TT – Đây là ý kiến của đạo diễn Hồng Lực trong buổi tọa đàm về “Phim truyện VN thời hòa bình và chức năng phản ánh xã hội” diễn ra trong chương trình kỷ niệm 54 năm điện ảnh cách mạng VN do Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh tại TP.HCM tổ chức.
Ông nhấn mạnh: “Ta cứ ca ngợi luật điện ảnh, xã hội hóa điện ảnh nhưng chỉ có thể thay đổi diện mạo điện ảnh Việt trên một phạm vi nhỏ. Trong xu thế hội nhập WTO mà mỗi năm Nhà nước đầu tư có vài chục tỉ đồng thì ăn thua gì, chắc chỉ được… vài mét trên xa lộ cao tốc về phim ảnh với tốc độ phát triển nhanh. Chúng ta cần có sự đầu tư dài hơi, về tài năng và cả thời gian”.
Buổi tọa đàm “nóng lên” khi NSND Đoàn Dũng bức xúc: “Rất lâu rồi, sau bộ phim Tướng về hưu của đạo diễn Khắc Lợi (sản xuất năm 1988) thì chỉ có một hai phim phản ánh được vài vấn đề nổi cộm của xã hội như Lưới trời (2004). Phim ảnh VN lâu nay cứ phản ánh xã hội kiểu một chiều với những lối mòn cũ, suy nghĩ cũ, cứng nhắc, làm sao lôi kéo được khán giả. Chẳng cần nhìn đâu xa, nhìn Trung Quốc làm phim về những vấn đề xã hội mà thấy… thèm. Khán giả xem từ nhiều chiều được phản ánh như vậy mới thấy “à, có mình trong đó”…”.
Trong khuôn khổ “Những ngày hoạt động chào mừng 54 năm điện ảnh cách mạng VN”, còn có các buổi tọa đàm về phim ảnh VN tập trung vào các vấn đề như Phim tài liệu VN: hiện trạng, tiềm năng và triển vọng; Phim truyện VN thời chiến tranh qua cái nhìn ngày hôm nay; Vấn đề đội ngũ và kỹ thuật làm phim hoạt hình VN…
Đặc biệt, vào ngày 13-3 tới sẽ có buổi tọa đàm quan trọng với chủ đề khá “nóng”: Phim truyện thời đổi mới và vấn đề thị hiếu công chúng, với sự tham gia của các nhà sản xuất, phát hành phim tư nhân như ông Trần Khải Hoàng, nghệ sĩ Phước Sang, đạo diễn Lê Hoàng…
HOÀI NAM
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=190664&ChannelID=57
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.