Các Loại Kịch Bản Điện Ảnh ( III )

Ngoài thể loại phim chuyển thể hoặc cải biên , hầu hết các loại kịch bản sáng tác được xếp vào thể loại phim chính kịch .

PHIM CHÍNH KỊCH

Các tác giả Mỹ ( John W.Bloch , William Fadiman và Louis Peyser ) chủ trương tách thể loại này ra thành hai mảng :

1 – Chính kịch tự nhiên , cũng thường được xem là “ một khoảng đời “ ( slice of life ) , đưa lên phim những mảng đời thường một cách trung thực , không bi kịch hóa những sự việc .

2 – Chính kịch hiện thực , là mẫu số chung cho mọi thứ phim , ngoại trừ các thể loại đặc biệt như : phim hài , phim khoa học ảo tưởng , có nghĩa là gần hết các thứ phim được viết ra .

Một phim muốn tạo ấn tượng hiện thực , mà vẫn không hề kém trung thành với thực tế , phim đó có thể mang cái nhãn là “ chính kịch hiện thực “.

Chúng ta không đồng ý với sự phân biệt trên , không chấp nhận chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật , vớiù chủ trương bê nguyên xi cuộc đời vào một tác phẩm nghệ thuật . Bởi vì như thế thì còn gì là sáng tạo ? Trong thực tế , phim chính kịch nào được xây dựng cũng đều có tính hiện thực , chứ không thể là chính kịch tự nhiên .

Do đó , chúng ta không cần phải tách ra hai mảng “ hiện thực “ và “ tự nhiên “, chỉ nên biết có “phim chính kịch “ mà thôi .

Tuy nhiên , trong thể loại phim chính kịch , chúng ta vẫn thấy cần phân biệt nhiều loại phim với những nét riêng của nó .

Các loại phim chính kịch . Chúng ta có thể kể những loại phim như sau :

Phim tâm lý ( hoặc tình cảm ) :

Dành cho những trường hợp cá biệt , những con người có những vấn đề quan hệ nổi cộm , thú vị , đáng khai thác để làm phim .

Phim xã hội :

Phân tích và phê phán cách sống của những cá nhân hoặc tập thể những con người trong xã hội .

Phim tiểu sử :

Bao gồm mọi thứ chuyện thú vị và điển hình , dựa trên cuộc đời của một nhân vật có thật , hoặc ở một thời xa xưa , hoặc ở thời hiện đại .

Phim lịch sử :

Tái hiện trung thành một giai đoạn lịch sử qua những hành động của một nhân vật chính , hoặc một số nhân vật của thời ấy .

Phim dã sử :

Dùng những sự kiện của lịch sử , có phần cải tạo và hư cấu về các nhân vật và tình tiết theo hướng chủ đề chính của cốt truyện .

Phim phiêu lưu mạo hiểm :

Dẫn dắt nhân vật và cả khán giả thoát khỏi khung cảnh đời sống bình thường , đi đến những vùng xa lạ , với những tình tiết mới lạ , hấn dẫn .

Phim trinh thám , tình báo , hình sự :

Không cần phải đào sâu tâm lý các nhân vật , các loại phim này đặc biệt chú ý tới những tình tiết gay cấn , gây sự lo âu và hồi hộp cho người xem .

Điều kiện thành công của phim chính kịch

Sự thành công của phim chính kịch bắt nguồn từ kịch bản , ít ra cũng phải gồm những điểm chính sau đây :

-Nội dung có điều gì mới mẻ , bổ ích cho người xem .

-Cốt truyện có đủ hành động và mâu thuẫn để tạo nên sự linh hoạt cho tác phẩm .

-Nhân vật phải có cá tính đậm nét , tâm trạng biến chuyển một cách hợp lý .

-Đường dây câu chuyện phải mạch lạc , không rắc rối , cần kỳ .

-Mọi chi tiết đều phải chân thật , cần thiết cho cốt truyện , không dư thừa .

Cuối cùng , phải xem lại :

Cấu trúc toàn bộ truyện phim có sinh động , đủ sức hấp dẫn khán giả không ?

PHIM HÀI . Đây là loại phim chọc cười , nhằm đem đến cho khán giả những khoảnh khắc thư giản thoải mái . Trong thực tế , số lượng phim hài ít hơn phim chính kịch nhiều , vì loại này thường được xem như là thứ phẩm bổ sung cho loại chính kịch . Hơn nữa , rất khó làm ra được phim hài có duyên . Phim chính kịch không hay lắm cũng chẳng sao , còn phim hài mà không gây được tiếng cười thì chỉ có nước bỏ vào kho .

Viết hài kịch

Viết hài kịch gay go hơn bi kịch nhiều , đòi hỏi nhiều công sức hơn . Nhưng công sức không cũng chưa đủ . Bởi vì loại hài kịch là một thứ không phải cứ học mà làm được . Muốn viết một hài kịch , bạn phải đeo một đôi kính đặc biệt , nhìn qua đó bạn thấy méo mó tất cả . Thêm nữa , bạn phải có khả năng truyền đạt cái méo mó đó cho người ta cùng thấy với bạn . Muốn thành công , bạn phải có “ máu hài “trong cơ thể . Có người nói rằng muốn viết được chuyện hài , phải có cái đầu óc “ điên điên “ một chút ! . Hơn nữa , một khi bạn muốn viết kịch bản phim hài , thì trước hết bạn nên biết nhắm vào công chúng nào , và loại hài nào bạn định viết . Loại kịch hề thì phải nhồi nhét những trò “ cù léc” , còn loại dí dỏm thì phải dựa trên “ trí tuệ “.

Tìm chất hài từ đâu ?

Những sự việc bất hợp lý , nghịch đời , là những thứ có khả năng gây cười . Do đó , các tác giả thường tìm chất hài qua những bí quyết sau đây :

Làm biến dạng :

Biến đổi nhân vật cho thấy khác thường trong tính cách , trong thái độ cư xử .

Có thể cho nhân vật ăn mặc không giống ai , trông thật buồn cười ( Ví dụ : Vua hề Charlot ) .

Dùng sự trái ngược :

Người cao lênh khênh đi bên cạnh người lùn tịt .

Người chồng gầy đét có vợ mập ú .

Mặc quần áo ấm giữa trời nóng nực .

Lập lại mãi một hành động thừa thãi :

Cúi đầu chào một người không biết bao nhiêu lần .

Liên tục phủi bụi trên áo một người thân .

Nhân lên những chi tiết của khung cảnh hoặc dáng người của nhân vật , cho thấy lạ thường :

Trong phim “ Trò xiếc “, Charlot nhìn vào gương biến dạng , thấy hình dáng mình bị nhân lên thành mấy chục con người, rốt cuộc không biết mình là con người nào .

Giảm tốc độ hoặc tăng tốc hành động của nhân vật bằng kỹ thuật của máy quay phim :

Con người thấy đi như chạy , hoặc lướt nhẹ như bay trong không gian .

Tóm lại , người viết kịch bản phim hài có thể nặn óc ra tìm mọi thứ gây cười , bằng cách chọn những chi tiết hay trong những điều nghịch lý .

Cách thể hiện chất hài

Có hai cách thể hiện chúng ta thường gặp :

1 – Chất hài trong tình huống :

Nếu chú ý quan sát , bạn sẽ thấy trong thế giới này biết bao nhiêu chuyện ngang trái , chuyện kỳ cục , nếu biết khai thác thì những chuyện ấy sẽ trở nên chuyện nực cười .

Phần nhiều những tình cảnh trớ trêu , khó chấp nhận trong đời sống hàng ngày , lại có thể gợi hứng cho một tác giả những màn không nhịn được cười .

Bạn hãy chọn một sự cố có thể coi là “ Làm mất thể diện , gây thế kẹt , chuyển sự cố đó vào kịch bản phim thành việc xảy ra với nhân vật nào đó , bạn sẽ thấy êm xuôi ngay .

Ví dụ :

Trong buổi tiệc đứng , một vị khách nọ tỏ vẻ kênh kiệu trong bộ y phục đắt tiền , mãi nhìn người đẹp trước mặt nên vô ý trượt chân mất thăng bằng , ông ta cố giữ dĩa thức ăn trong tay cho khỏi văng ra , nhưng rồi lại ngả lăn kềnh xuống sàn nhà , dĩa thức ăn bị hất tung lên mặt mày , đầu cổ , cả áo sơ mi và áo ngoài láng mướt , khiến cho ông ta đâm ra ngượng với người đẹp , nhưng vẫn cố gượng cười méo xệch trong tư thế chẳng đẹp chút nào .

Nhất định là chuỗi hành động nghịch thường ấy có thể gây cười cho khán giả .

2 – Chất hài trong nhân vật :

Đây là cách khai thác những hành động của nhân vật , đúng ra là những vận động cơ thể của người diễn viên , thường thấy ở các danh hài như Charles Chaplin , Louis de Funès chẳng hạn , những diễn viên này đã tự có chất hài bẩm sinh trong máu .

Bằng những cử động của thân hình , các danh hài ấy sử dụng một thứ ngôn ngữ toàn cầu , khai thác những trò hề độc đáo trong những tình huống bất ngờ dồn dập , để gây nên những trận cười sảng khoái cho khán giả .

Điều nên quan tâm khi viết kịch bản phim hài

Chất hài rất hiếm khi vượt qua khuôn khổ địa phương .

Mỗi nước có cách thể hiện và thưởng thức nét hài đặc biệt của mình .

Chẳng hạn , Pháp có nét hài trí tuệ nhẹ nhàng , Anh có lối hài phớt tĩnh , Ý có cái hài rộn ràng , các nước Bắc Âu có chất hài đậm đà, Mỹ có cái hài với tốc độ nhanh theo nhịp sống công nghiệp .

Ngay cả trong một nước , thứ gây cười ở miền Bắc không giống ở miền Nam , cái tức cười ở phía Đông lại không buồn cười ở phía Tây .

Bởi thế nên khi viết kịch bản phim hài , bạn nên nhớ diều ấy và hãy chú ý tìm mẫu số chung .

Mặt khác , cũng nên nhớ :

Chất hài dựa trên cái có thật trong cuộc đời , nhưng được cường điệu và nằm trong những tình huống bất ngờ , đảo lộn tình hình . Chất hài còn xuất phát từ trong một chuỗi hành động liên tục dẫn đến đỉnh điểm gây ra cái cười .

Điều cuối cùng nên nhớ : phải biết cân nhắc , không nên quá đà , làm công chúng bực mình . Cái khó nhất nhưng cần thiết nhất trong nghệ thuật chính là liều lượng .

Nguyen Kinh Luan

0903884224


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply