BORAT – KHI NƯỚC MỸ BỊ CƯỜI

Chỉ chiếu trong khoảng hơn 800 rạp trong tuần đầu ra mắt nhưng thu về 26 triệu đôla, dẫn đầu doanh thu phòng vé tại Mỹ 2 tuần liên tục và sau ba tuần đã thu về hơn 130 triệu đôla doan thu toàn thế giới dù kinh phí thực hiện chỉ có 18 triệu đôla, Borat trở thành một hiện tượng điện ảnh trong năm 2006.

 

Tựa đầy đủ của Borat khá dài – Borat: Cultural Learnings of America for Make Benefit Glorious Nation of Kazakhstan (Borat: học hỏi văn hoá Mỹ để làm giàu cho đất nước Kazakhstan vinh quang). Phim được làm theo phong cách tài liệu, với những cuộc phỏng vấn ‘người thật, việc thật’. Duy nhất Borat, nhân vật chính của bộ phim, một phóng viên người Kazakhstan được chính phủ cử sang Mỹ để học hỏi về văn hoá Mỹ, đem kinh nghiệm về xây dựng quê hương, không phải là ‘người thật, việc thật’. Borat do nam diễn viên hài người Anh Sacha Baron Cohen đóng, nhưng những người xuất hiện trong bộ phim này không hề biết điều đó (và cả nhiều khán giả sau khi xem phim cũng có thể chưa biết được sự thật đó). Họ nghĩ anh ta đúng thật là một gã người Kazakhstan ngớ ngẩn cần được dạy dỗ.

Chính vì thế, Borat tha hồ chế nhạo sự ‘thiếu hiểu biết’ của dân Mỹ đối với thế giới bên ngoài, một đặc trưng nổi tiếng của người Mỹ vốn luôn tin rằng nước Mỹ là số 1 trên thế giới và các nước còn lại phải học tập nước Mỹ. Đầu tiên, anh chàng phóng viên Borat với bộ quần áo cực xấu và bộ ria mép cực vô duyên đến New York, nhưng vì vô tình bật kênh truyền hình đang chiếu Baywatch – một show truyền hình dài tập xoay quanh những nhân viên cứu hộ trên bãi biển Malibu, chủ yếu để khoe thân thể bốc lửa của các nam nữ diễn viên chính trong phim – Borat đem lòng… yêu say đắm Pamela Anderson, cô đào chính của loạt phim này. Anh quyết định lên đường sang California để tìm Pamela. Hành trình của Borat gặp nhiều ‘khó khăn trắc trở’ cho đến khi anh thực hiện được ‘giấc mơ’ của mình. Sự hài hước của phim Borat không khác mấy so với dạng phim Tư ếch lên thành phố: một anh chàng nhà quê đần đồn, thô bỉ, phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, vô chính phủ lớ ngớ lên thành phố, xa lạ với mọi thứ và tập tễnh học theo cuộc sống văn minh. Môtip hài cũng lặp lại nhiều ‘chiêu’ rất cũ (mà vẫn hiệu quả), kiểu như xách gà bỏ trong giỏ lên thành phố, rửa mặt bằng nước bồn cầu, ngơ ngác trước TV… Nhưng trong phim Borat, sự hài hước chế giễu còn dựa trên những phản ứng thật của người Mỹ, những người luôn tự tin rằng họ là con người cấp tiến thuộc về thế giới văn mình, nhưng dần lộ ra hình ảnh của những con người chứa đầy định kiến khi ‘va đập’ với Borat. Đa phần các hành động của Borat không chỉ quê mùa mà còn tục và bẩn. Ngay từ đầu phim, Borat đã xuất hiện và giới thiệu ‘Chào các bạn, tôi tên là Borat. Tôi yêu các ban. Tôi yêu tình dục. Hay ho lắm’. Trong phim, có những đoạn khó quên như khi Borat đứng giữa khu đấu bò ở miễn Viễn Tây, nơi tập trung đông nông dân yên nước bậc nhất ở Mỹ, được không ít dân Mỹ cổ vũ khi phát biểu ‘hiên ngang’ rằng ‘Tôi ủng hộ cuộc chiến tranh chống khủng bố của các bạn. Ông Bush có khi uống máu của từng người đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Iraq” , rồi tiếp sau đó là … người Do Thái nên bị săn như săn hươu, và hát quốc ca Kazakhstan ‘chế’ trên nền nhạc quốc ca Mỹ với nội dung ‘Kazakhstan là người vĩ đại nhất trên thế giới, các nước khác bị thống trị bởi đám con gái bé con…”; Borat gặp ba cậu sinh viên Mỹ và biết được ‘sự thật’ về sự trong trắng của Pamela Anderson, trong khi ba cậu sinh viên này an ủi anh bằng những tuyên ngôn xanh rời như ‘Phụ nữ trên thế giới này phải trở thành nô lệ hết’; hay khi Borat lọt vào nhà thờ của một giáo phái cuồng tín ở Mỹ với những nghi lễ nực cười… Theo thói thường, dễ dàng quy chụp Borat là một kiểu hài rẻ tiền và dung tục, nhưng bộ phim vẫn thắng đậm về doanh thu bởi người xem không thể không nín được cười và bàn tán về nó sau khi xem khiến người khác phải tò mò. Không chỉ vậy, sau cái hài có vẻ rẻ tiền và dung tục là cái cười thâm thuý vào chính những phản ứng rất thật của những người Mỹ trong phim – những người được Borat phỏng vấn để học hỏi như chuyên viên về nghiên cứu hài hước, hướng dẫn trở thành quý ông, chuyên gia rượu v.v… và những người Borat gặp trên đường đi. Chính khán giả Mỹ cũng không thể tin nổi đồng hương của họ lại phản ứng như thế trên phim.

Từng học Đại Học Cambridge và nghiên cứu về sự hài hước của người Do Thái, Sacha Baron Cohen rất thành công với những show truyền hình Ali G indahouseBorat, những nhân vật chế nhạo xã hội và truyền thông một cách trực diện. Lần này ‘đến Mỹ’, Borat được quảng bá miễn phí trên nhiều kênh truyền thông vì mọi người đều bàn tán về nó, nhưng lại ít người tin rằng phim sẽ thắn đậm vì ‘liều lượng hài’ của pim có phần quá lố. Thế nhưng, Borat vẫn gặt hái thành công lớn về doanh thu, và kéo theo sau đó không ít rắc rối liên quan đến kiện tụng. Sau khi bộ phim công chiếu, hàng loạt nhân vật xuất hiện trong phim đâm đơn kiện Sacha Baron Cohen. Đầu tiên là hai cậu sinh viên, mà tin chắc rằng sẽ chẳng còn cô gái nào muốn trở thành bạn gái của họ sau khi xem ba anh chàng phát biểu những tuyên ngôn đầy tính phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính trong bộ phim này, đâm đơn kiện nhà sản xuất phim đã chuốc rượu họ rồi đưa họ ký những giấy tờ trong khi họ say xỉn và không ý thức được điều mình đã nói và làm. Cindy Streit, người phụ nữ hướng dẫn cho Borat cách hoà nhập với thế giới thượng lưu ở Mỹ và sắp xếp một bữa ăn tối với bạn bè của bà, đã kiện Sacha vì đoạn phim không được dùng đúng như mục đích ban đầu là ‘phim tài liệu để phát trên một kênh truyền hình ở Belarus’. Những người dân ở một làng quê Rumani cũng đòi nhà sản xuất bộ phim này phải chi trả tiền cho sự xuất hiện của họ trong phim. Người đại diện trong làng nói ‘Chúng tôi tưởng họ đến để giúp chúng tôi, chứ không phải để mỉa mai châm chọc chúng tôi. Chúng tôi dù có nghèo, nhưng chúng tôi vẫn là con người’. Tất cả những ‘rùm beng’ về doanh thu, kiện tụng và bàn tán của bộ phim này đủ để biến Borat trở thành một trong những hiện tượng văn hoá của năm 2006.

(Bài đăng trên SGTT số ra ngày 30.11.2006)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply