Ta đang sống ở một nơi mà mọi người quanh ta đều hối hả. Có khi nào bạn thấy nhớ “con người” ngay cả khi đang bước đi cả trong một rừng người? Chúng ta đang chạy đua với nhau, để về đến một cái đích nào đó càng sớm càng tốt chăng? Đã bao giờ bạn có cảm giác mình bị rơi lại trên đường đua khốc liệt đó? Có lẽ khi ấy, bạn thèm được ai đó chạm vào mình, để biết rằng mình vẫn đang tồn tại.
Nhưng sự va chạm đó đòi hỏi một cái giá.
Chuyện là vầy. Có một vụ dùng súng uy hiếp để cướp xe của hai thanh niên da đen. Người phụ nữ bị cướp xe là người luôn có thành kiến với dân nhập cư; luôn cáu kỉnh và giận dữ vô cớ mỗi buổi sáng thức đậy. Có một tên cảnh sát lạm dụng chức quyền để quấy rối tình dục, gây rạn nứt cho một đôi vợ chồng. Có một ông già người Ba Tư luôn gắt gỏng và nghi ngờ những người chung quanh… Bức bối và ngột ngạt quá. Cuộc sống đã được vẽ lên như vậy đó. Nhưng ta thấy nó quen thuộc, vì ta đang sống với nó, sống ngay trong nó. Vì sao lại trở nên như vậy, cuộc sống ta sao lại xuống dốc như vậy? Tai sao chúng ta không thử tìm hiểu nguyên nhân? Cái gì đã làm cho ta phải chịu đựng trong im lặng?
Chúng ta phải nghĩ gì khi chung quanh đầy rẫy những ánh mắt nghi kị vì chúng ta là người da màu, là người nhập cư? Chúng ta phải làm gì khi những người quanh ta dần dà bị cuốn vào cơn lốc của sự bận bịu, của sự tất tả? Phải làm gì khi chứng kiến người thân ta chết dần chết mòn vì bệnh tật. Con người đã phải chịu đựng quá nhiều những tai ương. Tất cả những đau đớn đó, phải chăng là một sự trừng phạt? Không! Con người ta đã tự gây ra cho mình, bằng cách này, hay bằng cách khác.
Dễ thấy được trong phim, mỗi người đều phải đơn độc với cuộc hành trình của chính mình, ở một khía cạnh nào đó. Họ thèm khát có được một người bạn đồng hành, họ thèm khát sự giao lưu, và được thấu hiểu. Rồi số phận một ngày nọ đã đưa họ hội ngộ với nhau. Nói một cách nhẹ nhàng là hội ngộ, còn nói trằng ra, là họ đâm sầm vào nhau; để rồi kẻ chết, người bị thương; kẻ được người mất. Và đó là lúc, mỗi người được cho một cơ hội, để tự nhìn lại mình.
Những giây phút làm ta tê người đi, câm lặng; hay giật mình đến ứa nước mắt. Đó là lúc cả 2 người, kẻ bị làm nhục và người làm nhục trong khỏanh khắc thập tử nhất sinh. Thật là trớ trêu! Cuộc đời thuong hay có những trò đùa quá quắt. Tại sao cho đến lúc này, người ta mới tử tế với nhau? Thì có gì quan trọng hơn mạng sống ta đâu. Lúc đó, không còn chổ cho lòng ganh ghét, sự thù hằn, đố kị nữa…Phải chăng vì bản chất thật sự của con người ta, vẫn là những điều tốt đẹp?
Đó là lúc tiếng súng vang lên khi đứa con gái chạy ra với người cha. Đã biết kết cuộc, đã xem đi xem lại nhiều lần; nhưng lần nào tiếng sung ấy cũng làm cho ta phải thót người. Và dù rằng không phải là tiếng súng đại bác có sức tàn phá mãnh liệt, không phải là tiếng súng liên thanh giết hàng loạt người; nhưng nó lại là tiếng súng ám ảnh ta nhất. Như có một bàn tay vô hình lay ta thật mạnh, đưa ta ra khỏi cơn mê muội, để ta chợt bừng tỉnh và nhận ra sự hèn hạ, rẻ rúng của lòng ích kỉ. Cũng may, trong cái xấu xa đó, ta vẫn còn thấy an ủi vì sự hồn nhiên đến thánh thiện của trẻ con. Cái đẹp đó chợt ngời sáng, và nó nhắc ta nhớ đến một điều xưa cũ; rằng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”.
Đó là lúc người đàn bà của sự cáu kỉnh trượt ngã trên cầu thang. Tôi tự hỏi những bức bối, những bực dọc vặt vãnh chỉ mới một giây trước đó có còn khiến cô điên tiết hay không? Hay giờ đây chỉ còn là nỗi đau đớn về thể xác, nỗi bẽ bàng về sự đơn độc khi chung quanh không có một cánh tay nào để nâng cô dậy? Tôi thấy tội nghiệp, hơn là căm ghét, bởi vì tôi biết cô là nạn nhân của sự cô đơn, cô đơn ngay trong sự đầy đủ về vật chất.
Đó là một tiếng súng, à không, một phát súng lóe lên trong bóng đêm. Một đêm giá lạnh. Radio thì đang ngâm nga một khúc nhạc country. Giai điệu đó, giai điệu của những con người tự do, phóng khoáng. Một anh cảnh sát da trắng muốn sống chan hòa, không kì thị. Một anh da đen luôn vui vẻ, hồn nhiên; thích nhạc country và trượt băng. Cuộc hội ngộ của hai con người tự tại. Hai nhân vật có nhiều thiện cảm nhất trong bộ phim, nhưng phải chịu một kết thúc ít có hậu nhất. Lạ lùng thay, mọi người xung đột, nghi kị, ngờ vực nhau chính vì sự khác biệt; nhưng khi bắt đầu có sự cảm thông, bắt đầu có sự giao thoa; tình hình có khá khẩm gì hơn đâu?
Crash có nhiều điều bất ngờ quá. Không phải bất ngờ kiểu vỡ lẽ một bí ẩn nghiêm trọng, mà bất ngờ ở những cuộc “đụng độ”. Thấy móp xe, văng bánh, tưởng đâu có án mạng; vậy mà chỉ bị trầy trụa sơ sơ. Thấy quẹt nhau tí xíu, mà chấn thương, chết người. Bởi vậy khán giả bị tâng lên, nhồi xuống liên tục. Đó là điểm đặc biệt của phim, là cái tài của đạo diễn; dọn ra một đống bùi nhùi rối tinh, rồi thì đâu cũng vào đấy; gọn gang, sạch sẽ. Dù là để có được cái gọn gàng sạch sẽ đó, cũng phải hy sinh ít nhiều.
Bộ phim có một kết thúc tạm cho là dể chịu. Nhưng những điều đọng lại thì vẫn cứ rối, vẫn cứ chất chồng, vẫn làm ta hoang mang. Thì cuốc sống này vẫn là một trò xếp hình với những mảnh nhỏ lạo xạo mà cách giải mãi là một điều bí ẩn. À, theo như Einstein thì; cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được chính là cái bí ẩn từ cuộc sống. Và nếu bạn nhận ra mình đang trong một cuộc “đụng độ” giữa đời, thì hãy nghĩ rằng đó là lúc để kiểm chứng mình đang còn sống, hay đã chết.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.