Từ một học viên bị ngọng, suýt bị đuổi khỏi lớp học kịch của Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B vì điểm kém, Anh Vũ đã trở thành một trong những gương mặt nổi bật trên sân khấu 2003.
– Từng bị đánh giá là diễn kém, nhờ vào đâu, anh đạt được thành công như ngày nay?
– Tôi là con thứ năm trong gia đình có bảy anh chị em. Dòng họ tôi không ai theo nghệ thuật. Tôi có khuôn mặt móm giống mẹ. Lúc nhỏ, tôi ước mơ sau này làm ca sĩ như những thần tượng Nhã Phương, Bảo Yến, Thái Châu… Vậy nên, mặc dù giọng đớt, nói ngọng, tôi cũng đã ghi danh học thanh nhạc sáu tháng. Thấy không bằng chị bằng em, đành gác ước mơ lại, tôi đi học uốn tóc nhưng tay cứng quá. Ba tôi dắt tôi theo nghề xây dựng của ông. Nhưng mới làm được ba ngày, bị dị ứng sơn, viêm xoang cấp tính, đành phải bỏ. Rồi tôi đi học lớp kế toán buổi tối. Một người bạn trong lớp rủ thi vào lớp kịch Nhà hát Sân khấu nhỏ. Tôi nộp đơn đầu tiên mặc dù chưa biết gì. Suốt sáu tháng đầu, các tiểu phẩm học đều thuộc dạng bi kịch nên tiểu phẩm nào tôi cũng bị điểm yếu. Theo quy chế, sau sáu tháng mà không tiến bộ, sẽ bị cho nghỉ học. Biết vậy nên tôi rất buồn. Một hôm, thày Văn Thành (NSƯT) gọi tôi lại bảo rằng: “Gương mặt em khóc cũng như cười, cười cũng như mếu, giờ thử làm hài xem sao”. Tôi hiểu rằng vì thương nên thày tìm cách để vớt vát tôi. Tôi diễn tiểu phẩm Hâm nước mắm, không ngờ cả lớp cười rần rần. Lần đầu tiên, tôi được điểm khá. Từ đó, cho đến khi ra trường, tôi chỉ diễn tiểu phẩm hài và được xếp loại tốt. Tôi rất biết ơn hai người thày: thày Văn Thành đã phát hiện ra năng khiếu của tôi và thày Việt Anh chỉ bảo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho tôi. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi gặp vai lạ, khó, tôi lại chạy về nhờ hai thày chỉ dẫn thêm. Tỉ như vai má mì trong phim Gái nhảy, vai trong năm qua đã đem lại cho tôi sự thương mến của khán giả cả nước.
– Anh đã thử qua khá nhiều nghề và đã trụ lại được với nghề diễn. Anh có thể tiết lộ một chút kinh nghiệm diễn xuất?
– Tôi không tự biết năng khiếu của mình mà phải nhờ con mắt tinh đời của những người thày. Đó là sự may mắn mang tính bước ngoặt trong đời tôi. Nhưng sự may mắn chỉ là bước khởi đầu, còn đi tiếp được bao lâu phần lớn là do nỗ lực của chính mình. Tôi tự thấy mình còn nhiều hạn chế, còn cần học hỏi thêm để đào sâu tâm lý nhân vật, cần nhiều độ lắng hơn nữa, nhất là trong những vở kịch dài. Cuộc đời diễn viên là một trường học lớn, học không bao giờ đủ. Thuở mới được đóng vai đầu tiên trên truyền hình, tôi sợ đến mức môi giựt giựt, mặt căng cứng không còn chút máu. Bây giờ, mỗi lần ra sân khấu, cảm giác đã nhẹ đi nhiều, song vẫn rất hồi hộp, cứ sợ bị rớt giữa chừng. Năm 2004 này, tôi dự định sẽ thực hiện một album video hài cá nhân như một món quà tặng khán giả, những người đã tiếp sức cho tôi trong suốt thời gian qua.
– Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Giàu vốn nổi tiếng là người rất khó tính trên sàn diễn. Thế mà anh lại dám mời Ngọc Giàu diễn chung. Anh không sợ bị so sánh?
– Má Giàu thuộc thế hệ diễn viên lớp trước nên làm việc rất nề nếp, đâu ra đó. Má rất nghiêm khắc trong lúc tập cũng như khi diễn. Làm theo kiểu chụp giựt là bị má la liền. Đi diễn chung mà tôi tới trễ một chút là bị má rầy. Chuyện tôi gặp má thật là tình cờ mà nên duyên. Số là khi dựng tiểu phẩm Chiều đồng quê, tôi đã định mời má Giàu nhưng sợ má chê thằng nhóc nên đi mời một nghệ sĩ khác. Đến gần ngày diễn, nghệ sĩ này có việc bận đi nước ngoài nên tôi bạo gan tới mời má vì nghĩ chỉ có má mới hợp vai. Chẳng ngờ, má Giàu vui vẻ nhận lời và càng diễn chúng tôi càng thấy quăng bắt hợp ý. Vậy là hai má con quyết định dựng thêm Hát với dòng sông. Hai người già – trẻ chúng tôi bổ sung cho nhau. Má Giàu có kinh nghiệm lấy tiếng cười, nước mắt khán giả, còn tôi trẻ lại nhạy, nắm bắt được vấn đề thời sự cho tiểu phẩm. Cái cũ quyện vào cái mới làm nên sức hấp dẫn trước khán giả. Tết này, chúng tôi đang chuẩn bị hai tiểu phẩm: Ôi, du học và Kiều Nguyệt Nga – Lục Vân Tiên tân thời. Má Giàu đóng Lục Vân Tiên, còn tôi sẽ là Kiều Nguyệt Nga.
– Anh vừa làm một chuyến diễn xuất ở miền Bắc về, cảm nhận của khán giả ngoài ấy đối với các nhóm hài miền Nam thế nào?
– Đây là lần đầu tiên tôi được diễn trước khán giả Hà Nội và Hải Phòng. Tôi run đến khan cả tiếng, sợ khán giả không nghe kịp giọng miền Nam nên đã tự điều chỉnh, nói chậm lại, đổi một số từ trong Nam ra ngoài Bắc như thay vì nói vớ phải đổi là tất. Tôi rất mừng là mình đã được khán giả miền Bắc chấp nhận. Tôi nghĩ, nếu làm việc hết sức, hết lòng với nghề thì khán giả ở đâu cũng sẽ hiểu mình.
(Theo Người Lao Động)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.