Đại dương mênh mông

Không hiểu sao đại dương đối với các nhà điện ảnh luôn là nỗi kinh hoàng, thảm hoạ và sự bí ẩn. Thế nhưng chúng ta vẫn yêu thích biển, phải không?

ĐẠI DƯƠNG MÊNH MÔNG…


TỪ THUỶ QUÁI…

Nhiều người vẫn chưa quên được nỗi sợ hãi của họ khi xem bộ phim Jaws (Hàm Cá Mập) của Steven Spielberg (xếp thứ hai trong một trăm phim kinh dị hay nhất mọi thời đại, đoạt 3 trong 4 đề cử Oscar năm 1975, kéo theo sau đó phần 2 và hàng loạt phim ăn theo khác). Cảnh mở màn của phim là cảnh đáng ghi nhớ và kinh hoàng nhất: một đám thiếu niên tổ chức tiệc quây quần quanh đống lửa trên bờ biển. Một cô bé trong bọn tách ra, chạy ào xuống nước…Bóng hình cô ngụp lặn loang loáng trên mặt nước đầy sảng khoái. Bỗng nhiên, cơ thể của cô bị kéo mạnh xuống rồi bị giật qua giật lại trên mặt biển đang lấp lánh bóng của con cá mập. Cô gái gào lên “Chúa ơi hãy cứu con”, nhưng mặt biển đã trở nên tĩnh mịch và yên lặêng đến đáng sợ… Bộ phim đẩy nỗi sợ của con người về loài cá mập trắng đến tột cùng, khi bãi biển Amity tràn ngập người đến nghỉ mát trong tuần lễ 4/7 dù viên cảnh sát Martin Brody đã cố gắng ngăn cản. Con cá mập luôn tấn công bất ngờ, nhanh đến mức mọi người chẳng tài nào nhận ra sự có mặt của nó…Brody cùng Matt Hopper, chuyên gia về sinh vật học và Quint, bậc thầy nghiên cứu cá mập quyết đối đầu với hung thần biển cả…

Cũng cùng đề tài với Hàm Cá Mập, Deep Blue Sea (Biển Xanh Sâu Thẳm) là thảm kịch của những nhà nghiên cứu khoa học dưới đáy biển. Họ gồm 6 người cùng nhau nghiên cứu về một chất được trích ra từ não cá mập có thể chữa được ung thư não ở người. Để có thể lấy được chất này với số lượng nhiều, họ đã tìm cách nuôi cá mập dưới đáy đại dương và kích thích để nó phát triển (mỗi con cá mập nặng 4 tấn, dài 30m!!!). Không may, chúng trở nên quá thông minh và quay lại tấn công những con người nhỏ bé giữa lòng đại dương này. Một bài học cho con người: đừng bao giờ làm thay đổi tự nhiên, nếu không sẽ phải trả giá đắt.

Tương tự nội dung là Shark Attack, Octopus, Deep Rising… Tuy vậy, những bộ phim này chỉ dừng ở mức giải trí đơn thuần với sự chống chọi giữa người và những quái vật biển khổng lồ và cả với những con người trong tình thế hiểm nghèo đã lộ bộ mặt giả dối xấu xa của mình…

ĐẾN THIÊN TAI…

Nếu nói về những tai nạn do thiên nhiên gây ra trên biển, chắc chắn mọi người sẽ phải nghĩ đến tai nạn thảm khốc do va phải băng trôi của tàu Titanic…Điều đáng sợ nhất mà nếu chỉ xem qua bộ phim một lần, phần lớn chúng ta khó cảm nhận được bởi có quá nhiều tình tiết hấp dẫn khác của phim đã che phủ, là sự trơ trọi của hàng trăm người nhỏ bé giữa đại dương mênh mông. Có lẽ bạn sẽ bật cười khi đọc thấy sự mâu thuẫn giữa “trơ trọi” và “hàng trăm người”, nhưng thật sự những con người này hoàn toàn bị cô lập, cách ly nhau giữa đêm tối mịt mù của biển… Họ đã chết ra sao? Không ai biết, không ai cảm thấy…Nhưng khi nhìn những xác người trắng bệch và cứng đờ ra trôi lềnh bềnh, ta bỗng rùng mình sợ hãi. Hãy tưởng tượng mình đang trôi giữa biển băng lạnh buốt như thế, cái chết đến gần kề từng phút giây, bạn sẽ cảm nhận được sự khủng khiếp của biển cả…

Con người gần như bất lực trước biển cả, trước những thảm hoạ mà không ai ngờ trước, nhưng họ vẫn chiến đấu với mọi sức lực và viết nên bản hùng ca. Đó chính là chủ đề chính của bộ phim Perfect Storm (Cơn Bão Hoàn Hảo), cơn bão kết hợp cùng một đợt khí lạnh khủng khiếp chưa từng có đã nuốt chửng con tàu của thuyền trưởng Billy Tyne. Lẽ ra đoàn thuỷ thủ đã không ra khơi bởi mùa đánh cá đã hết, lẽ ra họ đã quay về vì tìm mãi mà không thấy cá đâu, thế nhưng Billy vẫn quyết tìm một mẻ cá lớn để cậu thuỷ thủ Bobby có đủ tiền làm đám cưới…Những lần đánh cá nguy hiểm giữa biển khơi làm gợi nhớ hình ảnh Ông già và biển cả của Hemingway, làm ta thấy sức mạnh của con người nhỏ bé giữa đại dương mênh mông có thể chế ngự được thiên nhiên hung dữ. Nhưng tàu Andrea Gail không hề biết gì về cơn bão đang kéo đến. Họ bị nhấn chìm giữa những cột sóng biển khổng lồ.

Chiến đấu với những trận Cuồng Phong Trắng (White Squall) ngay giữa biển, thuỷ thủ – học trò của thuyền trưởng Christopher “Skipper” Sheldon chỉ là những cậu thiếu niên mười tám hai mươi. Học kỳ trên biển đem lại cho những người bạn trẻ biết bao điều mới mẻ, những khám phá mới về thế giới bên ngoài và chính bản thân bên trong mỗi người. Rồi bão ập tới, họ chống chọi với cơn cuồng nộ của thiên nhiên trong sự tuyệt vọng…Vài người chết để vài người sống, sống với nỗi ám ảnh. Tuy vậy, khi toà án xét xử viên thuyền trưởng vì đã không đảm bảo an toàn cho những học sinh của mình, những đứa học trò đã kiên quyết tranh đấu cho ông để ngày nay, những học kỳ trên biển vẫn tiếp tục phát triển và đem lại kiến thức, sự giao lưu cho bạn trẻ khắp năm châu.

Một điểm thú vị nhất là cả ba bộ phim nói về những thiên tai trên biển đều dựng từ câu chuyện có thật. Nếu nỗi sợ về thuỷ quái chỉ là hoang đường thì sự tàn phá của thiên nhiên không bao giờ chỉ là phim cả. Và nếu sức mạnh con người trong cuộc chiến với thuỷ quái, dù luôn chiến thắng, chỉ là giả tạo thì chính sức mạnh con người đối chọi với biển cả, dù trả giá bằng cả sinh mạng, mới phi thường và mạnh mẽ làm sao…

PHAN XI NÊ


Posted

in

by

Comments

2 responses to “Đại dương mênh mông”

  1. neo Avatar
    neo

    water world tuy là phim toàn về nước và biển, nhưng chủ đề lại ở khía cạnh khác: sự trắng xoá của nước. Vì không còn khái niệm đất liền nên khái niệm đại dương cũng không, bên cạnh đó yếu tố đại dươgn trong phim không được đề cập

    titanic có được nhắc một cách trân trọng ngay ở đầu phần 2 “có lẽ không thể không nhắc tới thảm khốc của tàu titanic…”, bạn đọc lại nhé !

  2. strumpfucini Avatar
    strumpfucini

    U?a, sao kho^ng nghe nha(‘c dde^’n Water World cu?a Kevin Costner va` Titanic ? 2 film na`y cu~ng related to “bie^?n ca? kinh hoa`ng”, “dda.i du*o*ng me^ng mo^ng” dda^’y.

Leave a Reply