Đến hẹn lại lên, giải Cánh diều vàng đã bắt đầu khởi động. Giới chuyên môn lẫn khán giả đang mong chờ những tín hiệu mới để Cánh diều vàng thực sự bay vào lòng công chúng và nhận được tín nhiệm mạnh mẽ của người làm nghề.
Xung quanh một giải thưởng thường xuất hiện nhiều điều tiếng, và Cánh diều vàng cũng không ngoại lệ. Nhìn lại các giải trong những năm qua, một đạo diễn (xin giấu tên) nói: "Tôi nghĩ cuối cùng vẫn là việc… ta chấm ta. Nhìn tới nhìn lui, cũng là anh em cả. Làm thế nào để mời được Ban giám khảo gồm những người giỏi chuyên môn nhưng thực sự đứng ngoài vòng "ân oán" của điện ảnh nước nhà là vấn đề mà Ban tổ chức nên làm. Một giải thưởng của hội nghề nghiệp mà chưa thuyết phục được số đông người làm nghề còn khán giả thì mơ hồ, không biết gì về nó là việc không nên".
Anh Nguyễn Công Tâm, một khán giả ở 25C cư xá Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM cho biết: "Tôi luôn đón xem phim Việt Nam, có phim mới là tôi đến rạp. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy các phim đoạt giải hầu hết là những phim chưa được giới thiệu rộng rãi. Sau đó, phim cũng có được chiếu nhưng thông tin về chúng quá ít. Khi tôi thu xếp đi xem thì… đã nghỉ chiếu rồi".
Chúng tôi thử khảo sát ngẫu nhiên 10 khán giả trước rạp chiếu phim Thăng Long (TP.HCM) cùng một câu hỏi: "Anh chị có biết về giải thưởng Cánh diều vàng không?". Tám người trả lời là không, một người biết lơ mơ "hình như là cái giải thưởng gì đó", chỉ một người biết rõ. Thực tế cho thấy, việc quảng bá cho giải thưởng này chưa được chú trọng đúng mức.
Thời gian qua, Cánh diều vàng dần đi vào sự chuyên nghiệp khi tính "mặt trận" được giảm dần, giải đang dần trở thành một sinh hoạt nghề nghiệp được người trong giới chờ đợi. Tuy nhiên, làm thế nào để các phim đoạt Cánh diều vàng không rơi vào cảnh "chợ chiều phòng vé" là vấn đề mà các hãng có phim đoạt giải và Hội Điện ảnh Việt Nam, Cục Điện ảnh nên chú ý. Không chỉ vậy, khá nhiều phim làm tốn hàng tỉ đồng, đem đi dự thi, được trao giải và cuối cùng lại cất kho hoặc chỉ chiếu đôi ba xuất nhân các ngày lễ là sự lãng phí lớn.
Không ít đạo diễn đề nghị nên xem lại cơ cấu tổ chức giải lẫn việc lựa chọn Ban giám khảo. Một điều đáng lưu tâm là thành phần Ban giám khảo qua các kỳ Cánh diều vàng vừa qua ít có sự thay đổi lớn, hầu hết thành viên đều thuộc Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam. 5 năm thì Hội Điện ảnh Việt Nam mới bầu lại Ban chấp hành một lần mà Cánh diều vàng cứ đúng hẹn hằng năm. Việc ban giám khảo ít có sự thay đổi chắc chắn có ảnh hưởng đến kết quả giải. Bên cạnh đó, cũng cần có giải Phim do khán giả bình chọn để động viên các nhà làm phim, khi những nỗ lực của họ được khán giả ghi nhận.
Thực trạng điện ảnh Việt Nam còn nhiều vấn đề nên đòi hỏi sự hoàn hảo trong công tác tổ chức giải (nói chung) lẫn đêm trao giải (nói riêng) là chưa hợp lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ bằng lòng với việc cái gì cũng "tầm tầm" và giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh Việt Nam cũng "tầm tầm" thì có lẽ, giải thưởng sẽ không thể là cú hích cho điện ảnh phát triển và mọi người lại cứ ngồi hỏi nhau rằng: Bao giờ thì diều thực sự bay cao?
Vinh Nguyễn
Ảnh: Áo lụa Hà Đông của Hãng phim Phước Sang sẽ tham dự giải Cánh diều vàng năm nay
———–
Ý kiến đạo diễn và diễn viên
* Đạo diễn quay phim Phạm Hoàng Nam: "Tôi chỉ muốn làm phim cho khán giả nên thực sự không quan tâm đến những giải thưởng điện ảnh của Việt Nam. Những giải thưởng mà không có nhiều người quan tâm thì có nên tổ chức? Các nhà quản lý nên xây dựng nền móng rồi mới tính đến giải thưởng. Hoặc nếu có tổ chức giải thưởng thì nên phân ra từng hạng mục như: đề tài phim thiếu nhi, phim hành động… chứ không phải theo kiểu gom lại hết các tác phẩm rồi trao giải thưởng cho một phim nào đó mà không biết tác phẩm đó có được công chúng đón nhận hay không".
* Diễn viên Hồng Ánh: "Qua các giải thưởng Cánh diều vàng hàng năm, tôi nhận thấy chất lượng và số lượng không đồng đều, không có tiêu chí rõ ràng, chỉ chung chung là "phải có những sáng tạo tìm tòi mới", nhưng mỗi phim có một sáng tạo riêng… đó là điều rất khó cho Ban giám khảo khi chọn lựa chấm giải. Nếu mỗi năm tổ chức Cánh diều vàng một lần, số lượng phim tham gia ít, chọn ra một phim chất lượng cao sẽ khó. Nên chăng 2 năm tổ chức giải một lần để có nhiều phim tham gia thì cơ hội lựa chọn một tác phẩm chất lượng tốt sẽ cao hơn?".
* Đạo diễn Lê Hoàng: "Nói về giải thưởng Cánh diều vàng, tôi không quan tâm. Còn vì sao thì tôi không giải thích".
Tr.A
(ghi)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.