Babel, theo kinh cựu ước (cuốn Chúa sáng tạo ra thế giới), là tên của một ngọn tháp cổ mà con người muốn dựng lên để chạm đến thiên đường. Để trừng phạt sự cao ngạo của loài người, Thượng Đế đã làm phép cho con người không còn cùng tiếng nói, chính vì thế không còn ai hiểu ai và tháp Babel không bao giờ hoàn thành được. Babel trở thành từ để ám chỉ sự khác biệt về ngôn ngữ của con người, và đó cũng chính là ý tưởng chính của bộ phim.
Trong các phim của Alejandro, người xem phải tự sắp xếp những câu chuyện dường như rời rạc ban đầu, nhưng lại được kết dính lại ở cuối phim tạo thành một chuỗi sự kiện liên hoàn. Babel cũng xoay quanh bốn câu chuyện tưởng chừng như không có mối liên hệ nào, với những nhân vật khác biệt về văn hoá, sắc tộc, ngôn ngữ, trải dài từ vùng đồi núi hoang vu ở Marốc (châu Phi), sang thành phố Tokyo (châu Á) đông nghẹt người và những cao ốc lạnh lùng, rồi đến biên giới giữa Mỹ và Mexicô (châu Mỹ). Mỗi vùng đất mang một sắc thái riêng, một linh hồn riêng, một cảm giác riêng – từ tiếng gió hú giữa vùng núi trọc tẻ nhạt ở Marốc đến màu sắc tươi vui rộn ràng của một đám cưới mêxico sang đến cảm giác cách biệt, khác thường của Tokyo như chính sự tách biệt của đảo quốc Nhật Bản với phần còn lại của thế giới. Mỗi nhân vật lại nói một ngôn ngữ riêng, từ tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Marốc, tiếng Nhật Bản và cả ngôn ngữ ám hiệu dành cho người khiếm thính. Tất cả những điều đó làm nền tảng cho một bức chân dung về thế giới hôm nay với đầy những căng thẳng mà mỗi va chạm nhỏ tạo ra những rạn nứt dây chuyền. Mọi người đều muốn được nói, được bày tỏ, nhưng không ai lắng nghe ai, và dù có cùng chung một ngôn ngữ, người ta vẫn không thể hiểu được nhau.
Người xem bị đẩy đến sự căng thẳng tột cùng cùng với tâm trạng hoang mang của từng nhân vật. Đó là câu chuyện của hai anh em chăn cừu ở Marốc, với sự nông nổi của tuổi mới lớn đã ‘thử tầm xa’ của khẩu súng trường – dùng để bắn sói bảo vệ cho đàn cừu – bằng cách nhắm bắn một chiếc xe bus đang chạy trên đường để rồi bỗng trở thành ‘tội phạm lủng bố quốc tế’; là câu chuyện của một đôi vợ chồng người Mỹ sang châu Phi du lịch và người vợ vô tình bị đạn lạc, họ bị mắc kẹt giữa vùng hẻo lánh không có phương tiện để cứu chữa; là câu chuyện của một người phụ nữ Mexicô trông trẻ trở về quê nhà để ăn đám cưới của đứa con trai, mang theo hai đứa trẻ người Mỹ và lâm vào tình huống bi kịch không lường trước khi quay lại Mỹ; là câu chuyện của một cô gái Nhật khiếm thính với nhiều nỗi cô đơn, hoang mang và sầu muộn cất giấu trong lòng không thể bày tỏ ra bằng lời. Những bất trắc càng thêm căng thẳng không chỉ vì sự khác biệt về ngôn ngữ – khi mà những người Mỹ mắc kẹt ở châu Phi, hay cô gái Nhật khiếm thính không thể ‘nói’ bằng lời với những người xung quanh – mà chính là khi không ai lắng nghe họ. Đó là lúc những bạn đường của hai vợ chồng người Mỹ bỏ họ lại ngôi làng nhỏ, hay lúc những người cảnh sát ở biên giới Mỹ và Mexico bỏ ngoài tai những lời giải thích của người phụ nữ tội nghiệp đang hoang mang cùng cực vì lạc mất những đứa trẻ mà bà chăm sóc và yêu thương ở vùng hoang mạc nơi biên giới…
Dàn diễn viên của bộ phim quy tụ những ngôi sao Hollywood như Brad Pitt và Cate Blanchett (trong vai đôi vợ chồng người Mỹ), những diễn viên quốc tế như Gael Garcia Bernal, Adriana Barraza (Mexico) và Rinko Kikuchi (Nhật Bản). Brad Pitt đã có một vai diễn xuất sắc, rất bụi bặm mà cũng rất tình cảm, với những giọt nước mắt muốn nén vào trong mà cứ chực trào ra, khác hẳn hình ảnh lịch lãm thường thấy của anh. Nữ diễn viên truyền hình Mexico Adriana với lối diễn mộc mạc khiến người xem chia sẻ với tâm trạng của nhân vật, từ cung bậc hạnh phúc của người mẹ có con trai cưới vợ, của người phụ nữ lớn tuổi tìm được tình yêu ở tuổi xế chiều, rồi nhói lòng khi bà không thể nào giải thích cho cảnh sát hiểu hoàn cảnh của mình và bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ. Đặc biệt là nữ diễn viên Rinko Kikuchi, với một năm đi học ngôn ngữ người khiếm thị để vào vai Chieko, một cố gái mới lớn với rất nhiều bức xúc trong lòng kể từ sau cái chết của người mẹ mà cô chính là người phát hiện ra xác mẹ của mình đầu tiên. Bên cạnh đó là những ‘diễn viên’ không chuyên lần đầu tiên đóng phim nhưng diễn chân thật và xúc động như hai anh em cậu bé chăn cừu Marốc. “Đạo diễn diễn viên không chuyên là chuyện vô cùng khó khăn. Đạo diễn diễn viên không chuyên nói một ngôn ngữ mà bạn không hiểu là điều điên rồ nhất mà bạn có thể nghĩ ra.” González Iñárritu nói. Thế nhưng, như anh phát biểu trong đêm trao giải Quả cầu vàng 2007, khi đứng trên bục nhận giải Phim Tâm lý xuất sắc nhất, ‘Điện ảnh là một ngôn ngữ toàn cầu’. Và để hiểu nhau, trước hết người ta phải lắng nghe nhau.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.