Nhắc đến Liên hoan phim Cannes, người ta nghĩ ngay đến giải thưởng Cành cọ vàng cao quý, tới tuần lễ giới thiệu toàn các phim thuộc hàng đáng chú ý trong năm, tới cả những người đẹp lừng danh thế giới làm sáng bừng cả tấm thảm đỏ vốn đã lộng lẫy và huy hoàng vì dù gì đi nữa, LHP Cannes vẫn là một trong những LHP hoành tráng nhất thế giới, đứng trên cả LHP Berlin, Đức và chỉ chịu nép mình sau LHP Venice, Ý.
Vì thế, những ai yêu chuộng các bộ phim mang nặng tính nghệ thuật và thấm đẫm triết lý nhân văn đều không thể nào bỏ qua sự kiện đặc biệt này. Những ai hâm mộ các người đẹp thế giới cũng chẳng thể nào làm ngơ với Cannes. Ai mà quên được một siêu mẫu Laetitia Casta, nàng Marianne của nước Pháp với cái bĩu môi hờn dỗi trứ danh, bước lên thảm đỏ Cannes 2001 trong bộ kimono của nhà thời trang Yves Saint Laurent, đẹp đến tê người. Hay hình ảnh người đẹp da màu Iman trong bộ đầm màu tím sen cùng chiếc vòng cổ hoàn toàn bằng kim cương trông như những cánh hoa mai trắng của nhà kim hoàn De Beers cũng đã lấy được biết bao lời ca tụng mặc dù đã 2 năm trôi qua.
Xét cho tường tận, LHP Cannes xứng đáng được xem trọng ngang hàng với giải Oscar. Tuy nhiên, ngoài đối tượng khán giả như đã nói ở trên thì Cannes chỉ có vị trí khá nhỏ trong tâm trí đại đa số người xem phim trên thế giới. Vì cứ hễ nghĩ đến giải thưởng điện ảnh lớn là người ta lại liên tưởng ngay đến Oscar; phim kinh phí lớn, kỹ xảo cao , ngoài mục đích doanh thu thì cái chốt vẫn là mong một lần được xướng danh trên bảng vàng Oscar. Sự thực thật quá cách biệt so với cách đây khoảng chục năm. Khi ấy, vị trí độc tôn của các liên hoan phim phải là của Cannes. Điều gì khiến Cannes lại trở nên yếm thế như vậy?
Một nguyên nhân lớn là do tại Cannes, chưa có sự dung hòa giữa nghệ thuật điển hình và thương mại. Cụ thể hơn là vẫn còn thiếu cái bắt tay giữa Cannes và Hollywood. Ít ra là trong chục năm vừa qua. Ngoài ra, LHP Cannes diễn ra ngay dịp hè, thời điểm mà thông thường, Hollywood chỉ tung ra những phim đơn thuần mang tính giải trí và thương mại. LHP quốc tế Toronto của Canada, tổ chức thường niên vào tháng 9, cùng với thời điểm mà Hollywood ráo riết chuẩn bị cho những ứng viên Oscar, có lẽ sẽ phù hợp hơn.
Không cần nói đâu xa, cái ủ dột của Cannes thể hiện rõ nhất trong kỳ liên hoan năm 2003 vừa qua. Vào thời điểm ấy, thảm đỏ không còn sức hút do thiếu vắng các tên tuổi lớn; danh sách đề cử cho các giải thưởng nhàm chán đến nỗi, giám khảo quyết định trao tất tần tật giải thưởng cho vỏn vẹn 3 phim đề cử. Bên cạnh đó, cuộc chiến Iraq càng rắc thêm màu đen cho bầu không khí ảm đạm này. Nỗi sợ khủng bố càng bó hẹp người ta vào sự rụt rè, nghi ngại. Mỗi ngày trôi qua tại Cannes 2003 lại dấy thêm một lần tranh cãi khi những phim mang tính chất bài Mỹ lại được đánh giá cao như Dogville của đạo diễn Lars von Trier hay Elephant của Gus Van Sant; còn xuất phẩm Mystic River, mang thân thế từ nước Mỹ, dù hay cực nhưng vẫn không kiếm được giải thưởng nào. Nói theo kiểu hoa mỹ thì năm 2003 đúng là một năm quá độ của Cannes. Sâu hơn nữa thì đó chính là năm điển hình của sự mâu thuẫn giữa LHP Cannes và Hollywood khi hàng loạt các phim bị chối từ ở Cannes như Mystic Rivers, The Matrix Reloaded hay Terminator 3 đều được chào đón nồng nhiệt trên toàn thế giới. Một câu hỏi được đặt ra: Hollywood và Cannes cần nhau đến mức độ nào?
Cần nhiều!
Hollywood là vùng đất sản sinh của trí sáng tạo thuộc vào loại hàng đầu thế giới. Còn Cannes là một liên hoan phim quốc tế, đại diện cho nghệ thuật cao cấp. Chuyện hai bên đến với nhau sẽ là lẽ thường tình và hiển nhiên. Cannes cần Hollywood vì họ muốn thu hút báo giới và truyền thông nhờ vào sự có mặt của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng thế giới. Hollywood cần Cannes vì họ muốn các tác phẩm của mình được đánh giá ở một tầm nghệ thuật cao hơn. Ngay cả đối với các đạo diễn đã có tên tuổi thì Cannes vẫn là miền đất hứa để họ quảng bá mình và các tác phẩm của mình rộng rãi hơn. Sự kết hợp giữa đôi bên sẽ là nét giao thoa tuyệt vời của nghệ thuật và tính chuyên nghiệp.
Có lẽ vì thế mà tại liên hoan Cannes năm nay, bắt đầu thấy xuất hiện cái bắt tay dĩ hòa của 2 bên. Với đạo diễn Quentin Tarantino, người từng đoạt giải Cành cọ vàng năm 1994 với Pulp Fiction, làm chủ tịch, hội đồng giám khảo đã để mắt đến các tác phẩm lớn của Hollywood là The Ladykillers, phim mới nhất của 2 anh em nhà Coen từng đoạt Cành cọ vàng, Joel và Ethan. Ngạc nhiên hơn nữa là Shrek 2, đứa em được mong đợi của phần 1 từng gây tiếng vang tại Cannes 2001. Ngoài ra, các phim chiếu mở màn và kết thúc cũng toàn các tác phẩm đáng chú ý, cả cũ lẫn mới, như Kill Bill Vol.2, Bad Santa, De-Lovely và thậm chí cả phim sử thi Troy. Cán cân quyền lực đang bắt đầu vào thế cân bằng. Mối giao hòa này hy vọng sẽ mở ra một tương lai mới cho cả đôi bên.
Bài viết của Hami
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.