Melancholia (2011), một bộ phim về những người phụ nữ đầy những nỗi đau khác của Lars Von Triers (Breaking the Waves, Dancer in the Dark, Dogville, Mandelay), với những khung hình ấn tượng mạnh mẽ khó quên. Suốt nhiều ngày sau khi xem Melancholia, tui vẫn không thể dứt được hình ảnh của Justine, Claire và cậu bé con Leo ra khỏi đầu.
Đoạn mở đầu của Melancholia gợi nhớ đến Tree of Life, với những hình ảnh trừu tượng, kỳ lạ trên nền nhạc giao hưởng. Là cô gái đứng giữa thảm cỏ với hai hàng cây đổ hai bóng khác nhau, là cô dâu chạy đi trong sự niú kéo của dây rừng, là ba người đứng bất động trước lâu đài dưới hai mặt trăng một trắng một xanh, là cô gái đưa bàn tay của mình lên để thấy những tia điện bốc lên từ đầu ngón…
Những hình ảnh siêu thực u uất này không là sự ngẫu nhiên. Đó là tóm tắt toàn bộ câu chuyện của Melancholia, bộ phim xoay quanh mối quan hệ của hai chị em gái trong một gia đình đầy những xung đột, mâu thuẫn, xáo trộn, khi cuộc sống của họ bỗng một ngày kia bị đe doạ của một hành tinh khác đang có nguy cơ va chạm với Trái Đất.
Ngay sau những hình ảnh mĩ miều u uất và siêu thực mở đầu, bộ phim giới thiệu phần 1: Justine, xoay quanh đám cưới của Justine (Kirsten Dunst) được tổ chức trong một lâu đài cổ kính sang trọng. Chị gái của cô, Claire (Charlotte Gainsboug), cùng chồng (Kiefer Sutherland) đã bỏ công sức và tiền của để chuẩn bị cho đám cưới thật hoàn hảo. thế nhưng, nỗi sầu muộn khó hiểu của Justine đã đẩy đám cưới đến một kết cục khó đoán trước được. Chỉ quanh quẩn quanh buổi tiệc cưới, thế nhưng những xung đột mâu thuẫn trong gia đình của Justine và Claire, giữa cha và mẹ, giữa chị và em, giữa chồng và vợ, giữa khách và chủ, giữa cô dâu và chú rể, với nhiều chi tiết nhỏ nhưng tinh tế đã vẽ nên một chân dung xã hội hỗn loạn bị chính sự u uất khuấy động.
Phần hai mang tên Claire, là câu chuyện của người chị gái phải chăm sóc cho đứa em gái bị trầm cảm đến mức không còn có thể làm chủ cơ thể để có thể thực hiện những sinh hoạt cá nhân thường ngày như tắm gội, ăn uống; cùng lúc với việc phải đối mặt với chính nỗi sầu muộn của bản thân khi cô tin rằng hành tinh Melancholia – hành tinh Sầu Muộn – sẽ va đập vào trái đất, mặc cho chồng cô luôn bình tĩnh an ủi rằng các nhà khoa học đã tính toán Melancholia chỉ bay ngang qua Trái đất mà thôi.
Melancholia, “Hành tinh u uất”, như một ẩn dụ về nỗi buồn u uất trong một xã hội đang đi đến sự diệt vong để tìm kiếm lại sự hồi sinh.
Kirsten Dunst và Charlotte Gainsbourg xuất sắc trong vai hai chị em gái. Mặc dù Kirsten Dunst đoạt giải Cành cọ vàng Nữ diễn viên chính xuất sắc, nhưng với tui, Charlotte mới là ngôi sao tuyệt vời của bộ phim khiến tui rung động trước những xúc cảm, nỗi đau, nỗi buồn của Claire. Thật ra, vai diễn của Kirsten Dunst có nhiều đất diễn hơn, cũng như đòi hỏi sự tinh tế của diễn viên, bởi hầu như không có lời giải thích nào cho những u uất của Justine nhưng người xem vẫn có thể cảm thông chia sẻ với trạng thái kỳ lạ ấy.
Lar von Triers, một lần nữa, đã làm một bộ phim nữ quyền mạnh mẽ. Thế nhưng, trái ngược hoàn toàn với bộ phim đầy sex và bạo lực đến cực đoan năm trước, AntiChrist, Melancholia gây ấn tượng bởi lối kể chuyện giản dị cho một bộ phim hoàng tráng về hình ảnh và phức tạp về tâm lý nhân vật. Tối giản việc sử dụng nhạc phim, dùng phong cách quay handheld, nhịp phim chậm rãi, Melancholia có thể rất khó xem với nhiều người, nhưng cũng có thể gây ám ảnh với nhiều người khác (như tui). Cảnh kết thúc phim có lẽ là một trong những cảnh phim ám ảnh nhất từ trước tới nay, mà ngay cả khi màn hình đã chìm vào bóng đen nhiều giây sau, tui vẫn chưa dứt ra khỏi màn ảnh.
Bài PR cho phim Melancholia (Hành Tinh U Uất). Đạo diễn: Lars von Trier. Diễn viên: Kirsten Dunst, Charlotte Gainsbourg, Kiefer Sutherland.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.