoàn cảnh khó xử. Nhìn rộng ra, người xem có thể cảm nhận được rằng Elizabeth cảm nhận được tình mẫu tử, thì dĩ nhiên bà cảm nhận được tình cảm của Diana với những đứa cháu của bà. Trong vai trò của một nữ hoàng, bà không thể bày tỏ cảm xúc bên trong ra bên ngoài như những người khác, nhưng điều đó khiến bà đau đớn bởi không dễ dàng gì có thể kềm nén những cảm xúc như thế vào bên trong.
Cũng cần nhắc đến hai bộ phim chiến tranh của đạo diễn Clint Eastwood thực hiện trong năm nay, Flags of our fathers (Ngọn cờ cha ông) và Letters from Iwo Jima (Những cánh thư từ Iwo Jima). Mặc dù hai bộ phim về đề tài chiến tranh, thế nhưng đâu đó hình ảnh của những người mẹ có con ra chiến trận trong bộ phim này khiến người xem rung động, dâu có nhân vật chỉ được biết đến qua những lá thư mà không xuất hiện trên màn ảnh. Trong Những cánh thư từ Iwo Jima, khi những người lính Nhật mở một lá thư của một tù binh Mỹ, họ đọc được tâm sự của bà mẹ mong con trai mình hãy trở về an toàn, bởi cuộc chiến dường như quá vô nghĩa. “Những dòng chữ, những lời nói của bà mẹ Mỹ đó làm tôi nghĩ tới mẹ của tôi. Mẹ tôi cũng từng nói với tôi như vậy” – một người lính Nhật thốt lên. Có lẽ dù ở bất kỳ quốc gia nào, khán giả cũng sẽ thốt lên như người lính Nhật ấy…
(Bài đăng trên DNSG số Xuân 2007)
blog.360.yahoo.com/phanxineblog
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.