ĐD Châu Huế và phim Hướng nghiệp: Làm tiếp phần II do khán giả thúc ép

ĐD Châu Huế sinh năm 1944 tại Huế, tốt nghiệp lớp ĐD khoá III của trường Điện ảnh Sân khấu Việt Nam. Ông nguyên là DD của hãng phim truyện I. Gần 40 năm làm phim với nhiều tác phẩm được chú ý: Tội và tình, Đời hát rong, Đứa con người lính, Những nẻo đường phù sa… Bộ phim Hướng nghiệp của ông (58 tập x 30 phút, kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, Hàng phim TH TP Hồ Chí Minh) vừa đoạt giải Cánh diều bạc của Hội điện ảnh Việt Nam.

Hướng nghiệp làm về đề tài giới trẻ trong thương trường, vậy làm thế nào để bộ phim không sa vào tuyên truyền như nhiều bộ phim dài tập cùng đề tài thường mắc phải?

Chúng tôi xác định làm phim giải trí thì phải vui vẻ và nhẹ nhàng, rồi khi đó mới lồng ghép các vấn đề cần gửi gắm. Ban đầu, tên phim định đặt là Hội nhập, nghĩa là đưa vấn đề thái độ ứng xử, lối sống của thanh niên trí thức khi đất nước mở cửa và hội nhập. Nếu ai cũng chỉ lo kiếm tiền và hưởng thụ thì ý nghĩa cuộc sống ra sao, đất nước sẽ thế nào?…

Tuy chuyển tải những vấn đề to tát đó nhưng tác giả KB đã khéo léo gài cắm các tình tiết rất “đời” trong một cốt truyện hấp dẫn. Cấu trúc KB chặt chẽ, linh hoạt. Chẳng hạn, những lúc xung đột mạnh mẽ, liền có các lời thoại, chi tiết hài hước xen vào để “gỡ” ra, hay bên cạnh các cao trào còn có các “điểm lắng”…

Được biết, một số gương mặt khả ái trong phim, ngoài đời cũng có số phận thăng trầm nên vào vai khá tự nhiên và thuyết phục được người xem?

Chuyện đời tư của diễn viên, thực ra, tôi không quan tâm lắm, nhưng như anh nói, tôi chắc cũng có phần nào đó. Điều quan trọng, theo tôi, là KB tạo được nhiều tình huống, chi tiết gần gũi với đời thực, diễn biến logic như cuộc sống vốn có và những vấn đề KB đề cập không hề xa lạ với giới trẻ, nên họ diễn mà như không diễn. Bản thân tôi, nhiều lúc cũng bất ngờ vì sức diễn của các bạn trẻ, trong khi hầu hết chưa được đào tạo bài bản về đóng phim. Dàn diễn viên của Hướng nghiệp, tuy chưa thật xuất sắc nhưng chẳng thua kém các gương mặt của phim Hàn Quốc. Và nếu diễn viên không trẻ và đẹp thì chắc chắn sức hút của phim với khán giả sẽ giảm đi.

Nghe nói bộ phim được sản xuât tiếp phần 2 với 50 tập nữa đưa Hướng nghiệp trở thành bộ phim THVN có thời lượng dài nhất (118 tập x 30 phút). Liệu phần 2 có hấp dẫn như trước?

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đang viết KB và tôi đã phân cảnh được một số tập đầu Phần 2 tập trung vào những diễn biến trong gia đình của các nhân vật, những vấn đề thuộc về t8m lý, xã hội và bổ sung một số nhân vật… Tôi nghĩ, ăn nhau là ở chỗ: KB tìm tòi được các chi tiết “đắt” và lúc vào quay mình đẩy lên cho chúng dày dặn thêm… Bước đầu, tôi thấy có triển vọng. Thật ra, làm tiếp là do khán giả thúc ép, chứ làm phim khác có lẽ sẽ hào hứng hơn.

Xin được hỏi ông câu cuối: Là người có duyên đoạt giải, ông nghĩ gì khi các giải thưởng điện ảnh và TH của ta hầu hết đều phải “cơ cấu”?

Tôi không thích kiểu Nam có giải thì Bắc cũng phải có giải tương ứng. Nếu một hãng phim lớn năm nay không được giải thì cần xem lại vì sao, thế mới tiến bộ chứ! Cứ chia giải như thế thì làm sao người làm nghề còn hào hứng đi thi, làm sao cạnh tranh với nhau được, dù về vật chất, nhận giải về làm một bữa nhậu vui vẻ giữa anh em làm phim với nhau là hết… Nhưng, với lớp trẻ, làm thế sẽ thui chột tài năng và giảm hăng hái của họ khi làm nghề. Làm nghệ thuật mà không cạnh tranh với nhau thì làm sao khá lên được.

Xin cám ơn ông.

Thể thao Văn hoá – TS thực hiện.

Theo http://home.netnam.vn


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply