Băng qua Thiên Hà

Mở màn bộ phim Across the Universe là hình ảnh một chàng trai ngồi cô đơn trên bãi biển đang nhìn về phía chân trời. Những đợt sóng biển đổ ập trên bãi cát được xen bởi những lớp lớp báo chí, tin tức về cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Việt Nam. Chàng trai quay lại, đôi mắt mơ màng buồn vô tận nhìn thẳng vào ống kính và cất lên câu mở đầu của ca khúc Girl của The Beatles:

Is there anybody going to listen to my story

All about the girl who came to stay?

(Có ai sẽ nghe câu chuyện của tôi, về cô gái đã đến ở lại đây?)

Julie Taymor, nữ đạo diễn từng nổi danh với bộ phim Frida, đã ‘’gợi ý’ ngay từ cảnh mở màn với khán giả như thế về Across the Universe, rằng bộ phim sẽ tràn ngập âm nhạc của Beatles với câu chuyện tình của chàng trai và cả câu chuyện của cả một thế hệ lạc lõng cô đơn mất phương hướng trước thời cuộc. Chàng trai, Jude (Jim Sturgess) là một nhân công khuân vác ở cảng Liverpool, mang nhiều dáng dấp của Paul McCartney và giọng hát hơi hướm của John Lennon, rời khỏi nước Anh để đến Mỹ tìm người cha không biết mặt của mình.

Trong suốt 130 phút phim, 33 ca khúc của The Beatles lần lượt được trình bày ‘thay lời muốn nói’ của các nhân vật. Tràn ngập âm nhạc. Tràn ngập hình ảnh ẩn dụ. Tràn ngập không khí rạo rực của tuổi trẻ trong một giai đoạn lịch sử của nước Mỹ khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam làm chia rẻ đất nước này. Các nhân vật trong phim (hầu hết được đặt tên theo các ca khúc của Beatles) là những bức chân dung tiêu biểu của thế những thanh niên sống trong những năm 1960: Jude (Hey Jude), chàng trai lãng tử đến từ Anh quốc bàng quan với chiến sự; Lucy (Lucy in the sky with Diamonds), cô sinh viên đến New York từ miền Trung nước Mỹ và tham gia những cuộc biểu tình chống chiến tranh khi người yêu của cô hy sinh trong cuộc chiến và người anh trai bị điều ra trận; Max (Maxwell’s Silver Hammer), anh trai của Lucy, một thanh niên nổi loạn xuất thân từ một gia đình khá giả đã rũ bỏ cuộc sống vật chất để đến New York tìm tự do cùng với Jude; Sadie (Sexy Sadie), cô ca sĩ chủ căn hộ mà Jude và Max thuê, mang nhiều dáng dấp của nữ ca sĩ Janet Josplin; Jojo (Get back), tay guitar tài ba rời bỏ quê nhà sau cái chết của đứa em trai đến New York và nhập ban với Sadie; và Prudence (Dear Prudence), cô gái cổ động viên gốc Á không dám bộc lộ cảm xúc thật sự của mình (mà sự xuất hiện của Prudence tại căn hộ ở New York khi cô chui vào qua cửa sổ nhà tắm cũng lấy ý tưởng từ một bài hát của The Beatles, She came in throught the bathroom window)…

Sau cái chết của người yêu ở chiến trường Việt Nam, Lucy rời quê nhà để đến New York, ở trọ cùng Jude và Max, làm quen với nhóm bạn hippie, đồng cảm với trái tim nghệ sĩ lãng mạn của Jude và tình cảm giữa cô và Jude dần nảy sinh. Những người bạn sống chung căn hộ nhỏ ở New York cùng trải qua những ngày tháng sôi động vui tươi, trên chuyến xe bus hippie của giáo sư Robert (nam ca sĩ Bono của nhóm U2 thủ vai), trong gánh xiếc quay cuồng của ngài Kite (do Eddie Izzard thủ vai), những đêm nhạc nhiệt thành của Sadie. Mọi ánh sáng tươi đẹp ấy nhanh chóng nhuốm màu xám xịt. Họ không còn đứng bên lề cuộc chiến tranh Việt Nam được nữa khi Max nhận được giấy gọi nhập ngũ. Câu chuyện phim chuyển sang một trang khác, với chủ đề phản chiến. Lucy tham gia những hoạt động chống cuộc chiến tranh phi nhân, trong khi Jude vẫn cắm đầu vào những tác phẩm hội hoạ của mình và thấy như bị bỏ rơi. Khoảng cách giữa họ dần lớn hơn, cho đến một ngày cuộc biểu tình bùng nổ thành cuộc bạo loạn ở sân trường đại học Columbia. Cảnh sát ập đến. Lucy và Jude chia tay từ đó.

Across the universe là một phim nhạc kịch Beatles với các ca khúc được hát gần như liên tục từ bài này sang bài khác. Đúng hơn, bộ phim gần như trở thành một tập hợp video clip các ca khúc của Beatles được làm mới, mà mỗi ca khúc lại mang trong nó một câu chuyện: câu chuyện về một chàng trai cô đơn kể về người con gái mà anh yêu (Girl); câu chuyện về những người sinh viên nổi loạn bày trò đùa giỡn trong những tháng năm học đường (With a little help from my friends); câu chuyện về những con người xa lạ cùng đến bên nhau, trở thành bè bạn ở New York (Come together – Joe Cocker thủ ba vai khác nhau khi trình bày ca khúc này); câu chuyện của một chàng trai nổi loạn bị đẩy vào quân ngũ, tham gia một cuộc chiến vô nghĩa ở một đất nước xa lạ (I want you, She’s so heavy); câu chuyện về những người bạn an ủi một cô gái bị tổn thương bởi tình yêu đơn phương và không thể thổ lộ trốn trong căn phòng để gặm nhấm nỗi buồn (Dear Prudence); câu chuyện về thái độ mỉa mai những hành động đấu tranh nông nổi của những người tham gia phản chiến (Revolution); và đương nhiên, câu chuyện tình yêu (All you need is love)

Điều thú vị trong Across the Universe chính là mỗi ca khúc được trình bày trong phim có thể không hề mang cảm xúc mà The Beatles từng nghĩ đến hay bất kỳ ai hâm mộ The Beatles từng nghĩ đến. Mỗi ca khúc vang lên lại mang nỗi niềm của một hoặc nhiều nhân vật. Chẳng hạn như Prudence hát ca khúc I want to hold your hand (Anh muốn cầm tay em), đó không còn là câu chuyện tình yêu trai gái, đó cũng không còn mang chút lạc quan yêu đời như bản nhạc nguyên thuỷ. Đó là một bản tình ca buồn bã về một cô gái thầm yêu một người bạn gái khác nhưng không dám ngỏ lời, không dám bày tỏ và dĩ nhiên, không thể nào cầm tay người mình yêu. Hay Let it be là lời nguyện cầu của em trai Jojo trong cuộc bạo động ở Detroit, rồi được ngân vang thành một bản đồng ca nhà thờ đưa tiễn linh hồn cậu bé.

Nhưng đọng lại nhất từ bộ phim chính là hình ảnh ấn tượng của bộ phim. Julia Taymor, rất nổi tiếng với vai trò chỉ đạo nghệ thuật cho vở nhạc kịch Vua sư tử ở sân khấu Broadway, đã đem đến những hình ảnh tạo hình độc đáo sáng tạo bất ngờ và khó quên. Chẳng hạn như cảnh Max được đưa đi khám sức khoẻ chuẩn bị nhập ngũ, tấm poster ‘Chú Sam’ chỉ ngón tay nói ‘I want you’ được minh hoạ bằng hoạt hình, chú Sam lao ra vồ lấy Max, rồi đẩy anh vào ‘lò huấn luyện’ với đội lính biệt kích trăm người như một; sau đó là cảnh những người như Max mặc quần lót khệ nệ khiêng bức tượng Nữ thần tự do băng qua cánh rừng Việt Nam (nếu trong nguyên bản,she trong câu she’s so heavy ám chỉ Yoko thì trong phim, she chính là Nữ thần tự do), xen lẫn cảnh nhảy múa trong một bữa tiệc cuối năm ở trường trung học; cảnh những quả dâu gắn trên bức tường của Jude chảy máu, anh nổi giận và ném chúng xuống sàn nhà, hoà lẫn hình ảnh những quả bom ‘dâu’ đầy máu rơi xuống cánh đồng Việt Nam, nơi mà Max đang chiến đấu được minh hoạ với ca khúc Strawberry field forever ; cảnh những cô y tá xinh đẹp quyến rũ (do một mình Salma Hayek diễn) chăm sóc cho những người thương binh Mỹ trở về từ chiến trương Việt Nam; màn ca múa hát cùng bầy rối và các hình ảnh thể nghiệm đầy màu sắc ở lều xiếc của ông Kite; và không thể không nhắc đến cảnh trình diễn balê dưới nước cực kỳ ấn tượng của chín nhân vật chủ chốt trong phim với ca khúc Because.

Thế nhưng, chủ đề phản chiến dù được nhấn mạnh trong suốt nửa chặng đường cuối phim, bỗng trở nên mất sức nặng bởi đoạn kết: Jude hát rằng ‘nothing gonna change my world’ (chẳng có gì thay đổi được thế giới của tôi), và ‘all you need is love’ (tất cả những gì ta muốn là tình yêu). Chẳng hề chi, bởi những người hâm mộ The Beatles hẳn vẫn thoả mãn với những gì họ được thưởng thức trước đó…


Posted

in

by

Comments

One response to “Băng qua Thiên Hà”

  1. rworks Avatar
    rworks

    một trong những phim hay nhất trong năm , hình ảnh đẹp ! Recommend !

Leave a Reply