Nói về Kỷ Luật Phim Trường (phần II)

Quan hệ giữa diễn viên và đạo diễn

Mỗi bộ phim là một công trình tập thể , nhưng người phải chịu trách nhiệm nặng nhất về sự thành công hay thất bại chính là đạo diễn .

Điện ảnh gia Anh nổi tiếng Peter Brook đã từng phê phán : “ Ngôi vị quyền uy của đạo diễn vẫn nguyên vẹn từ khi bắt đầu có Điện ảnh đến nay . Sự việc đạo diễn là người chỉ huy , là nhạc trưởng , là người dẫn dắt , là huyền thoại của con người gánh vác toàn bộ trách nhiệm đã thành truyền thống “ .

Chúng ta hãy coi phim trường như con tàu , đạo diễn là thuyền trưởng . Sứ mạng của thuyền trưởng là phải chế ngự phong ba bão táp , vượt qua những chướng ngại bất ngờ , đưa con tàu về tới bến an toàn .

Khi thực hiện một bộ phim , chỉ có đạo diễn mới nắm rõ từng chi tiết của nội dung , thấu suốt toàn bộ tác phẩm , và có sẵn “ chiến lược chiến thuật “để dẫn dắt đoàn làm phim của mình như một vị tướng cầm quân ngoài mặt trận .

Lúc quay phim chẳng khác nào đang tác chiến , mọi việc đều khẩn trương , đạo diễn chỉ ra lệnh ngắn gọn , không có thời gian giải thích dài dòng , và tất cả mọi người đều phải sẵn sàng nghe theo .

Trong mối tương quan giữa đạo diễn và diễn viên , đạo diễn được coi là bậc thầy của diễn viên .

Trước khi ra trước máy thu hình , với những dòng chữ cô đọng quá ít trong kịch bản phân cảnh , diễn viên chỉ có được khái niệm mơ hồ về vai trò của mình .

Diễn viên dù thông minh và nhiều kinh nghiệm bao nhiêu đi nữa cũng phải nhờ đạo diễn chỉ dẫn cho những điều cần làm , phải nhờ người ấy giúp thổi cho một phần hồn mới lạ vào cơ thể của mình .

Mỗi đạo diễn thường áp dụng một lề lối khác nhau để hướng dẫn diễn viên , tùy theo cá tính riêng của mỗi người : có người điềm đạm , nhỏ nhẹ , có người hay to tiếng , dễ nóng giận .

Dù bản tính thế nào , đạo diễn khó giữ được sự bình tĩnh suốt thời gian thực hiện phim .

Công việc của đạo diễn rất bề bộn từ lúc chuẩn bị : chọn truyện phim , nghiên cứu nội dung , ý nghĩa và giá trị nhân bản của nó , suy nghĩ về vai trò của các nhân vật , thảo luận với ban giám đốc hãng trong việc chọn diễn viên và chuyên viên , lập kế hoạch tổ chức đoàn phim và chương trình quay phim .

Đến khi ra hiện trường , có lúc phải tập trung rất nhiều diễn viên , với hàng trăm , hàng nghìn quần chúng phụ diễn . Việc chỉ huy điều hành sân quay rất phức tạp , đòi hỏi ở đạo diễn sức khỏe tốt , đầu óc sáng suốt , phản ứng nhanh và chính xác .

Vì công việc tràn ngập , không phải lúc nào cũng được giải quyết đúng theo ý muốn , nên phần đông đạo diễn dễ trở nên cáu kỉnh .

Mỗi đạo diễn bộc lộ sự tức giận một cách khác nhau .

Có người vò đầu bức tai . Có người quát tháo ầm ĩ . Có người chửi thề , văng tục , hoặc mắng mỏ không tiếc lời . Sau đó họ lại xuống giọng , cố gắng trở lại thái độ bình thường , thậm chí ngọt ngào hơn trước , và trong số những người bị mắng có người thông cảm không nỡ giận lâu .

Muốn làm diễn viên , bạn phải biết trước chuyện ở phim trường có thể xảy ra như thế , và bạn hãy sẵn sàng chịu đựng , nếu chưa phải nghe những lời quát tháo nặng nề , thì ít ra cũng có lúc bị đạo diễn tỏ ra bực dọc nếu bạn không làm đúng theo lời chỉ dẫn .

Tốt hơn hết là khi ra sân quay bạn hãy tuyệt đối tuân lệnh đạo diễn .

Tuy nhiên , không phải vì thế mà bạn không có quyền góp ý kiến .

Trong lần diễn tập đầu tiên , đạo diễn thường dành cho bạn nhiều tự do để phát huy khả năng và sáng kiến cá nhân .

Nếu đã đọc kỹ truyện phim, phân cảnh , đã nghiên cứu tâm trạng nhân vật , bạn cứ diễn theo ý mình . Đạo diễn sẽ điều chỉnh nếu thấy cần .

Có những cử chỉ và nét mặt bạn nghĩ là hay , nhưng đạo diễn lại thấy không hợp . Nhưng cũng có những nét do chính bạn sáng tạo lại được đạo diễn khen ngợi và nói thật là chính ông ta cũng chưa nghĩ ra .

Về chuyện góp ý với đạo diễn , bạn hãy nhớ điều này : những đề nghị của bạn liên quan đến việc thêm bớt hành động , sửa chữa đối thoại , điều chỉnh diễn xuất , tất cả đều phải nói với đạo diễn trước khi ra sân quay .

Lúc ấy , đạo diễn có thời gian căn dặn thư ký ghi những chi tiết mới , và nếu cần sẽ bàn lại với chuyên viên thu hình .

Khi đã ra sân quay , mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng , bạn không nên đề nghị , đòi hỏi thêm điều gì nữa . Guồng máy đang bắt đầu chạy , bạn đừng dại dột thò tay vào ổ máy đòi ngưng để sửa chữa .

Cuối cùng , bạn cũng nên nhớ : dù đề nghị của bạn có giá trị đến đâu thì quyết định của đạo diễn vẫn là tối hậu , không thể nào thay đổi .

Đến lúc bạn đã trở thành diễn viên có thực tài , nhiều kinh nghiệm , bạn cũng nên khiêm tốn giữ đúng vị trí của mình .

Bạn hãy nhìn vào thực tế : trong thế giới điện ảnh , chúng ta chỉ thấy những trường hợp diễn viên bước lên tột đỉnh vinh quang nhờ đạo diễn , chứ chưa hề có đạo diễn thành công nhờ được diễn viên chỉ dẫn .


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply