Nếu có ai hỏi Ba Dương vì sao yêu cô đào Hồng Điệp đến thế thì có lẽ anh cũng không biết trả lời như thế nào. Những người dân quê chơn chất như anh chỉ biết yêu là yêu thôi, yêu là sống vì người mình yêu, là đứt ruột đứt gan vì người đó mà không bao giờ đòi hỏi điều gì đáp lại. Một lần thắc mắc với “chú Ba”, “thằng học trò” Hiên đã nhận được một nụ cười hiền lành cùng với cái xoa đầu âu yếm “Mày con nít biết gì!!”. Ừ, thì Hiên là con nít thật đấy, một đứa con nít “quê rình” như bao đứa con nít cùng tuổi trên cái cồn Te nhỏ xíu này, Hiên có biết gì đâu! Nhưng còn Ba Dương, con người đã trải qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm, đã tự tay mình bắt được con cá hô lớn chưa từng có, một “người lớn”, liệu anh có dò được lòng người nông sâu???
Dò sông dò biển dễ dò….
Con sông Hậu tưởng chừng sâu là vậy, rộng là vậy mà sao anh còn có thể lặn xuống đáy ??Con cá hô lớn chừng đó, khỏe chừng đó anh còn có thể bắt được. Vậy mà cái cô đào Hồng Điệp mảnh khảnh , yếu đuối kia mà sao anh theo hoài, anh thương miết cũng không thèm để mắt đến anh?? Mà có phải Hồng Điệp đẹp đẽ gì cho cam, Hiên chẳng phải đã chê thẳng thừng “xấu hoắc” với anh đó sao? Mà cái thằng đó con nít biết gì, mình thương thì mình thấy đẹp. Cổ đẹp đẽ là vậy, cao sang là vậy, đào chánh mà (dẫu chỉ là đào của một gánh hát bội chút xíu thôi!) làm sao mà mình dám “chòi mâm son”? Chỉ dám dùng chút danh nghĩa “người cùng quê” đi theo chăm sóc cho cổ thôi. Mỗi đêm khi cô đào Hồng Điệp được làm công chúa, tiểu thư, được sánh vai cùng vương tôn công tử thì mình chỉ là thằng giữ cổng, thằng lính quèn lâu lâu hô “dạ” một tiếng thiệt to. Mà thôi, được đi theo cổ cũng là mãn nguyện rồi, tự nhiên so đo chấp nhứt làm chi vậy??
“Than ôi cái kiếp cầm ca…giữa đường gãy gánh…”
Rồi ngay đêm diễn đầu tiên ở cồn Te, ghe hát của bầu Tiến bị chìm. Vậy là rã gánh, vợ chồng bầu Tiến đổi nghề bán cháo lòng còn anh Ba Dương và cô đào chánh bỗng thành bơ vơ. Đau xót trước cảnh một người đẹp đẽ như vậy bỗng chốc trở thành một cô gái tầm thường phụ bán quán, rửa ly, anh Ba Dương quyết tâm theo ông già câm bắt cá hô mặc cho mọi người dè bỉu, nghi ngờ. Ông già câm chết , Ba Dương càng tăng thêm cái quyết tâm ấy. Một tuần..một tháng..hai tháng…sự nghi ngờ của mọi người càng tăng thêm khi cứ thấy anh đi rồi lại về tay không. Cơm, gạo thì cứ ký sổ dài dài..Nhưng rồi một buổi chiều ghe anh cập bến, con cá hô to đùng trĩu nặng trên xuồng. Người dân như không tin vào mắt mình. Người đã từng tin thì vui mừng, người chưa từng tin thì bây giờ tạ lỗi. Anh trở thành người hùng của cả cái cồn Te. Vậy mà tiền bán cá hô anh chỉ giữ chút ít trả nợ, còn thì…đưa cho bà chủ quán để bả “lo” cho Hồng Điệp. “Lo” ở đây là đưa cổ đi mua cà rá bông tai, may áo dài mới, guốc mới, thỏi son hộp phấn trang điểm cho đẹp đẽ rồi dẫn cổ lên gánh hát ở chợ tỉnh, để từ đó cổ trở thành đào chánh của gánh ấy. Ủa, mà Ba Dương có nghĩ gì đến bản thân ảnh đâu? Ảnh cũng cần bộ bà ba mới, cũng cần tiền sửa lại tấm lưới mục gần hết, cũng cần viên thuốc, chai dầu cù là phòng khi trái gió trở trời, vậy mà sao…?
“Ôi ngọn cỏ kia, ta đạp ngươi trong chốc lát mà sao ngươi ấp ủ ta suốt cả đời..”
Thì đó, đào Hồng Điệp đã trở lại với nghề rồi, còn là đào chánh mà. Nhưng mà nghiệt quá, cái gánh võ Sơn Đông nó lại án ngữ ngay trước cửa rạp, nó hút khách hết rồi, vậy thì có mấy ai còn vô coi hát, còn biết tới cô đào tài hoa?? Ba Dương cũng có cách giúp cổ rồi, anh lấy thịt cá tặng không cho người coi hát. Khách kéo tới nườm nượp. Cá hô mà, đâu phải dễ kiếm! Thì anh cũng thấy vậy đó, bao nhiêu đêm dầm mưa, ngày vật lộn, chiến đấu với con cá có lúc thấy tánh mạng ngàn cân treo sợi tóc mới bắt được nó đó chớ, nhưng mà có sao đâu, anh giúp Hồng Điệp đâu cần báo đáp, một ly nước trà, một tô hủ tíu anh cũng không cần mà. Chỉ cần cổ vui thôi là đủ rồi.
Nhưng rồi cũng tới cái ngày anh muốn mình là một chút gì trong mắt cổ. Anh chỉ muốn đơn giản thôi, anh muốn mọi người thấy “cái thằng cá hô này vậy mà cũng được, nó là người cùng quê với đào Hồng Điệp đó!”. Vậy là anh đi đua bò với mơ ước là nếu mình chiến thắng thì cổ sẽ không xấu hổ khi quen biết với mình. Anh ra sức luyện tập không quản nắng mưa. Nhưng hỡi ôi..lúc đã kề mức đến, lúc chiến thắng đã nằm ở trong tay thì…anh trông thấy trên khán đài đào Hồng Điệp đang hạnh phúc trong vòng tay của ông cảnh sát trưởng. Ông cảnh sát trưởng có bộ quân phục đẹp quá, sang quá, còn anh chỉ là một thằng đua bò hôi hám lấm lem bùn đất. Và đào Hồng Điệp thì cổ đang cười thiệt vui kìa! Rồi anh ngã..anh không biết gì nữa…hình như anh đã thua không phải chỉ ở cuộc đua bò này.
Tưởng là anh sẽ giận cô đào bội bạc ấy nhưng rồi anh cũng không cầm lòng được khi gánh hát của cô bị tụi lính quấy phá. Gì thì gì, dù cô có phũ phàng nói với anh “các quan thầy trên tỉnh ai cũng biết tui quen với anh Ba hết mà tự dưng anh Ba đi đua bò chi vậy, lại còn té nữa? Tui hổng muốn ai biết tui quen với anh Ba hết đó!” thì anh vẫn thương cổ như thường. Cứu cổ, cứu gánh hát rồi gánh lấy cái oan giết người, hình như tới lúc bị bắt lên ghe anh Ba cũng không hề nghĩ tới mình mà chỉ dặn Hiên cất giùm cái ống tre trong căn chòi trống huơ trống hóac. Ảnh cũng chỉ nghĩ là thôi rồi, không có mình từ nay ai sẽ chăm lo cho cổ? Mình là người cùng quê đâu có bỏ nhau được phải không Hồng Điệp???
Rồi vài chục năm sau…
“Thằng học trò” năm xưa bây giờ đã là cán bộ rồi, còn anh Ba Dương khỏe mạnh lực lưỡng năm nào đã trở thành một ông già ốm yếu nằm chèo queo trong căn chòi năm xưa. Thằng nhỏ nó về thăm mình , nó nhớ mình nhưng mình thấy nó buồn lằm khi giở cái ống tre ngày xưa ra, cái ống có tờ quảng cáo gánh hát, có hình cô đào Hồng Điệp mà mình giữ gìn mấy chục năm. Chắc nó không hiểu vì sao mình chịu cực như vậy, khổ như vậy, chịu oan đi ở tù vì cổ mà mấy chục năm vẫn giữ tấm hình ố nhòe này. Mấy chục năm yêu thương mà cổ không thèm nhìn tới..mấy chục năm tơ tưởng…
Mà thôi, thằng đó còn con nít, biết gì….
2003-2023