Tên thật: Đặng Nhật Minh
Năm sinh: 11/5/1938
Nơi sinh: Huế
Đã đạo diển hơn 15 phim truyện nhựa, phim tài liệu…, trong đó đáng chú ý nhất là:
Thị xã trong tầm tay (1983): Giải Bông sen vàng, Biên kịch xuất sắc nhất tại LHPVN lần 6
Bao giờ cho đến tháng Mười (1985): Giải thưởng Bông sen Vàng, giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHPVN lần 7; giải A Bộ quốc phòng, giải đặc biệt của BGK tại LHP Quốc tế Hawai
Cô gái trên sông (1988): Giải Bông sen Bạc tại LHPVN lần 8
Trở về (1994): giải Đặc biệt của BGK LHP Châu Á – Thái Bình Dương, giải B Hội điện ảnh VN
Thương nhớ đồng quê (1996): Giải “đạo diễn xuất sắc nhất” LHPVN lần 11, Giải khán giả tại LHP quốc tế ba châu lục Nantes, LHP quốc tế điện ảnh châu á Vesoul (Pháp), giải A hội điện ảnh VN…
Hà Nội, mùa đông 46 (1997): giải A hội điện ảnh VN; giải Bông sen bạc, đạo diễn xuất sắc nhất LHPVN lần 12, giải A bộ Quốc phòng
Mùa ổi (2001): Giải Bông sen Vàng LHPVN lần 13, giải A Hội điện ảnh VN, Giải Donkihote của hiệp hội các liên bang điện ảnh quốc tế, giải của BGK tại LHP quốc tế Locario…
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh trưởng trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân phụ ông là giáo sư, thầy thuốc nổi tiếng Đặng Văn Ngữ, còn thân mẫu của ông là một phụ nữ xuất thân trong một gia đình danh gia vọng tộc của cố đô Huế. Tuổi thơ của Đặng Nhật Minh là những ngày tháng theo cha mẹ trên con đường kháng chiến. Hòa bình lặp lại, ông được cử đi học tiếng Nga để thành phiên dịch, và tình cờ ông được phân công về công tác trong ngành điện ảnh, trở thành một nhà dịch thuật cho những bộ phim Liên Xô tại cty Fafilm VN và sau đó làm phiên dịch tại trường Điện Ảnh Việt Nam. Cũng từ công việc này đã giúp ông tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, cũng như về kiến thức điện ảnh.
Những bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh thường là những câu chuyện rất tình cảm, thể hiện cái nhìn đầy thông cảm trước những thân phận con người đầy nhỏ bé. Đó là Duyên trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” – một người vợ của lính, như biết bao những người vợ khác trong chiến tranh, hay Loan _ “Cô gái trên sông” tự vươn mình khỏi hoàn cảnh trái ngang, hay là ông Hòa, mãi mãi ở tuổi 13 trong “Mùa ổi”.
Những tác phẩm của ông thường do chính ông viết kịch bản, hoặc chuyển thể kịch bản. Có đọc “Thương nhớ đồng quê” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới thấy được phần nào tài năng của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bởi trong phim vẫn giữ được cái “thần” của truyện nguyên tác.
Có những đạo diễn làm phim trên kịch bản của người khác thì thành công rực rỡ nhưng khi sáng tạo có chiều hướng ngập ngừng và đi xuống. Với đạo diễn Đặng Nhật Minh thì ngược lại, con đường sáng tác của ông thực sự thăng hoa khi ông viết kịch bản cho những bộ phim của mình.
2003-2023