Trước hết tôi xin cám ơn những góp ý của NEO về bài phản hồi của tôi choảng cho cái cô nàng athospk gì đó, xin ghi nhận ý kiến của bạn. Chuyện thứ hai là xin lỗi athospk vì không biết nàng là con gái.
Tuy nhiên khi NEO đề nghị tôi nên viết một bài phê bình NCGCD nghiêm túc thì bạn làm khó tôi rồi! Tôi nghe nói muốn phê bình một tác phẩm nghệ thuật nào đó người ta phải có thời gian tìm hiểu tất cả mọi vấn đề liên quan đến tác phẩm đó. Và nhất là phải có một vốn kiến thức nhất định về bộ môn nghệ thuật đó nữa. Tôi xin lỗi vì không thể làm như NEO đề nghị, vì trước hết tôi không biết gì ráo về nghề điện ảnh, lý do thứ hai: tôi tin bộ phim này là kết quả của những tâm huyết từ VNĐ và nhiều người trong êkíp làm phim, mà đã là tâm huyết của người ta thì dù sao cũng phải nghiêm túc khi nói chuyện về nó, do đó phải cần có thời gian để xem và tìm hiểu trước khi dám múa may phê bình nó. Tôi chỉ là một kẻ ngoại đạo buồn chân rong chơi ngang qua lĩnh vực nghệ thuật, nên chuyện phải bỏ thời gian nghiên cứu một bộ môn mới là chuyện khó rồi, mà hơn nữa, bạn biết đấy, bây giờ bạn bắt tôi chịu trận thêm một lần xem lại NCGCD để ghi nhận cái gì hay cái gì dở rồi phê bình nghiêm túc thì hi` hi`, bạn vừa phải thôi!
Hôm nay (coi như một lần giãi bày với NEO rằng cái thằng tôi chỉ giỏi châm chọc kẻ khác chứ không làm ra cái gì mới mẻ và coi được), tôi mạn phép viết về những cảm nhận của mình khi được xem một vài bộ phim mà người ta đánh giá là coi cũng được. Trong phạm vi bài này tôi cũng chỉ muốn viết về một khía cạnh nhỏ thôi, thật tình thì cũng chẳng biết dân chuyên môn trong nghề gọi là gì, thôi thì tạm cho là ngôn ngữ không lời của nghệ thuật điện ảnh.
Bộ môn nghệ thuật nào theo tôi biết cũng có một thứ ngôn ngữ riêng để diễn tả mình. (Xin lỗi chỗ này nói hơi nhìu vì bản thân tôi cũng không rành lắm, nên phải nói nhìu nhìu một chút tôi mới hiểu!) Âm nhạc có ngôn ngữ riêng của mình với những cao độ, trường độ, tiết tấu , điêu khắc có đường nét, có chất liệu , nhiếp ảnh thì có đường nét, màu sắc, ánh sáng , điện ảnh cũng có đường nét, có màu sắc, có thêm chuyển động, tiết tấu đại khái là những phương tiện để chuyển tải ý đồ của tác giả. Đôi khi ngoài khả năng chuyên chở thông thường của loại ngôn ngữ này, người ta còn thêm cho chúng những quy định ước lệ để khán giả có thể hiểu những điều mà nghệ thuật này hoặc là không thể hoặc không cần thiết phải diễn tả. Ví dụ như trong một vở hát bội mấy ông cưỡi ngựa không cần phải dắt một con ngựa thiệt lên sân khấu, diễn viên chỉ cần nhảy cà tưng cà tưng mấy phát với cái roi ngựa kẹp giữa hai chân là khán giả hiểu rằng ông ta đã đi được mấy trăm dặm rồi. Hay anh chàng gì trong một phim Hàn Quốc (phim Cảm xúc thì phải) tán tỉnh một cô bạn hoài không được bèn sắm ngay một bộ mặt chất ngất tâm sự, coi tới là khán giả hiểu ngay anh chàng này đang buồn tình, mức độ não nề tới đâu là do đạo diễn xử lý thêm, ví dụ như để chàng lang thang trên một khoảng không gian bao la lơ thơ vài bóng cây cối, khán giả sẽ hiểu thêm là, à anh chàng này đang buồn lắm và đang cô đơn, đại khái vậy, một cú zoom in thật chậm sẽ giải thích thêm rằng anh chàng đang lặn lội đối diện với chính cái tâm trạng nặng nề của mình, một cú cận cảnh rồi zoom-out sẽ mô tả anh ta đang cảm thấy lạc lõng giữa cuộc đời rộng lớn quá này, hoặc nếu đạo diễn xử lý cận cảnh gương mặt đầy ắp tâm sự ấy của chàng có kèm bóng mờ của một ô cửa sổ ở một góc cao bên trái hay bên phải gì đó có nghĩa là chàng đang trong tâm trạng bế tắc nặng nề, và cái solution khả dĩ cho cái nỗi niềm đó chỉ đang chập chờn chưa lộ diện trong suy nghĩ của anh chàng.
Ngôn ngữ điện ảnh đại khái là vậy, nói chữ nói nghĩa cho vui, cho có vẻ uyên bác vậy thôi chứ thật ra cũng chẳng có gì to tát lắm đâu. Nói chung ngoài những ước lệ mang tính chuyên môn cao dành cho dân trong nghề hay dân chuyên nghiệp, các bộ môn nghệ thuật thường hướng tới một bộ phận khán giả phổ thông, đông đảo (để còn tự nuôi sống chính nghệ thuật nữa chứ!). Xin lưu ý rằng cái bộ phận khán giả phổ thông đông đảo ấy có trình độ thưởng thức nghệ thuật khác nhau xét trên cả hai bình diện không gian và thời gian. Có thể dân Nga ngồi nghe đàn bầu Việt nam rồi thảng thốt nhận xét rằng cây đàn bầu VN nói tiếng Nga! Thế nhưng để xem và hiểu San Hậu thì lại là chuyện khác đấy. Hay khúc Romance de lamour lừng danh trong giới chơi guitar đã trở thành một bản nhạc phổ thông và bắt buộc đã học guitar thì phải chơi được!, thế nhưng khi biểu diễn cho ai đó nghe, qua tiếng đàn người ta có thể nhận xét đẳng cấp của tay chơi này tới đâu đấy. Ngoài ra cũng vui lòng lưu ý rằng tất cả những quy định là do con người đặt ra, và vì thế con người cũng có thể sửa đổi chúng, miễn là cái bộ phận đông đảo ngoài kia chấp nhận, ví dụ mới cách đây vài ba chục năm trong cái lịch sử hàng mấy trăm năm của âm nhạc chẳng ai thấy phiền lòng khi Paul Mc Cartney dùng violin kéo phần giai điệu trong Yesterday lên tới hợp âm E7sus (nếu tôi nhớ không lầm hợp âm chủ của Yesterday là Dm), một việc làm trái với quy tắc trong lề luật âm nhạc! Hay như thời Hoa Diên Vĩ được vẽ ra, cái bộ phận đông đảo ấy vẫn chưa hiểu nổi để chấp nhận nó, và tác giả của bức họa phải chết trong nghèo khó. Đại khái là vậy.
Thế, nói chuyện ngôn ngữ điện ảnh là nói chuyện có vẻ chuyên nghiệp mất rồi, mà tôi lại chẳng hiểu biết gì ráo về nghề này (hồi nãy nói rùi, bây giờ nhắc lại), nên ở đây chỉ là ghi nhận những cảm xúc của riêng tôi mà thôi. Mà cảm nhận thì vô vàn, những điều tôi nhận thấy chắc cũng chẳng có gì lạ lẫm với quý vị, tuy nhiên đó là những khoảnh khắc thú vị nhất mà tôi được các đạo diễn mang tặng trong suốt cả tiếng đồng hồ lê thê. Nó như chuyện ngậm chơi cây kẹo, chợt giọt rượu mạnh trong lòng viên kẹo tan ra chạm vào đầu lưỡi làm người ta giật mình và sướng tê điếng cả người!
Nhớ cái gì thì nói cái đó vậy, trước hết tôi nhớ ánh mắt của Kevin Costner trong Body Guard, cái ánh mắt lúc chàng bị bắn ở phần cuối phim lúc đó có vẻ sắp chết thật là tuyệt vời, và tôi tin rằng Whitney Houston đã THẬT SỰ cuống cuồng! Nói chung dân làm điện ảnh không muốn dùng lời nói, chỉ muốn thể hiện ý tưởng bằng hình ảnh. Nhưng cái xử lý tinh tế này mang dấu ấn của một tay chơi nhà nghề. Các bạn nghe gì trong ánh mắt ấy? Lạ lùng là thay vì truyền đạt ý tưởng cho khán giả, nhà đạo diễn và anh chàng diễn viên này lại nhường quyền sáng tạo cho họ. Khán giả sẽ tự nghe điều mà diễn viên muốn nói.
Nói chuyện ánh mắt này tôi chợt nhớ tới một ánh mắt khác. Có lẽ chẳng ai quên được ánh mắt của Forest Gump đoạn anh gặp lại cô người yêu và biết rằng anh đã có một đứa con với nàng. Ánh mắt của Tom Hank mãi về sau cả tuần lễ vẫn cứ ám ảnh tôi, tôi chỉ nhớ rằng Tom Hank không thực sự thốt lên anh có thể vào gặp con được không?, cái câu nói mà tôi nghe được lúc đó chẳng qua là do mình đã bị tay diễn viên này hớp hồn mất rồi, hớp hồn hay tới nỗi làm khán giả được diễn viên cầm tay dắt vào cái thế giới của nhân vật, thế giới của nhân vật chứ không phải thế giới của diễn viên, và bỏ mày tại đó kệ cha mày muốn hiểu gì thì hiểu, vậy mà người ta lại hiểu! Cái sự thông hiểu này không phải được đạo diễn nhảy xổ ra và huyên thuyên giải thích nhiều lời, chỉ cần một ánh mắt, vậy thôi. Ánh mắt của Tom Hank thì dễ hiểu thôi, nhưng cái hay ở đây là chuyện khán giả như nghe được câu nói không lời này thật.
Cái nhớ thứ hai là chuyện một con ma, chuyện con ma này chẳng liêu trai gì ráo cho dù cũng có chút đỉnh tình cảm nhẹ nhàng lãng mạn. Hình như là con ma Carlberg hay Carsberg gì đó (sao cái tên này giống bia Đan Mạch wé hé!) . Đoạn cô nhỏ trong phim hỏi nó cái chết nó như thế nào, con ma trả lời nhẹ nhàng: Chết cũng giống như khi được sinh ra, chỉ khác một điều là ở chiều ngược lại. Chỉ một câu trả lời nhẹ nhàng mà người coi phim cảm nhận được cả một nhân sinh quan của một thế giới. Cái sự khác biệt giữa hai nền triết học Đông Tây nó lằng nhằng, nó rắc rối, nó tốn giấy mực, nó nhìu chiện lắm. Có lẽ người trần mắt thịt thường thường bậc trung trên thế giới này chẳng mấy ai hiểu và biết hết những nguyên lý triết lý của hai phương trời cách biệt này. Nhưng chỉ cần với một câu nói dễ thương đó thôi, người ta tự nhiên có cơ hội đi qua cả một vùng kiến thức của chính mình về phương diện này. Cũng như chuyện Forest Gump vậy, những nhà làm phim này cũng chỉ nói vậy thôi chứ ai muốn hiểu sao thì hiểu. Mà cái hiểu, cái cảm này nó mênh mông, nó đã lắm.
Nãy giờ nhớ phim nước ngoài không, bây giờ tự nhiên nhớ tới động tác tung con dao bay trên tay của thằng cha gì gì Cầu Muối trong phim Ván bài lật ngửa. Cái chất mạnh mẽ kiêu bạt giang hồ và cả cái lịch sử của nhân vật này được thể hiện hết trơn bằng ánh mắt và hành động đó. Sự thể hiện đậm chất Holywood của Lê Hoàng Hoa dù có mang dấu ấn của thời đi chuyên tu nước ngoài vẫn có nét cá tính riêng, khá điêu luyện và tinh tế.
Tình cờ có lần coi trong phim Phạm Công Cúc Hoa thấy Phạm Công hắt ly rượu có độc vào mặt con mẹ gì vợ kế của mình, con mẹ ôm mặt rú lên Chết tôi rồi, thuốc độc. Tự nhiên thấy tức anh ách, tại sao không để cho ngôn ngữ điện ảnh lên tiếng nhỉ, chỉ cần một chút kỹ xảo diễn tả sự biến dạng trên gương mặt con mẹ kia là khán giả hiểu ngay ấy mà!
Bàn về chuyện này thì nhiều và dễ sợ lắm lắm. Thế nên xin phép nói chơi chơi tới đây thui, vả lại dân ngoại đạo nói nhìu wé dễ lộ cái dốt ra nữa. Hề hề. Tạm biệt các bạn. Hẹn một lần nào đó tôi lại buồn chân ghé qua vùng trời nghệ thuật của các bạn, biết đâu sẽ viết thêm được cái gì đó hầu chuyện các bạn cho vui.
nhócHuy
2003-2023