Sau chuyến đi học 1 tháng ở Mỹ (do Quỹ Ford tài trợ), đoàn nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam gồm 15 người đã về nước. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà quay phim Phạm Hoàng Nam về chuyến đi này.
* So với những kỳ vọng trước khi đặt chân đến Mỹ, chuyến đi này có làm anh hài lòng?
– Vượt quá mong đợi ! Chúng tôi đã làm việc tuyệt đối đúng lịch trình. Phía Mỹ mời cả những nhân vật nổi tiếng giảng dạy cho đoàn. Giảng viên người Mỹ rất chu đáo, lịch sự, tận tình. Chúng tôi được xem nhiều, nghe giảng nhiều, và có thể hỏi bất cứ điều gì. Những hiểu biết còn lõm bõm nay được hệ thống lại, và chúng tôi may mắn được tiếp xúc với công nghệ mới. Thậm chí họ còn cung cấp những kiến thức hết sức mới mẻ – ngay cả với điện ảnh Mỹ – về điện ảnh số mà họ mới thử nghiệm và đang bắt đầu áp dụng.
* Đoàn có được tiếp cận với “kiểu làm phim Hollywood”?
– Chúng tôi học tại khoa Điện ảnh của Trường Đại học USC (do nhà làm phim nổi tiếng George Lucas – cha đẻ bộ phim Chiến tranh giữa những vì sao) tài trợ. Đây là nơi dạy làm phim theo đúng “đặc trưng Hollywood”, nghĩa là làm phim áp dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để tạo hiệu quả cho bộ phim. Chúng tôi đã sử dụng “phương tiện của Hollywood” để làm 4 phim ngắn như là những bài tập, và làm theo đúng kiểu Hollywood đang làm.
* Có điều gì làm anh thất vọng ?
– Có, ở chính chúng ta. Thứ nhất, nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam có trình độ ngoại ngữ quá hạn chế, buộc phải học qua phiên dịch. Mà phiên dịch của đoàn chỉ có 2 người, dù họ rất cố gắng nhưng do không phải là người trong nghề nên khó mà chuyển tải hết những vấn đề chuyên môn. Việc dịch thuật làm lãng phí rất nhiều thời gian, nếu có thể bỏ qua khâu này thì lẽ ra chúng ta đã học được gấp đôi. Thứ hai, người ta dạy rất nhiều kỹ thuật liên quan đến máy tính, trong khi nghệ sĩ điện ảnh VN gần như… mù tịt về máy tính, cả đoàn chỉ 3 người có thể sử dụng máy tính được. Do đó, chúng ta cũng không thể lĩnh hội và thực tập đầy đủ những gì họ giảng.
* Theo anh nghĩ, các nghệ sĩ có thể vận dụng được những điều đã học vào việc làm phim tại VN? Riêng anh, sắp tới anh sẽ làm đạo diễn phim Khi đàn ông có bầu (Hãng phim Phước Sang), những gì học được có tác động tới việc làm phim của anh sau này?
– Có vận dụng được hay không tùy thuộc vào sự tiếp thu của mỗi người. Như ngay khi làm phim bài tập tại Mỹ, có người cũng vẫn làm theo cách đã từng làm ở nhà. Các giảng viên không cố gắng thay đổi chúng tôi một cách hoàn toàn, họ chỉ nói rằng, đối với vấn đề ấy thì ở Hollywood làm thế này, thế này… Tuy nhiên, cũng có người trong đoàn nói học thì học thế thôi chứ chả áp dụng được gì; người khác bảo, Mỹ chỉ mạnh về tiền của với kỹ thuật chứ còn đầu óc, ý tưởng cũng… chẳng hơn gì mình. Riêng tôi, những gì học được chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ. Có điều là hiện nay khối lượng kiến thức ấy – không chỉ việc làm phim mà cả về phát hành, sử dụng nhân lực, tính chuyên nghiệp… quá nhiều và quá mới mẻ, tôi cần thời gian để hệ thống lại và tiêu hóa nó.
* Nếu có một chuyến đi học như thế này nữa, theo anh nên chọn người theo tiêu chí nào?
– Thành phần chủ yếu của đoàn lần này là đạo diễn và quay phim của các hãng phim nhà nước đã có đóng góp nhiều cho điện ảnh (không xét đến tuổi tác). Lần sau nên chọn những nghệ sĩ trẻ – họ biết ngoại ngữ, nhanh nhạy hơn khi tiếp cận với công nghệ mới, hơn nữa sau khi học thời gian cống hiến của họ cũng dài hơn.
Theo www.thanhnien.com.vn
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.