Bá Vương Biệt Cơ, khi quân vương không xứng với tình của ái thiếp.

Thời Hán Sở tranh hùng, Hạng Võ sa cơ, chàng chỉ còn lại con ngựa trung thành và nàng thiếp yêu là Ngu Cơ. Chàng đánh ngựa đi, ngựa trung không chạy đi; chàng bảo nàng thiếp chạy đi trốn để toàn mạng, Ngu Cơ rút gươm của Hạng Võ mà tự tử. Ngàn năm sau, Ngu Cơ đã phải chết bằng rất nhiều cách để chung tình với quân vương của mình.

Ngu Cơ đã chết vào cái buổi sáng mùa đông của Trung Quốc thuộc địa đó, khi mẹ của Đức Chí ẵm con mình đến bỏ thí cho một gánh hát bội vì “nó lớn quá, không thể dấu trong kĩ viện được nữa”. Khi ông chủ gánh chê thằng bé vì nó có một ngón tay thứ sáu thừa ra, mẹ nó đã lấy dao chặt phăng ngón tay đi.

Ngu Cơ đã chết lên chết xuống trong cái gánh hát khắc nghiệt đó, chết vào cái buổi diễn thử khi thằng bé Đức Chí bị bạn diễn Sĩ Tử đè ra bẻ một cái răng vì tội hát sai, “bản chất của ta vốn là nam, không phải là nữ” trong khi vai của Chí lại là một vai nữ. Kể từ đó trở đi, Trình Đắc Di- Đức Chí lúc lớn- đã trở thành Ngu Cơ bên cạnh Bá vương Sĩ Tử, để chết thêm nhiều cái chết nữa, dưới tay Trương công công, dưới tay Viên đại nhân, trong thời Nhật chiếm đóng, dưới thời Quốc Dân Đảng, trong cuộc cách mạng văn hoá… Cuộc đời của Ngu Cơ-Trình Đắc Di-Đức Chí là một cái chết bất tận của nam tính, của quyền được sống, được yêu, của khát khao nghệ thuật vượt thoát khỏi thù hằn, ý thức hệ và thời đại. Đó cũng là một sự nhập nhoạng giữa vai diễn và cuộc đời mà bi kịch lớn nhất là lúc con người ta bị xô đẩy đến phải cay đắng nhận ra mình không thể đóng tuồng mãi được và đã chấp nhận chết trong tấn tuồng đó

Bá Vương biệt Cơ là một bộ phim sử thi hoành tráng trải suốt 50 năm lịch sử Trung Quốc từ thập niên 30 đến 70. Nhưng gọi đó là nền cho bi kịch của một người, hai người, hay cả ba người đều đúng. Đó là bi kịch của Đức Chí- Trình Đắc Di, một tâm hồn sầy sẹo bên trong một thân thể gầy gò, yểu điệu, mà những trải nghiệm khắc nghiệt đã phát triển thêm cái xu hướng đồng tính luyến ái trong anh. Thiếu vắng một hình ảnh nam tính từ lúc bé, lớn lên cạnh một người bạn trai hay diễn chung, bị bắt đóng vai nữ do tố chất (thời đó tuồng cổ Trung Quốc không cho nữ làm diễn viên, tất cả các vai nữ đều do nam đóng), bị một tên hoạn quan làm nhục và bị ràng buộc ân nghĩa với một đại gia khác, phải chăng những điều đó đủ để giải thích cho bi kịch của Ngu Cơ? Hay đó còn là một tâm hồn mong manh dễ tổ thương và luôn khao khát hướng tới cái đẹp của nghệ thuật? Tâm hồn ấy đã cảm mến một tên tướng giặc vì đồng cảm nghệ thuật, đã lên án sự suy thoái của nền tuồng cổ Bắc Kinh dưới sự lệch lạc ấu trĩ của ý thức hệ đương đại, đã sống và chết trọn vẹn với vai diễn của mình.

Phim cũng là bi kịch của Sĩ Tử- Đoàn Tiểu Lâu, Hạng Võ của Ngu Cơ. Vì quân vương quá yếu đuối nên thiếp phải hi sinh, cả trong cuộc sống lẫn trong tuồng. Quân vương cũng đã kinh qua loạn lạc, thời thế thay đổi, nhưng cái tình của quân vương không đủ lớn để dung túng cho một kết thúc có hậu. Quân vương không đáng mặt làm vua nên ái thiếp đành rút gươm tự thác vậy!



Bi kịch của Juxian, cô điếm hạng sang mà sau này là vợ của Đoàn Tiểu Lâu, cũng là một sự bất đắc chí lớn. Cô là người phụ nữ rất khôn và rất lanh, có lẽ vì vậy mà cô thoát được khỏi chốn lầu xanh một cách đường hoàng. Nhưng bông hoa lài này đã chọn nhầm người để trao thân gửi phận, cho nên dù quyền biến thế nào, nước cờ của cô đành bỏ phí.

Bi kịch của Trung Quốc, một giằng xé điên đảo của quyền lực và ý thức hệ, như một tấn tuồng lớn xảy ra trong nhà hát kịch của Đắc Di và Tiểu Lâu, được chứng kiến bởi những kẻ bị xếp vào hạng xướng ca vô loài. Sự mỉa mai lớn nằm ở chỗ dưới con mắt của những kẻ đóng tuồng chuyên nghiệp, thì những khán giả qua mọi thời đại ngoài kia trở nên lố lăng kệch cỡm, những người đang tung tăng hô khẩu hiệu ngoài kia không khác gì những nghệ sĩ tồi tàn. Và “cuộc đời là một sân khấu lớn”, như lời của Shakespeare.

Trần Khải Ca với những góc quay lời ít ý nhiều đầy trau chuốt đã biến Bá Vương Biệt Cơ thành một tác phẩm hay đến khắc khoải. Sau cái chết của Trương Quốc Vinh, người thủ vai Ngu Cơ Trình Đắc Di năm 2003, bộ phim lại khoác thêm một màu bi thảm của sự lạnh lùng thờ ơ giữa người và người. Ngu Cơ đã tự tử vì Hạng Võ không đủ sức để nhận ra tình cảm của nàng và chấp nhận nó, cũng như Trương Quốc Vinh đã tự tử vì thiên hạ không đủ sức để chấp nhận mình như một người đồng tính trong cộng đồng của họ. Mọi việc rồi cũng sẽ qua đi, đời người, những can qua, những thù hận, những cuộc đấu tố phát mãi nghệ thuật, nhưng chuyện người ta kể cho nhau nghe thì vẫn còn mãi. Chuyện Hạng Võ biệt Ngu Cơ, chuyện tình bi thảm của Trình Đắc Di dành cho Đoàn Tiểu Lâu, chuyện đời của Trương Quốc Vinh… Bá Vương Biệt Cơ cũng là một câu chuyện đẹp và thê thảm mà Trần Khải Ca kể cho chúng ta nghe về Trung Quốc, về chế độ, và về con người.

Khanh Nguyen- SGDNCT


Posted

in

by

Comments

10 responses to “Bá Vương Biệt Cơ, khi quân vương không xứng với tình của ái thiếp.”

  1. macay1983 Avatar
    macay1983

    Hok biết có bạn nào còn lưu phim này hok nhỉ ^.^

  2. 00thay Avatar
    00thay

    theo tui nghĩ Ngu Cơ-Trình Đắc Di ko chết nhiều lần như athos nói đâu. Anh ko chết trong buổi sáng giá lạnh khi bị mẹ chặt ngón tay thừa, cũng ko chết trong cái gánh hát khắc nghiệt đó, mà cũng ko chết 1 cách thật sự lúc cuối phim nữa. Lần mà Trình Đắc Di chết chính là khi anh bị phản bội bởi chính người mà anh yêu thương nhất, Chu Vương-Đoàn Tiểu Lâu. Thoạt đầu, khi Chu Vương chỉ tội Trình Đắc Di là phản quốc, anh giận, giận lắm. Giận vì anh đã ko ngại bản thân, bất chấp tất cả để hi sinh cho Đoàn Tiểu Lâu, vậy mà người ấy trở mặt với mình để bảo vệ hạnh phúc của người đó với người đàn bà khác. Sự ghen tuông trong lòng nổi dậy, Trình đắc Di vạch trần thân phận gái lầu xanh của Juxian. Nhưng người mà Đoàn Tiểu Lâu yêu nhất ko phải là Juxian, mà chính là bản thân anh ta. Trong phút chốc, Chu Vương, vị anh hùng trong lòng của Trình Đắc Di trở thành một kẻ hèn nhát, đi van xin người khác để bảo vệ bản thân mình.

    Cả đời của Trình Đắc Di có 2 tình yêu lớn. tình yêu đối với hí kịch và tình yêu đối với Đoàn Tiểu Lâu. Vì hí kịch anh đã hi sinh tất cả, thậm chí biến bản thân trở thành một người bị coi là bán nam bán nữ trong xã hội thời bấy giờ. Hí kịch ngày càng biến chất và bị coi thường, Đắc Di từ thất vọng đến chán nản. Rồi đến khi hình ảnh Chu Vương trong lòng sụp đổ. Đó chính là cái chết thật sự của Ngu Cơ

    Mười một năm sau, hí kịch được phục hưng, Ngu Cơ và Hạng Võ lại được trùng phùng. Lần này Ngu Cơ đã hoàn thành vai diễn của mình bằng một cái chết thật sự trong tay Chu Vương

  3. eminem_1802 Avatar
    eminem_1802

    Phim nào của Trương Quốc Vinh cũng hay. Đó là một diễn viên tài năng….

  4. icream89 Avatar
    icream89

    1 tác fẩm kinh điển , hay hơn cả mí film Trương nghệ mưu làm nữa , đào sâu vào tâm lý , tích cách nhân vật rồi vẽ ra lằn ranh giữa cái ảo – sàn diễn và đời thật . Trương quốc vinh đóng thật xuất sắc , tui chỉ nghĩ sao anh ta ko thể có được 1 giải Oscar nhỉ ?

  5. snowfall Avatar
    snowfall

    bài viết hay qúa, giúp Snow hiểu thêm về bộ phim.thanks

  6. toilatoi Avatar
    toilatoi

    Bài viết hay quá,nó làm tui thật sự cảm dc bộ phim dù rằng tui chỉ coi dc tập1.Thú thật ấn tượng đầu tiên mà tui dành cho phim là cái cảm giác ghê ghê thế nào ấy,từ màu sắc vàng vàng chết chóc chủ đạo trong phim,đến cảnh những chú bé gầy trơ xương,rồi những tiếng la,thét……tất cả thật nặng nề cho 1 phim truyện về khuya…..mà lúc đó tui cứ ngỡ Trình Đắc Di là con gái nhưng bị ép giả trai sống ở 1 nơi toàn con trai,và ko dc phép nhớ mình là con gái chứ……Bây giờ đọc bài viết này tui mới thật sự hiểu,càng thấy thương cho 1 số phận,và càng thấy ý nghĩa hơn cho 1 bộ phim.Quả thật TKC đã rất thành công trong việc chuyển tải nhiều vấn đề chỉ trong 1 bộ phim như thế,nhưng có lẽ bộ phim sẽ rất kén người xem đấy nhỉ?

  7. phuthuynho2001 Avatar
    phuthuynho2001

    ôi ! gùi ui ai hơi đâu mà tin lời thiên hạ nói . Tui mà bịa chuyện còn hay hơn mí người đó nữa

  8. julie Avatar
    julie

    bài viết hay, nhưng trương quốc vinh không fải tự tử “vì thiên hạ không đủ sức để chấp nhận mình như một người đồng tính trong cộng đồng của họ” Do xã hội Hồng Kông rất tiến bộ, xem fim HK thấy không có sự fân biệt người đồng tính hay không đồng tính gì cả. Có nghe nói thôi (không biết đúng hay sai ) trương quốc vinh tự tử vì bị sida.

  9. 481112 Avatar
    481112

    Mình xem phim đã rất thích mà bạn có một review tuyệt vời như vậy. Đã thiệt. Rất cám ơn bạn.

  10. phuthuynho2001 Avatar
    phuthuynho2001

    phim này hay quá em mới coi hồi hôm qua

Leave a Reply