Ai cũng giả vờ bình thường

Little Miss Sunshine là một phim độc lập với kinh phí thực hiện chỉ 8 triệu đôla, nhưng doanh thu của bộ phim chỉ tính riêng ở Mỹ đã xấp xỉ 60 triệu đôla. Phim đoạt giải tại LHP Deauville và đang dẫn đầu danh sách đề cử giải Tinh thần độc lập. Bộ phim được đánh giá là một trong những phim thú vị bất ngờ nhất của năm 2006.

Little Miss Sunshine (Hoa hậu nhí Ánh Dương) xoay quanh câu chuyện một gia đình bất thường cùng nhau đưa cô con gái út ‘vượt dặm trường’ để tham dự cuộc thi Hoa hậu nhí Ánh Dương với biết bao hy vọng. Họ là Sheryl (Toni Collette), bà mẹ trẻ trung nhí nhảnh chăm lo cho ông anh trai Frank (Steve Carell) vừa tự sát bất thành; là Richard (Greg Kinnear), ông bố làm giáo sư luôn nhấn mạnh trong mọi bài giảng của mình rằng trên đời này chỉ có hai loại người: người kẻ chiến thắng và những kẻ thua cuộc; là ông nội (Alan Arkin) không viện dưỡng lão nào chứa nổi nên sống với gia đình thằng con trai, hay trốn vào toilet để lén lún hít thuốc phiện; là Frank, ông cậu đau khổ khi người bạn trai phụ tình, bản thân bị đuổi việc và khi suy sụp tinh thần đến cùng cực thì tự sát nhưng bất thành; là Dwayne (Paul Dano), cậu con trai đang tuổi mới lớn thần tượng Friedrich Nietzsche (nhà triết học người Đức), căm ghét mọi người và không muốn nói bất cứ lời nào, mọi giao tiếp đều thông qua giấy bút; và là cô bé con Olive (Abigail Breslin) 7 tuổi mơ ước trở thành hoa hậu nhí Ánh Dương, ngày ngày xem tới xem lui cuốn băng đăng quang của Hoa hậu California để học cách… đón nhận vương miện. Không ai bình thường trong gia đình ấy, hay đúng hơn, không ai “giả vờ bình thường” như cách Richard nhận xét. Khi Olive được chọn vào vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Nhí Ánh Dương, Sheryl lãnh nhiệm vụ đưa con gái lên đường đến Cali để cô bé con thực hiện giấc mơ Mỹ. Vì gia đình đang túng thiếu không đủ tiền mua vé máy bay, Sheryl phải đi bằng xe bus con của gia đình và Richard là người duy nhất ‘trị’ nổi chiếc xe cà tang ấy. Vì không thể để ông nội ở nhà (không ai kiểm soát nổi ông ấy sẽ ‘quậy’ cỡ nào), không thể để ông cậu Frank ở nhà (biết đâu cậu lại tự sát thêm lần nữa) và cậu con trai Dwayne ở nhà (cậu ta lầm lỳ cả ngày và chẳng ai biết Dwayne nghĩ gì), cả nhà cùng lên đường. Chuyến đi đầy những tranh cãi giữa Richard, Frank, Dwayne và ông nội, quanh chuyện dạy dỗ con cái và quan điểm sống của mỗi người. Kết thúc hành trình là cuộc thi hoa hậu Nhí Ánh Dương, nơi mà những đứa trẻ con ăn mặc diêm dúa, hành xử như người lớn, làm điệu làm duyên chẳng khác gì những hoa hậu trưởng thành, hoàn toàn không còn nét ngây thơ trong sáng của những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi.

Hoa hậu Nhí Ánh Dương là một phim hài với những nụ cười ý nhị về xã hội của người lớn, về cách dạy dỗ trẻ con và về cuộc sống của một gia đình bất thường nhưng tiêu biểu cho gia đình kiểu Mỹ. Người xem có thể bật cười sảng khoái mà vẫn thấm thía sự mỉa mai châm biếm về cách giáo dục trẻ con. Nếu Richard đại diện cho lối giáo dục truyền thống – cố gắng che dấu những điều mà người lớn cho rằng trẻ con không nên biết như giới tính, làm đẹp – thì Frank lại đại diện cho lối giáo dục hiện đại – đằng nào thì bọn trẻ cũng biết, thà rằng thẳng thắn mà trao đổi còn hơn là nói dối lấp liếm. Frank kể về chuyện vì sao anh tự sát, về đời sống tính dục đồng giới của mình cho bé Olive, trong khi Richard cố tình ngăn cản. Richard răn đe Olive rằng ăn kem nhiều sẽ khiến bé mập và không còn đẹp để đi thi hoa hậu, trong khi Frank thì muốn Olive cứ hồn nhiên vô tư hưởng thụ món ăn bé yêu thích. Cuộc cãi vả của họ bất tận và đỉnh điểm là cuộc thi hoa hậu – khi mà cả ông cậu lẫn ông bố đều đồng quan điểm rằng cuộc thi này quá lố bịch nhưng họ đều không muốn làm tổn thương Olive đang rất háo hức tham dự cuộc thi. Cô bé không đẹp, cô bé đeo kính cận. Cô bé ăn nhiều đến mức bụng ễnh. Thật khó tin nếu bé Olive chiến thắng tại cuộc thi hoa hậu Nhí Ánh Dương, nhưng gia đình vẫn luôn sát cánh ủng hộ cô bé. Olive cũng chịu đựng áp lực – em luôn sợ hãi trở thành kẻ thua cuộc bởi những lời giáo huấn của bố. Khi Olive quá lo lắng trước ngày đến cuộc thi, ông nội dạy em rằng ‘Những kẻ thua cuộc là những kẻ sợ mình không chiến thắng và chẳng bao giờ thử sức mình”. Olive tin rằng mình sẽ vươt qua tất cả để trở thành hoa hậu hí Ánh Dương. Tại cuộc thi, Olive khác biệt với những cô bé con diêm dúa trong những bộ áo dạ hội hay cố tình giả ngây thơ trong những bộ áo tắm hai mảnh mỏng dính gợi cảm, bởi cô bé được ông nội dạy bài múa thi tài năng như một… vũ nữ thoát y! Olive trình diễn bài múa ‘tục tĩu và vô văn hoá’ ấy một cách ngây thơ và hồn nhiên. Trong mắt những người lớn ‘giả vờ bình thường’ khác, hành động ấy báng bổ họ. Thế nhưng so với đám con nít thi hoa hậu Nhí Ánh Dương giả vờ ngây thơ trong sang trong những bộ áo quần sặc sỡ, phấn son dày đặc và cố tình hở hang chẳng kém cạnh ai, bé Olive trong sáng và hồn nhiên hơn hẳn. Người xem có thể cười ra nước mắt mà vẫn thấy đau đau.

Dàn diễn viên của bộ phim đóng xuất sắc vai diễn của họ, đặc biệt là Steve Carell trong vai ông chú Frank. Vốn là một diễn viên hài nổi tiếng qua bộ phim Trai tân 40 tuổi, Steve bất ngờ hoá thân vào một vai tâm lý rất đằm trong Hoa hậu Nhí Ánh Dương. Đáng chú ý hơn là Alan Arkin và Paul Dano trong vai ông nội và cậu con trai Dwayne: họ đều được đề cử cho giải Nam diễn viên phụ xuất sắc tại giải Tinh thần độc lập. Trong khi đó Breslin, cô bé từng làm quen với khán giả yêu điện ảnh trong vai cô bé con của Mel Gibson trong phim Signs, rất xuất sắc trong vai bé Olive. Breslin là một trong những nữ diễn viên nhí hiếm hoi vừa đáng yêu, diễn xuất tốt nhưng vẫn giữ được nét vô tư tuổi thơ. Đã có nhiều lời bàn tán dự đoán Hoa hậu nhí Ánh Dương sẽ làm nên chuyện tại giải Quả cầu vàng sắp tới và có thể cả giải Oscar…

Little Miss Sunshine (2006)
Đạo diễn: Jonathan Dayton, Valerie Faris
Kịch bản: Michael Arndt
Diễn viên: Abigail Breslin (Olive), Greg Kinnear (Richard), Paul Dano (Dwayne), Alan Arkin (Grandpa), Toni Collette (Sheryl), Steve Carell (Frank)
MPAA: Rated R


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Ai cũng giả vờ bình thường”

  1. nemo Avatar
    nemo

    một bộ fim quá tuyệt vời, đáng cho chung ta nhìn lại và suy gẫm về cách hành xử giữa người lớn và con nít.

    Những đứa bé trong fim tuy chưa tới 10t, nhưng những bộ quần áo mà chúng bận trên người thì không nói lên điều ấy. Duy chỉ có Olive theo như NEo nói là rất hồn nhiên trong điệu nhảy của Vũ nữ.

    Rất ấn tượng với cảnh anh trai của Olive khi biết được tin mình bị mù màu không thể trở thành phi công thì bao nhiêu dồn nén, bức xúc về cuộc đời của cậu có dịp trỗi dậy mạnh mẽ. Và…bật thành tiếng. Trông Dwayne lúc đó rất đáng thương bao nhiêu ước mơ của mình như bọt xà phòng tan vào không khí, nhưng cũng may có tình cảm của gia đình đã níu lại được cậu ta thông qua 1 cái ôm rất là tình cảm của Olive. Thật xúc động…

    Thích nhất câu nói của ông Olive:Những kẻ thua cuộc là những kẻ sợ mình không chiến thắng và chẳng bao giờ thử sức mình: một câu động viên vô cùng ý nghĩa cho cô bé đang lo sợ phần thi sắp tới của mình

    Little miss sunshine: trong fim nó dịch là Mặt trời bé con đó anh 😀

  2. nbtsa Avatar
    nbtsa

    Hoa hậu nhí Ánh Dương–> dịch ra nghe mắc cười quá!

    Người ta có thể coi những gì Olive làm là dơ bẩn những cô bé lại hồn nhiên hơn bất cứ ai trong cuộc thi đó.

    Có lúc cũng muốn như Dwayne, im lặng hết với tất cả mọi người.

  3. lukanium Avatar
    lukanium

    Một bộ phim rất đáng xem :). Dwayne có nói 1 câu rất hay đáng để suy ngẫm :
    “Life is one fu**ing beauty contest after another” 🙂 …Your school, their colleage, their work …fu** that ..I fu** the Airforce Academy …if i wanna fly, i’ll find the way to fly, then do what you love and fu** the rest”

Leave a Reply