Tại Hội nghị quản lý Nhà nước về Phát thanh – Truyền hình vừa diễn ra tại Hà Nội, giải pháp phải có “giờ vàng” cho phim truyện VN trên sóng truyền hình đã được đặt ra.
Tuy nhiên, để có “giờ vàng” bền vững, giải pháp này cần được điều chỉnh bằng… luật.
Ở châu Á, chính phủ nhiều nước (Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc…) đã quy định “giờ vàng” dành chiếu phim nội. Qui định này buộc các đài phải lăn xả đi tìm phim nội mới, khiến thị trường phim nội tại các nước này nóng lên, làm tăng giá trị thương mại của phim trong nước. Hiện tại, tỉ lệ phát sóng phim nội ở các nước này đã vượt 50%.
Còn ở VN, nguồn kinh phí chính để sản xuất phim lấy từ tiền dịch vụ quảng cáo trên đài truyền hình, nhưng do nhiều lý do (chất lượng phim, giờ phát sóng…) số lượng quảng cáo trong giờ phim VN rất thấp, không đủ bù cho kinh phí sản xuất. Hiện phim VN mới chiếm khoảng 25% thời lượng phát sóng, nhưng hầu hết rơi vào những “giờ xấu”: 7 giờ sáng, 11 giờ đêm… Chỉ tiêu 50% phim VN trên sóng không phải là quá khó đối với các đài truyền hình, nếu người ta “đối phó” lấy các phim cũ phát vào 5 giờ – 7 giờ sáng; 12 giờ đêm… chắc chắn sẽ hoàn thành định mức. Nhưng sẽ chẳng ai xem. Các đài truyền hình ở ta, trong đó có cả Đài THVN, Đài TH Hà Nội hầu hết đều giành “giờ vàng” cho phim ngoại.
Vì thế tại hội nghị nói trên, đã có ý kiến đề xuất để phim VN “đắt khách”, trước mắt Bộ VH -TT cần ban hành qui định về “giờ vàng” chiếu phim VN cho tất cả các đài truyền hình trong cả nước. Biện pháp này sẽ góp phần quan trọng vào tăng cường chất lượng phim truyện truyền hình. Khi phim VN đã chiếm được “giờ vàng” có đông người xem cũng sẽ thu hút được nhiều quảng cáo và số tiền thu được qua đó có thể làm tăng kinh phí sản xuất mỗi tập phim lên gấp 2, 3 lần.
Tuy nhiên, nếu chỉ những văn bản mang tính nhắc nhở, rút kinh nghiệm… sẽ không đem lại hiệu quả thiết thực mà phải có luật với những qui định bắt buộc, trong đó có cả qui định số tiền thu được từ quảng cáo trong thời gian phát sóng phim truyện VN phải được tái đầu tư sản xuất phim, chứ không dùng để làm những việc khác.
Cần phải có những văn bản pháp quy để điều chỉnh hoạt động trên lĩnh vực này đơn giản còn vì truyền hình không chỉ là tờ báo hình, mà nó còn bao gồm: rạp hát + rạp chiếu phim + báo. Khá bức xúc, bên hành lang hội nghị, ông Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM nói: “Điện ảnh đang soạn thảo luật, nhưng theo tôi biết luật này chỉ quản 10 – 15 phim truyện nhựa sản xuất/ năm và một lượng phim video nhất định, còn lại khoảng 500 tập phim truyện truyền hình sản xuất hàng năm không nằm trong sự quản lý của luật. Có nghĩa nó đang nằm chơi vơi giữa Luật Điện ảnh và Luật Báo chí”.
Đài truyền hình TP.HCM đã cam kết từ năm 2006 mỗi ngày sản xuất một tập phim mới. Có nghĩa, sẽ có 365 tập phim mới được hoàn thành trong năm, cộng thêm hơn 200 tập phim của Đài THVN và vài chục tập phim của các đài địa phương, mỗi năm VN có khoảng hơn 600 tập phim mới ra đời. Nếu được phát sóng vào giờ tốt, có nhiều nguồn thu để tái sản xuất từ quảng cáo, con số này chắc chắn sẽ còn tăng.
Trên thực tế, một số hãng phim tư nhân đã có kế hoạch bắt tay với truyền hình để làm phim phát sóng. Điều họ chờ đợi là lời mời từ phía nhà đài và một cơ chế ăn chia hợp lý. Ông Nam cho biết: “Chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác, đặt hàng các hãng phim tư nhân, các hãng quảng cáo sản xuất phim phát sóng. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu: phim có chất lượng và hợp tác bền vững giữa các đối tác trong cơ chế thị trường cần có những quy định cụ thể, tốt nhất là bằng luật và những văn bản dưới luật…”
Theo Thể Thao & Văn Hóa
2003-2023