Tặng Jodie Moon
“…Tôi sinh ra chỉ có 1 ký rưỡi. Ba nói tôi đã đấu tranh rất nhiều để tồn tại trên cõi đời này. Và bây giờ, tôi cũng sẽ đấu tranh để được ra đi…”
Cả cuộc đời Magaret Fitzgerald quả thực là một chuỗi ngày đấu tranh cho sự sống, với số phận và cho ước mơ của mình.
Lúc chưa coi hết phim, tôi vẫn tưởng và mong chờ rằng Meggie sẽ thắng trận đấu với Billie the Blue Bear, mong chờ vào một happy ending với thành công của cô và sự tìm thấy nguồn an ủi mới nơi một người con gái mới cho ông già Frankie. Nhưng không. Phim không có happy ending. Và đây chính là cột mốc vàng đưa đến thành công cho MILLION DOLLAR BABY của đạo diễn kiêm diễn viên tài hoa Clint Eastwood.
Cả cuốn phim về sàn đấu võ nhưng thực ra nơi đây là một thế giới thực được thu nhỏ lại. Ở đó, ta được thất đủ hạng người trong cuộc sống. Những người sống trong sự dằn vặt bên cạnh những thành công và thất bại (như ông già Frankie); những con người bình thường nhưng sống và suy nghĩ rất thực tế ( như ông bạn già Grant); kẻ mộng mơ Danger luôn sống trong thế giới của mình để rồi một ngày chợt nhận ra sự thật của cuộc sống; những kẻ ngạo mạn và thành công nhưng thật ra chẳng có một chút giá trị thực nào : Sherrile hay Willie – kẻ hãnh tiến. Và cả những kẻ cơ hội, những kẻ hèn hạ….Tất cả đều sống chung trên mặt đất mà ở đây là sàn đấu.
Cuộc đời đối với Meggie không phải là một cuộc đi dạo nơi công viên San Diego hay là một cuộc chạy marathon trong đầm lầy xứ Seberie. Nhưng đó là một cuộc chiến thực sự. Giữa sự sống và cái chết, giữa vinh quang và tầm thường … đối với Meggie không có ý nghĩa gì lớn lao bởi Maggie luôn sống trong thực tế và những khát khao chân chất nhất. Và trên hết, cô hiểu rằng chính cô là ý chí, là số phận của mình.
Mỗi người có một số phận. Đúng. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng số phận mỗi người không phải do một ông thượng đế , một ông thần nào đó ngồi tận đâu đâu đặt ra; không do một ông linh mục thánh thiện nào đó cầu Chúa mà nên được. Nhưng số phận mỗi người được tạo ra do chính mỗi người quyết định thông qua cách sống và hành động của mình.
Bất chợt tôi nhớ đến câu “thần chú” trong truyện TRONG GIA ĐÌNH của Hector Malot : “Kẻ nào phấn đấu tới cùng, kẻ đó thoát nguy”.
Cái chết hay sự sống đối với Meggie nhẹ như không. Nhưng thực tế tất cả đều có giá của nó. Cô vẫn tiến lên, không nhìn lại, không nghĩ ngợi những điều xa vời nhưng vẫn có những ước mơ ( ai cấm được mơ ước).
Đối với ông già Frankie, cuộc sống đối với ông trước khi gặp Meggie chỉ như một bóng ma vật vờ. Ông không tìm ra lối thoát trong sự bất đồng với con gái ruột của mình. Ông dằn vặt với mọi người, mọi thứ. Ông không tin lắm vào Thượng đế, con người lại càng không. Ông nhận ra Chúa ở quá xa và phi thực tế; nhưng con người ở gần, ở xung quanh lại quá vô ơn.
Maggie đến phòng tập của Frankie, bước vào cuộc đời của ông thật là … chướng. Nhưng dần dần, ông nhận ra được rằng nơi cô, ông tìm thấy tình cảm cha con đã đánh mất (ở ông), tìm thấy sự đồng cảm với Maggie.
Vâng. Con người chỉ có một cuộc sống ở trần gian. Nhiều người, nhiều thế hệ nhân gian đã sinh ra, đã sống và chết đi; có nhiều người làm được nhiều thứ vĩ đại, nhiều người làm được điều này điều nọ, nhưng phần lớn ra đi tựa như khi đến…. Tất cả chỉ là MỘT THỜI ĐỂ SỐNG VÀ MỘT THỜI ĐỂ CHẾT.
Một điều lạ là khi xem phim này, tôi không cảm thấy thích nhân vật nào, cũng chẳng ghét ai ngay cả với anh chàng Sherrile ngạo mạn, xấc xược hay với cô nàng Billie – người trực tiếp đưa đến tai nạn cho Meggie. Nhưng khi xem xong, mỗi nhân vật lại đem đến cho ta một ấn tượng nào đó rất riêng biệt, không trùng lặp, tất cả đều có cái hồn riêng.
Cảm ơn “Cao bồi già Clint” đã đem đến cho nghệ thuật thứ bảy một tác phẩm rất có giá trị, có chiều sâu và đầy ý nghĩa uyên thâm.
Cuối cùng, xin các bạn ở MB cho tôi cảm nhận và ý kiến của mình. Joorleans xin cảm ơn các bạn.
2003-2023