Được đánh giá cao qua hai bộ phim Cha con mắt mèo, U14 – Đội bóng trong mơ, đạo diễn Lâm Lê Dũng đang thực hiện tiếp một phim nhựa về giới trẻ, mang tên Gió thiên đường, do hãng phim Giải phóng sản xuất. VnExpress đã trao đổi với anh về bộ phim này.
– Kịch bản “Gió thiên đường” so với ban đầu có nhiều chỉnh sửa, anh có thể cho biết tại sao?
– Đây là một chuyện tình tay tư, xảy ra giữa 1 nam và 3 nữ. Trong đó có tình cảm bốc đồng, đau khổ, sâu lắng của những thanh niên bắt đầu bước vào đời. Kịch bản này được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn nữ Trần Thùy Mai.
Tác giả văn học tập trung nói về các bạn trẻ Huế những năm 1960, nhưng khi chuyển thành kịch bản phim tôi muốn chuyển toàn bộ cốt truyện, quan hệ, kịch tính, diễn biến tâm lý sang năm 2005 cho nó gần gũi, thực tế với cuộc sống của thanh niên hiện đại. Tôi thích nếu nó xưa thì xưa hẳn, hiện đại thì hiện đại hẳn. Với lại kinh phí Nhà nước thì có hạn, nếu kịch bản xưa mà mình làm không tới thì sẽ hỏng. Chuyển sang bối cảnh hiện đại thì chắc chắn sẽ thành công hơn.
– Thông qua “Gió thiên đường”, anh muốn nhắn nhủ điều gì cho các bạn trẻ hiện nay?
– Thông điệp tôi dành cho các bạn trẻ chính là tình yêu, vì theo tôi tình yêu là quan trọng nhất. Tình yêu thì mỗi người nghĩ theo một kiểu. Tôi chỉ kể lại một câu chuyện tình nhẹ nhàng, dễ thương và thú vị, tất nhiên cũng không phải đúng 100% với thực tế. Mình cũng phải chắt lọc những cái đẹp trong cuộc sống, những câu hỏi nào mà các bạn thanh niên chưa trả lời được, gợi lên cho họ tự giải đáp, tự tìm hiểu. Nếu không thì bật ra một hướng nào đó, để cho họ tìm lối thoát.
– Bộ phim ban đầu lấy tựa là “Buồn ơi! Chào mi”, tại sao sau lại đổi là “Gió thiên đường”?
– Như vậy là lấy nguyên tựa truyện, nhưng tôi thấy tên Gió thiên đường vẫn mông lung quá. Có thể sẽ đổi thành Ngày tình yêu cho hấp dẫn hơn. Còn Buồn ơi! Chào mi thì lại trùng với tác phẩm văn học nổi tiếng của một nhà văn Pháp.
– Mọi người nói anh thích hợp với các đề tài trẻ trung, vậy theo anh làm phim về giới trẻ yếu tố nào là quan trọng nhất?
– Có rất nhiều yếu tố quan trọng như kịch bản, dàn dựng, quảng cáo và phát hành, nhưng tôi gói gọn lại một yếu tố, đó là bây giờ mình làm cái gì cũng phải nghiêm túc, thực tế và gần gũi với cuộc sống một chút. Có thể trong hãng hiện nay tôi là người trẻ nhất, tâm hồn vẫn còn trẻ trung nên mọi người gán cho tôi như vậy.
– Trong phim, anh chọn những người chưa đóng phim bao giờ như người mẫu Trịnh Minh Cương, Hoa hậu Bùi Thị Diễm, phải chăng là muốn lăng xê gương mặt mới?
– Quan điểm sáng tác của tôi là thích cái gì đó mới mẻ, bất chợt hiện lên, chứ không thích những thứ có sẵn. Tôi không hề có ý định tạo ra một siêu sao mà chỉ muốn giới thiệu đến cho khán giả những khuôn mặt mới với cách diễn mới lạ. Các phim sau của tôi cũng sẽ là những diễn viên mới.
– Là một đạo diễn ca nhạc có tiếng, sao anh lại chuyển sang làm phim truyện?
– Thứ nhất là tôi không có thời gian. Thứ hai là vì 2-3 năm nay video clip ca nhạc đang bị khủng hoảng. Một bộ phim ca nhạc nghiêm túc đầu tư ít nhất cũng phải 500 triệu đồng nhưng vừa phát hành hôm trước thì hôm sau đã có đĩa lậu, làm cho các hãng băng không dám đầu tư. Điều này dẫn đến hiện tượng các ca sĩ trẻ tự bỏ tiền ra, vay mượn hay nhận sự bảo trợ của một bầu sô nào đó để làm video clip nhằm thăm dò thị trường, nên chất lượng cứ tụt dần xuống. Họ quay bằng mọi hình thức miễn sao cho có hình là được. Làm một phim ca nhạc từ 30 triệu đồng xuống còn 2-3 triệu đồng một bài.
– Bộ phim “U14 – Đội bóng trong mơ” anh phải bỏ thêm tiền túi ra làm, suýt chút nữa không thu hồi lại được. Nếu phim này cũng phải bỏ tiền túi ra nữa thì anh có tiếp tục làm phim?
– Phim trước tôi phải bỏ vốn ra bởi tôi thấy số lượng diễn viên quần chúng cần nhiều, dàn dựng phải quy mô, bối cảnh hoành tráng vì đây là mấu chốt của phim. Hơn nữa, đó là phim đầu tay của tôi với hãng phim Giải phóng. Tôi biết chắc chắn Cục Điện ảnh sẽ hoàn trả nên mạnh dạn lấy tiền gia đình đầu tư. Bỏ ra hơn 100 triệu đồng, cuối cùng Nhà nước đã hoàn trả đầy đủ. Còn phim này chắc sẽ không cần đầu tư thêm vì mức hỗ trợ của Nhà nước cũng tạm đủ.
– Được sự hỗ trợ của bà xã, vậy khi làm việc chung với chị anh cảm thấy như thế nào?
– Tôi với bà xã cùng học chung một khóa đạo diễn nên cũng hỗ trợ cho nhau rất nhiều trong công việc. Chúng tôi thường hay tranh luận với nhau để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất cho công việc. Một mình suy nghĩ có khi sai nhưng có người khác để tranh luận thì vấn đề đúng hơn.
Ảnh (Kim Hoàn): Đạo diễn Lâm Lê Dũng.
T.P.
Nguồn: http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2005/03/3B9DB90B/
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.