Đ.

Vào thời điểm cuối những năm 50 đầu năm 60, Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp, khủng bố mạnh mẽ lực lượng cách mạng bằng các quyết định : “Dồn dân vào ấp chiến lược ”, “ rào làng lập ấp ”, ra bộ luật 10/59 “ Đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, sẵn sàng chém bất cứ ai bị nghi là cộng sản hay có dính dáng đến Việt cộng mà không cần xét xử ”, cùng với đó , chúng lôi máy chém đi khắp miền Nam để đàn áp các phong trào cách mạng. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho việc hoạt động của các chiến sĩ cách mạng miền Nam nói chung và tại Mỏ Cày- Bến Tre nói riêng.

Tại đây, sự xuất hiện của tên trung uý đồn trưởng Phi Hùng ( Hàn Thái Tú đóng ) với sự giúp đỡ của tên phó đồn tàn ác khát máu ( Quốc Trị thủ diễn ) đã làm cho tình hình cách mạng thêm phức tạp bội phần, bọn chúng thi nhau khủng bố, phá vỡ các cơ sở cách mạng, truy lùng các chiến sĩ cộng sản và chém đầu họ tại những nơi công cộng. Không lùi bước, người nữ anh hùng Nguyễn Thị Định ( Ngọc Dung đóng ) hay còn gọi là Ba Định – “ tên cộng sản nguy hiểm nhất của tỉnh Bến Tre ” vẫn cùng các đồng chí, đồng đội của mình không quản hiểm nguy, quyết tâm giữ vững mạch thông tin nối giữa các cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, bà còn phát triển ba công tác: đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và binh vận tại địa phương. Và người được bà tin tưởng giao cho công tác binh vận vận động binh lính mang súng về với cách mạng là cô gái trẻ Út Hường (Đinh Thoại Yến Vy đóng ) – con của một gia đình có truyền thống cách mạng lâu đời. Người yêu của Út Hường là Hai Rô – cũng là một chiến sĩ cộng sản – đã bị tên đồn trưởng Phi Hùng bắt giam và hãm hại ném xuống sông trong tình trạng bị trói nhằm giết anh bởi hắn đã yêu Út Hường và không muốn có sự tồn tại của Hai Rô cản trở tình cảm của hắn đối với Út Hường. Tuy nhiên may mắn thay, anh đã thoát chết do được một người lính đã giác ngộ cách mạng nới lỏng dây trói.

Lúc này, tình hình cách mạng đã có sự chuyển biến, Nghị Quyết XV của Trung ương Đảng đã đồng ý cho phép Bến Tre được đánh võ trang, sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Thời cơ đã đến, bà Ba Định đã dẫn dắt nhân dân Bến Tre vùng lên đánh chiếm đồn giặc, bắt những tên kẻ thù của nhân dân phải đền tội trong đó có tên đồn trưởng Phi Hùng và tên phó của hắn.

Bộ phim Đêm Bến Tre là bản anh hùng ca của người dân miền Nam nói chung và của tỉnh Bến Tre nói riêng. Bên cạnh việc miêu tả một thời kỳ oai hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Bến Tre, bộ phim còn làm nổi bật hình tượng người nữ anh hùng – nữ tướng Nguyễn Thị Định, người đã dẫn dắt các phong trào quần chúng nhân dân Bến Tre đứng lên đập cho thế lực thù địch, phản cách mạng những đòn mạnh mẽ nhất, gây cho kẻ thù tâm lý khiếp sợ và nể phục lực lượng cách mạng Việt Nam .

Bộ phim Đêm Bến Tre còn là sự thành công về diễn xuất của các diễn viên Quốc Trị ( trong phim này anh còn kiêm công tác trợ lý đạo diễn và chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên ), Thương Tín ( dù anh xuất hiện rất ít trong vai chú của tên trung uý đồn trưởng Phi Hùng ) và các diễn viên trẻ như Yến Vy, Hàn Thái Tú cũng có sự nhập vai khá tốt đặc biệt là diễn viên Yến Vy. Điều đáng tiếc là tuy là nhân vật trung tâm nhưng diễn viên Ngọc Dung trong vai bà Ba Định lại không được kịch bản tạo cho nhiều đất diễn, điều này đã làm giảm đi vai trò của nhân vật trước cuộc tình tay ba Phi Hùng-Út Hường-Hai Rô. Tuy bộ phim vẫn còn mắc phải một số lỗi nhỏ như : các xác chết khi bị ném xuống sông trong tư thế bị trói nhưng ở cảnh sau xác chết lại nổi lên ở tư thế tay chân duỗi thẳng đơ hay một số hành động thiếu nhất quán của các nhân vật…..nhưng vẫn nên ghi nhận sự cố gắng của đạo diễn –NSND Trần Phương trong việc dựng lại một thời kỳ lịch sử cách mạng anh hùng đã diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ. Đây là công việc khá vất vả không chỉ bởi sự kiện đã diễn ra được một thời gian khá lâu mà đây còn là đề tài ít được xuất hiện trong các tác phẩm của điện ảnh Việt Nam

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện riêng với cô Phạm Thị Hồng Phượng, cô là người biên tập kịch bản và là chủ nhiệm của đoàn làm phim trong quá trình thực hiện. Cô tâm sự:

Cứ 5 nãm một lần Bộ Quốc Phòng tổ chức cuộc thi sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng , và hình tượng người lính. Về lĩnh vực điện ảnh cũng nhận được nhiều kịch bản của các nhà văn gửi. Trong đó cô có đọc được kịch bản của nhà văn Vũ Thanh Giang ( Kịch bản đoạt giải B, không có giải A ), ông là người Bến Tre , và kịch bản ông viết là “Lửa hương rừng dừa”. Đọc kịch bản cô rất là cảm động , đề tài về vấn đề Đồng Khởi đã qua đi rất lâu ,và đề tài này ít được nhắc tới trên đài báo trong những ngày kỷ niệm Đồng Khởi.

Trong lịch sử, Đồng Khởi có một vị trí rất quan trọng đó là bước ngoặt của cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, mở ra một lối đánh mới, nó là điển hình của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Từ Đồng Khởi đã sản sinh ra một đội quân đãc biệt mà chỉ Viêt Nam mới có , đó là ” đội quân tóc dài “. Đồng Khởi là sức mạnh ý chí của nhân dân. Bọn cô suy nghĩ là nếu không làm phim về giai đoạn lịch sử quan trọng như vậy , đề tài này nếu lên phim sẽ rất hẫp dẫn , và nếu tổ chức tốt công tác tuyên truyền để giới thiệu về bộ phim thì cô nghĩ bộ phim sẽ thu hút được một số lượng khán giả. Sau duyệt kịch bản bọn cô đã quyết định mời bác Trần Phương, lí do mời đạo diễn Trần Phương theo cô nghĩ là vì ông đã làm rất nhiều phim về đề tài chiến tranh. Tuy là về chiến tranh nhưng vẫn rất tình cảm. Vì vậy cô nghĩ đối với phim về đề tài chiến tranh như phim này cũng phải có một đạo diễn có góc nhìn như thế mới được , chứ nếu mình làm không khí chiến tranh quá , phim sẽ gân guốc quá , sợ không thể chuyển tải hết , và người xem sẽ khó chấp nhận. Điều quan trọng là sẽ không phản ánh đúng sự thật, con người trong chiến tranh không khô cứng như thế, nếu khô cứng như vậy thì sẽ không thể giành được độc lập.

Từ đó bọn cô đã mời bác Trần Phương và cô đã may mắn được giao biên tập kịch bản này , cô cũng có suy nghĩ và quan điểm giống với đạo diễn Trần Phương , tức là làm phim phải rất đời thường , các nhân vật như từ trong cuộc sống đi lên màn ảnh. ThờI gian bấm máy bộ phim từ 4/12/2002 đến 31/12/2002 thì đóng máy. Nhưng thật ra khâu chuẩn bị trước đó hơn 1 năm , chuẩn bị về kinh phí là một phần nhưng cơ bản là chuẩn bị về kịch bản.

Về diễn viên ngay từ đầu trong hội đồng đã đưa ra rất nhiều diễn viên, với vai bà Ba Định có người đã đề cử diễn viên Quách Thu Phương đóng , có người bảo cho Lê Vi đóng , có người bảo Hà Xuyên đóng. Nhưng ngay từ phút đầu tiên cô và đạo diễn Trần Phương đã nhất trí vai bà Ba Định sẽ phải do diễn viên Ngọc Dung đóng , chị có một gương mặt rất cương nghị , và ngoại hình của chị cũng rất giống với bà Ba. Tuy nhiên khi đặt vấn đề với Ngọc Dung thì chị rất thích , nhưng lúc đó chị vừa mới sinh em bé nên ngoai hình đã không phù hợp với nhân vật. Về sau trong quá trình làm kịch bản, thời gian cũng qua đi, đến khi điện cho Ngọc Dung chị vẫn bảo là vẫn thích đóng nhân vật này. Cô thấy ngoại hình chị vẫn không phù hợp nên đã quyết định mời diễn viên Kim Ngân trong Tp.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên trong quá trình thử vai cô vẫn không ưng , mãc dù chị có khuôn mãt trái xoan , khôi ngô rất có khí chất Nam Bộ nhưng cô có cảm giác khi Kim Ngân vào vai sẽ không được. Sau đó đến phút cuối cùng cô có gãp lại chị Dung và thấy rất bất ngờ vì ngoại hình của chị hiện nay rất phù hợp với vai diễn. Diễn viên Ngọc Dung tâm sự “Em muốn đóng vai cô Ba Định quá, cho nên em phải luyện tập để gầy đi như thế này”.

Về diễn viên Hàn Thái Tú, lúc đầu bọn cô định chọn ca sĩ Quang Vinh nhưng khi gặp mặt thấy Quang Vinh không có được chiều cao hợp với vai này nên bọn cô đã chuyển sang ca sĩ-diễn viên Hàn Thái Tú, anh đã nhập vai khá tốt, nhất là anh chỉ mới gia nhập bộ môn điện ảnh này không lâu. Về các nhân vật, bọn cô quan tâm nhất đến nhân vật đồn trưởng Phi Hùng, nếu vai này của anh không đóng được thì coi như vứt cả bộ phim, vai Út Hường không đóng được cũng vứt phim , vai chị Định không đóng được cũng vứt phim. Đây là điều đặc biệt , các phim khác có thể thế này thế kia vào được nhưng riêng bộ phim này thì một trong ba nhân vật đấy thì không thể thay đổi vì rất quan trọng.

Trong “Đêm Bến Tre” bọn cô gửi gắm rất nhiều vào nhân vật Út Hường chứ không nhấn nhiều vào vai Ba Định. Bởi vì thực ra trong thời gian từ nãm 1959 đến 1960 tình hình cách mạng rất khó khãn , lúc đấy chị Ba Định mới chỉ là tỉnh uỷ viên thôi , chứ không phải là Bí thư tỉnh uỷ , và chị đã thay mặt bí thư tỉnh uỷ đi nhận Nghị quyết Trung Ương XV. Vì thế vai trò của chị Định trong gian đoạn đó nếu mà nổi quá thì người xem sẽ không chấp nhận. Dừng ở mức ảnh hưởng của nhân vật Ba Định trong phim là được, vì thế có khán giả đã thắc mắc vai trò của bà Ba trong phim hơi mờ nhạt , nhưng các nhà làm phim không thể làm khác được. Nếu làm phim về bà Định thì vấn đề có thể sẽ khác , nhưng trong phim này bà Định như biểu tượng cho Đảng ,cho Cách Mạng. Trong phim, đoàn làm phim muốn nhấn đến nhân vật Út Hường , bà má ,Hai Rô những số phận con người nằm trong bối cảnh lịch sử đấy. Mặc dù số phận của họ mỗi người mỗi khác nhưng tất cả đều khát khao đến với cách mạng.

Các vai diễn quần chúng nhân dân trong phim, đều do người dân sống tại Bến Tre đóng. Bà con rất nhiệt tình chứ về thù lao vai diễn đoàn làm phim không có nhiều. Tiền làm phim rất ít nhưng may mắn là có sự nhiệt tình của bà con , và họ là nhân tố tác động làm cho cả đoàn không thể không cố gãng được , lúc nào cũng phải cố hết sức để đền đáp lại tấm lòng của bà con nơi đây. Khi mang phim vào Bến Tre chiếu, bà con rất thích. Hãng phim Quân Đội đã làm thêm một bản phim để tặng bà con Bến Tre. Trong quá trình làm phim đoàn làm phim đã tiết kiệm chi tiêu và dư ra một số tiền 18 triệu. Đoàn đã đưa cho bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bến Tre , số tiền đó dành để xây nhà tình nghĩa tặng một bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Đây là một việc rất có ý nghĩa với đoàn làm phim.

Một vài chuyện bên lề:

1: Kinh phí làm phim là 1,3 tỷ ( chứ không phải là 1,5 tỷ như báo Điện ảnh TP HCM số mới nói đâu )

2: Diễn viên Yến Vi cũng không phải là sự lựa chọn đầu tiên, Thanh Thuý được nhắm cho vai diẽn này nhưng nhà sản xuất nhận thấy Thanh Thuý có nét cứng rắn hợp với nhân vật ( thể hiện ở cảnh Út Hường nghênh mặt với đồn trưởng Phi Hùng ) nhưng cô lại không có được sự ngây thơ mà ở nhiều cảnh khác diễn viên phải thể hiện. Vì vậy mà Yến Vi được chọn.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply