Sự trỗi dậy của các nữ đạo diễn

Có một so sánh vui ở Mỹ: tỉ lệ nữ giới ở Thượng nghị viện đã tăng nhanh hơn… tỉ lệ đạo diễn nữ ở Hollywood. Hiện nay số nữ nghị sĩ chiếm 9%, trong khi đạo diễn nữ chỉ 4%. Trong nhiều năm liền, câu hỏi “các nữ đạo diễn đâu cả rồi” cứ được nhắc đi nhắc lại. Các nữ đạo diễn luôn tiếc nuối thời kỳ phim câm – thời hoàng kim của phái nữ, khi có những nữ đạo diễn làm hàng chục, thậm chí hàng trăm phim.

Tuy nhiên, khi phim có âm thanh thì việc làm phim đã trở thành một công nghệ hết sức phức tạp và vất vả, do đó nam giới đã chiếm vị trí trọng yếu và nữ giới bắt đầu đứng sang một bên. Thực tế đó vẫn không ngăn cản các cô gái thi vào trường điện ảnh. Song điều đáng ngạc nhiên là, theo thống kê thì cho đến khi tốt nghiệp, số lượng nam và nữ sinh viên ở các trường điện ảnh ở Mỹ gần như ngang bằng nhau, nhưng sau đó thì rất ít các nữ sinh viên này trở thành những nữ đạo diễn.

Năm 2003 được coi là một năm trỗi dậy mạnh mẽ của các nữ đạo diễn, với một loạt bộ phim bất ngờ gây được chú ý của khán giả và là những điểm sáng trong năm. Nổi bật nhất là các phim Lost in translation của Sofia Coppola, Monster của Patty Jenkin, Whale Rider của Niki Caro, Thirteen của Catherine Hardwicke và American Splendor của Shari Springer Berman.

Lost in translation của Sofia Coppola (con gái nhà đạo diễn tài danh Francis Ford Coppola) đặc biệt được chú ý. Bộ phim kể về một chàng diễn viên từ Mỹ và cô vợ trẻ của một nhà nhiếp ảnh tình cờ gặp nhau ở Nhật Bản. Cuộc gặp của họ được miêu tả như là “hành trình đi tìm sự đồng điệu của tâm hồn”. Sự tinh tế, đặc biệt là rất “nữ tính” trong cách thể hiện đã khiến bộ phim trở thành một trong những phim nhận được nhiều đề cử nhất của giải Quả cầu vàng 2004 (kịch bản, đạo diễn, nam, nữ diễn viên chính, giải phim hài/ca nhạc hay nhất) và đang tràn đầy hy vọng có chỗ trong danh sách đề cử Oscar năm nay.

Monster tập trung thể hiện 9 tháng trong cuộc đời “nữ sát thủ” giết người hàng loạt Aileen Wuornos một cách khác lạ, mang đầy dấu ấn riêng của nữ đạo diễn Patty Jenkin. Cô gái này, do sự nghiệt ngã của số phận, đã trở thành gái đứng đường, có quan hệ đồng tính và sau đó bắt đầu giết tất cả những người toan cưỡng hiếp cô. Bộ phim đã không đi theo cách trình bày những cảnh “giật gân” hoặc khoe khoang những kỹ thuật quay phim như thể loại phim hình sự này thường có, mà chừng mực, dè dặt, từ tốn, song chính trạng thái dữ dội “tĩnh tại” của những cảnh quay lại đem đến hiệu quả diễn tả sự thái giận giữ, hoảng loạn.

Ba bộ phim còn lại cũng được đánh giá cao. Whale Rider là bộ phim thứ hai của nữ đạo diễn Niki Caro, kể về cuộc chiến đấu của một cô gái trong bộ tộc Maori phải chiến để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình. “Nhiều bộ phim về lứa tuổi vị thành niên sa lầy vào những chuyện ngớ ngẩn và thô thiển, tuy nhiên bộ phim này, như chính nữ anh hùng của nó, đã dám vươn tới những ước mơ” – tờ Chicago Sun-Times nhận xét.

Thirteen là đòn bẩy giúp cho diễn viên chính Evan Rachel Wood, người thường đóng vai phụ trong các phim điện ảnh và truyền hình đã bật sáng lên, giành được một đề cử giải Quả cầu vàng 2004 cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim chính kịch. “Một trong những phim tuyệt vời, khó quên của Mỹ trong năm” – (Chicago tribune).

Trong khi đó, American splendor kể về cuộc đời của nhà văn Harvey cũng là loại phim “người thật việc thật”, nhưng khác với Monster, bộ phim này là sự pha trộn của vị gay gắt, chua chát và lòng nhân ái. Bộ phim đã giành được Giải thưởng lớn của Ban giám khảo tại LHP Sundance 2003 và được tổ chức Các nhà phê bình phim Mỹ bình chọn là phim hay nhất năm 2003.

Phạm Thu Nga (tổng hợp)

(Nguồn Thanh Niên)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply