Năm 2004: Bắt đầu những nỗ lực “xuất khẩu” phim

Năm 2004, ngành điện ảnh Việt Nam sẽ triển khai một loạt hoạt động quảng bá và nâng cao chất lượng kỹ thuật phim Việt Nam, nhằm tiến tới mục tiêu xuất khẩu phim Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Phúc Thảnh cho biết trước mắt cần chọn những phim có chất lượng tốt để làm phụ đề tiếng Anh, in ấn các tài liệu giới thiệu bằng tiếng Anh để gửi cho các Đại sứ quán VN tại các nước và Đại sứ quán các nước tại VN nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến các Liên hoan phim quốc tế.

Ông Thảnh cho rằng việc xác định đúng tiêu chí từng Liên hoan phim quốc tế để chọn phim tham gia phù hợp cũng là một cách tốt để quảng bá phim, tạo ấn tượng với các nhà phát hành phim nước ngoài. Cách làm này sẽ giúp phim VN có thêm nhiều cơ hội xuất hiện tại các Liên hoan phim và chợ phim quốc tế.

Bên cạnh đó, một số đạo diễn đang lặng lẽ triển khai xây dựng các dự án phim để “chào hàng” từ khi còn ở dạng kịch bản. Phim Mùa len trâu của Hãng phim Giải Phóng đã được một số đối tác nước ngoài đầu tư kinh phí sản xuất và nhiều công ty phát hành quốc tế ứng tiền trước mua bản quyền phát hành từ khi chưa khởi quay, nhờ có sự nỗ lực của các nhà làm phim trong suốt 7-8 năm qua.

Phó Giám đốc Hãng phim truyện VN Vương Đức cho biết Hãng đang đeo đuổi dự án làm phim Quê ngoại với kinh phí đầu tư của một số đối tác nước ngoài từ 6-7 năm nay và có thể phim này sẽ được khởi quay trong năm 2004. Hãng cũng đang xây dựng một số dự án hợp tác làm phim và phát hành phim ra nước ngoài.

Giữa năm 2003, một Việt kiều mua hai bản phim Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn để chiếu thăm dò thị trường trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và Canađa. Sự kiện này khiến nhiều nhà làm phim VN, vốn lâu nay đã quan tâm đến việc xuất khẩu phim VN ra nước ngoài, thêm phần hy vọng.

Tuy nhiên với thực lực của điện ảnh VN hiện nay, chưa thể hy vọng nhanh chóng gặt hái thành công trong việc xuất khẩu phim. Vấn đề quan trọng nhất để tạo ra thương hiệu cho phim và là cơ sở để đẩy giá bán phim vào đúng khung giá mua bản quyền phim quốc tế là chất lượng thì phim VN lại còn có nhiều hạn chế. Điện ảnh VN có quá ít những tác phẩm đạt chất lượng cao về nghệ thuật bởi có lẽ vẫn thiếu những nhà làm phim tài năng.

(Nguồn TuoiTreOnline – Theo TTXVN)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply