Người ta sẽ chết như thế nào? Người ta có quyền lựa chọn cái chết của mình hay không? Và vượt lên trên tất cả là câu hỏi người ta sẽ đối diện với nó ra sao?
Có một cách tiếp cận với chủ đề cái chết một cách tương đối khác so với những film thường gặp: Battle Royale! Đạo diễn: Kinji Fukasaku dựa trên tiểu thuyết của Koshun Takami.
Nước Nhật những năm đầu thế kỷ XXI, chìm sâu trong cơn khủng hoảng nội tạng của sự phát triển thoái trào. Những giá trị xã hội căn bản đưa nước Nhật lên vị trí cường quốc khởi nguồn từ Minh Trị và thể hiện rõ nét nhất trong sau Thế chiến thứ hai đã không còn đọng lại trong tâm trí giới trẻ Nhật ngày nay! Những khái niệm như Karoshi – Chết vì làm việc quá sức đã trở nên lỗi thời trong sự hỗn lọan về tinh thần, hụt hẫng về lý tưởng, mất về niềm tin và mất định hướng về tương lai trong một xã hội mà kinh tế chao đảo, thất nghiệp tăng cao, giá trị gia đình truyền thống sụp đổ! Thành tố cơ bản quyết định tương lai của nước Nhật – thế hệ kế thừa này chìm đắm trong cơn ngủ đông băng hoại về tinh thần. Tỷ lệ bỏ học tăng cao, bạo lực học đường hoành hành, nổi bật nhất là sự nghi ngờ, chối bỏ và căm thù đối với người lớn.
Để đối phó với tình trạng trên, giới cầm quyền thông qua kế hoạch Millennial Reform School Act (còn gọi là Battle Royale Act). Kế hoạch dĩ độc trị độc Battle Royale được tổ chức hàng năm dựa trên sự chọn lựa ngẫu nhiên một lớp trung học để tham gia vào trò chơi sinh tồn Battle Royale, các thành viên bị cô lập trên một hòn đảo hoang, và bị cưỡng ép vào trò chơi mà chỉ có một người duy nhất được quyền tồn tại. Năm đó, lớp B của trường trung học Zentsuji “được” chọn.
Cuộc chơi định mệnh bắt đầu trên chiếc xe bus đưa họ đi dã ngoại được xông thuốc mê và sáng hôm sau 40 học sinh tỉnh dậy trong một ngôi trường bỏ hoang cùng với 2 học sinh lạ mặt nữa. Họ hoảng hốt phát hiện ra quân đội bao vây kín xung quanh, và trong sự kinh ngạc, thầy giáo cũ Kitano được sự hộ tống của quân đội bước vào tuyên bố luật chơi thông qua 1 băng video.
Trên hòn đảo 100 dặm vuông này, mỗi học được cung cấp nước, bánh mì, một bản đồ, một la bàn và một loại vũ khí ngẫu nhiên, đối với người này là tiểu liên hoặc súng lục, người khác là dao hay đơn giản chỉ là ống nhòm hay loa Trên cổ mỗi người đều bị đeo một cái vòng điện tử sẽ nổ tung trong 3 trường hợp: Tìm cách tháo ra hay vi phạm luật chơi, đi vào vùng cấm (hòn đảo được chia làm nhiều khu vực nhỏ, trong đó vùng cấm sẽ di động theo từng giờ khác nhau) và mọi vòng cổ sẽ nổ tung nếu sau 72 giờ còn lại nhiều hơn 1 người trong cuộc chơi. Hai học sinh đã bị giết ngay lập tức khi phản đối Kitano, trọng tài giám sát Battle Royale, minh chứng rằng Battle Royale không phải là câu chuyện tưởng tượng. Hai học sinh mới Kawada và Kiriyama là những tay chuyên nghiệp là nhân tố xúc tác để tăng tốc Battle Royale.
“Life is a game, so find out if you are worth it. Fight to win!” Kitano khuyến cáo mọi người và cuộc chơi bắt đầu khi người đầu tiên nhận vũ khí và rời khỏi phòng trong căng thẳng tột cùng. Họ tham dự cuộc chơi theo từng cách khác nhau:
Khao khát được sống bằng mọi giá, một vài cá nhân bắt đầu tìm và giết bạn bè mình, ngày càng chìm sâu vào cuộc săn say máu và thủ đoạn.
Sợ hãi và kinh hoàng trước cái chết, nhiều người tìm cách lẩn trốn, nhưng dường như sự lựa chọn này dường như không thể khả thi khi từng người một lần lượt bị hạ sát, vô tình hay cố ý.
Một số ít bàng quan trước cuộc chơi, coi nó như một ngày thoảng qua như những ngày khác, và vẫn tiếp tục nhịp sống thường ngày, coi cái chết như hoàng hôn tự nhiên sẽ đến khi ngày tàn, nhưng ngày mai mặt trời đâu còn mọc nữa.
Từ chối tham dự vào việc giết bạn bè và người mình yêu dấu cùng luật chơi tàn bạo, một số cùng nhau tự tử. Giải pháp giản đơn nhưng không phải ai cũng đủ can đảm để thực hiện.
Một số khác liên kết lại tìm cách thoát khỏi cuộc chơi, kêu gọi hòa bình và đoàn kết, hack hệ thống điều khiển trung tâm hay thụ động trông đợi vào một phép lạ sẽ không bao giờ đến. Đôi lần những tưởng ánh sáng đã ở cuối đường hầm nhưng cuối cùng mọi hy vọng le lói đều bị dập tắt bằng sự nghi kị hoảng loạn, ích kỷ và nhỏ nhen hay bị phá hủy bởi những nhân vật như Kiriyama coi Battle Royale như một trò giải trí đầy kích động cho bản năng sát thủ của mình.
Trung tâm của Battle Royale là sự nương tựa và mối tình thầm lặng của Shuya và Noriko. Họ cố gắng đứng ngoài cuộc chơi nhưng sẵn sàng lăn xả để bảo vệ nhau khi cần thiết. Gia nhập và dẫn dắt cả hai vượt qua mọi hiểm nguy sau đó là Kawada, người chiến thắng hay kẻ sống sót cuối cùng trong Battle Royale lần trước, trở lại cuộc chơi vì day dứt trước một câu hỏi. Trong cuộc chơi trước, khi chỉ còn Kawada và cô gái anh yêu sống sót, vào giờ điểm cuối cùng, khi hai cái vòng sắp nổ tung, không kiềm chế được cô gái đã bắn anh và nhận lại một viên đạn bắn ra trong ngỡ ngàng của Kawada. Trước khi chết, nàng nở nụ cười và bảo: Arigato – Cám ơn! Nụ cười ấy ám ảnh mãi Kawada. Qua tình yêu mà Noriko dành cho Shuya, Kawada cuối cùng hiểu rằng chính tình yêu đã hiện lên lần cuối trong nụ cười qua khoảnh khắc giữa sống và chết đó.
Battle Royale ngày càng khốc liệt và tên những người chết được thống kê vô cảm bởi Kitano qua hệ thống loa trung tâm. Danh sách ngày càng dài thêm trong không khí lặng câm ngẹt thở. Màu xanh của hòn đảo là đối trọng cân bằng với từng vệt máu đỏ thẫm. Trên loa, từng bản nhạc của Strauss, Schubert, Bach được dùng làm nền cho từng tiếng thét gào, đạn bắn. Trước bài phát thanh chết chóc của Kitano, trong sự tĩnh mịch bất động của trung tâm chỉ huy Battle Royale, là sự dìu dặt của điệu waltz Danube bleue và sau đó là những cái chết được điểm danh.
Film kết thúc không bất ngờ với concluding line “Run!”, một lời kêu gọi thức tỉnh nặng nề, đẫm máu! Và cũng tương tự đối với hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt Nhật, trong những thập niên gần đây đã không còn đảm bảo được truyền thống: Học cật lực, thứ hạng cao để vào những đại học hàng đầu và một việc làm chuẩn bị sẵn. Xa hơn nữa làviễn cảnh về một tương lai mù mịt, sự hội nhập lạc lõng vào xã hội của Người Lớn và sự sụp đổ của xã hội Nhật trước sự suy thoái về kinh tế và tinh thần.
Những niềm tin đã chết! Cũng tương tự như cái chết vô định của những học sinh lớp B của trường trung học Zentsuji! Liệu giải pháp shock đau đớn có giải quyết được tận gốc vấn đề hay không? Phải chăng chỉ có tình yêu và lòng tin là đủ mạnh để vượt qua? How will be the way we die ?
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.