‘Ngoài rạp chiếu quá ít phim Việt Nam’

Vị Giám đốc LHP của Viện Điện ảnh Mỹ Christian Gaines vừa tới Hà Nội để tìm hiểu và giúp các hãng phim tiếp cận thị trường quốc tế. Sắp tới, ông cũng sẽ xây dựng một ngân hàng phim Việt Nam. Ông đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng VnExpress.

– Theo ông thì điện ảnh Việt Nam cần làm gì để tiếp thị phim ra thế giới?

– Điện ảnh Việt Nam đã có uy tín và danh tiếng trong một số liên hoan phim, tuy nhiên, số lượng phim còn ít. Hơn nữa, chất lượng không đồng đều khiến cho các nhà sản xuất phim trên thế giới khó nắm bắt và tiếp cận. Những thành công lẻ tẻ trong các LHP quốc tế khó có thể tạo nên một trào lưu phim. Tuy nhiên, tôi thấy khá lạc quan về nền điện ảnh Việt Nam, nhất là khi các bạn đang trong xu hướng tư nhân hóa điện ảnh. Để hội nhập, Việt Nam cần tăng đầu phim và đặt mối quan hệ với cộng đồng phim quốc tế, có chiến lược tham gia các LHP và thị trường phim thế giới. LHP là kênh phát hành đặc thù và là cơ hội thử thách các nhà làm phim trẻ. Các công ty phát hành phim coi LHP là thị trường để tìm kiếm đối tác sản xuất phim.

– Ông có nhận xét thế nào về điện ảnh Việt Nam?

– Tôi rất thích một số phim của Đặng Nhật Minh như Bao giờ cho đến tháng Mười, Trở về, và tôi nghe nói đạo diễn này đang chuẩn bị làm một bộ phim mới. Tôi cũng xem Mùa hè chiều thẳng đứng của Trần Anh Hùng, tuy nhiên, nhiều người lại không cho rằng Hùng là đạo diễn Việt Nam (cười). Hôm qua, tôi cũng được gặp Như Quỳnh, diễn viên trong Mùa hè chiều thẳng đứng. Tôi có dạo qua các rạp chiếu phim ở Hà Nội và thấy rằng, các bạn chiếu quá ít phim Việt Nam. Điều này làm mai một lòng tự hào về nền điện ảnh dân tộc của khán giả.

– Nếu đặt vào tay ông một bộ phim Việt Nam, thì ông sẽ phát hành nó như thế nào?

– Trước tiên, đó phải là một bộ phim tôi yêu thích. Sau đó, tôi sẽ liên lạc với các đại lý phát hành phim quốc tế, vạch ra các phương hướng chọn các LHP để đưa phim tới trình chiếu. Chuẩn bị các tài liệu, hình ảnh quảng bá cho phim thật hấp dẫn, trong đó phải nhấn mạnh những điểm độc đáo của bộ phim, giới thiệu ấn tượng về đạo diễn, diễn viên… Sau đó tôi ngồi cầu nguyện (cười).

Thành công hay thất bại của một bộ phim phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống phát hành và thời điểm khởi chiếu. Ví dụ ra mắt một bộ phim mới rất hay nhưng lại trùng đúng vào sự kiện SEA Games đang diễn ra tại Việt Nam, hay đúng vào lúc thời tiết mưa lạnh thì quả là sai lầm.

– Một bộ phim rất khó đạt đến sự cân bằng giữa tính nghệ thuật và thương mại, ông nghĩ sao?

– Cho dù là phim của Hollywood hay của Việt Nam thì cũng có hai loại phim: thương mại và nghệ thuật. Làm sao để phim vừa mang tính nghệ thuật vừa ăn khách là một thách thức với các nhà sản xuất. Phim nghệ thuật luôn nêu được quan điểm và ý tưởng độc lập của đạo diễn, tuy nhiên những bộ phim này thường không ăn khách. Tuy nhiên, đã có nhiều đạo diễn thành công khi sản xuất các bộ phim nghệ thuật nhưng rất đông khán giả. Ví dụ, Peter Jackson, đạo diễn Chúa tể của chiếc nhẫn, đã dám đầu tư hẳn 300 triệu USD cho 3 tập phim, theo ý tưởng của mình. Đó là một bộ phim nghệ thuật và là một canh bạc với Peter Jackson và rất may là ông ấy đã thắng.

– Mỹ là thị trường phim phong phú, vậy làm thế nào để một bộ phim châu Á có thể lọt được vào hệ thống phát hành tại đây?

– Thị trường phim Mỹ quả là khó tính và phải cạnh tranh rất khốc liệt. Mỗi năm có không quá 100 phim nước ngoài được chiếu tại thị trường này. Phần lớn, đó là các phim của châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. 10 năm trở lại đây, công chúng Mỹ bắt đầu quan tâm tới đạo diễn Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca. Khán giả Mỹ quan tâm tới nền văn hóa, những chuyện thâm cung bí sử trong triều đình phong kiến, và tính hoành tráng của các bộ phim Trung Quốc. Một số phim của Đài Loan đề cập tới vấn đề ma túy, mại dâm, đói nghèo, nhưng khán giả Mỹ lại không thích lắm, bởi họ đang có trào lưu thích sự hoài cổ. Tóm lại, phim trình chiếu được ở Mỹ phải là phim có vấn đề phổ quát, nhân vật và cốt truyện lôi cuốn.

Trong những ngày qua, có dịp tiếp xúc với các sinh viên của ĐH Sân khấu – Điện ảnh, tôi thấy họ rất quan tâm tới công nghệ làm phim. Tuy nhiên, tôi đã khuyên họ rằng, công nghệ rất quan trọng nhưng quan trọng hơn là ý tưởng sáng tạo, trái tim và khối óc của những người làm phim. Cốt truyện chứ không phải một cái camera đắt tiền sẽ làm nên một bộ phim hay.

Thu Hương thực hiện – www.vnexpress.net


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply