Với một đoạn quảng cáo ấn tượng của phim Đêm ở bảo tàng với đám quái thú khổng lồ chạy tung tăng khắp nơi giữa New York, người xem dễ liên tưởng đến bộ phim Jumaji cách đây vài năm của Robin Williams. Thế nhưng, Đêm ở bảo tàng không rùng rợn như Jumaji mà nhẹ nhàng, hài hước và xen lẫn chút xúc động.
Đêm ở bảo tàng ra mắt trong dịp Giáng Sinh và đối tượng khán giả chủ yếu là thiếu nhi (dĩ nhiên, cùng với phụ huynh), vì thế nó gom hết tất cả những gì con nít yêu thích: bộ khung xương khủng long quẫy đuôi rối rít như … con chó, voi mamút đi lang thang giữa bảo tàng, quân La Mã đánh nhau với cao bồi Viễn Tây, tượng đá đầu người mê nhai kẹo ca su và thổi bong bóng! Ben Stiller, lần đầu tiên đóng phim dành cho thiếu nhi (trước đó, anh cũng từng lồng tiếng cho phim hoạt hình Madagascar), vào vai Larry Daley, một người đàn ông thất nghiệp, đã ly dị vợ và đang phải cố gắng giành lại niềm tin từ đứa con trai nhỏ của mình. Larry nhận lời chân gác đêm tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở New York, bất chấp rằng công việc này từng có bao nhiêu người nhận làm sau một đêm rồi… bỏ việc ngay sáng hôm sau. Gặp ba người bảo vệ già của bảo tàng để bàn giao công việc, Larry hoàn toàn không hiểu được ánh mắt kỳ lạ của họ, những lời khuyên kỳ lạ của họ cùng cuốn sổ cẩm nang ‘cứ mở ra và làm theo từng bước nếu có sự cố xảy ra là ổn”. Ngay khi đồng hồ điểm nửa đêm, ‘sự cố’ xảy ra: tất cả mọi hình sáp trong bảo tàng bỗng hồi sinh nhờ vào phép lạ của một phiến đá Ai Cập cổ đại. Larry kinh hoàng khi thấy bộ xương khủng long đi… uống nước và rượt đuổi anh, đám người Mông Cổ với búa rìu trong tay rượt đuổi anh, đám cao bồi viễn Tây tí hon bắt trói anh và con khỉ Dexter ‘đáng yêu’ thì thó mất chìa khoá của anh và xé toạc cuốn cẩm nang hướng dẫn cách thoát khỏi tình cảnh này… May mắn thay, vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ, Teddy Roosevelt (Robin Williams thủ vai) đã giúp anh thu xếp mọi việc trước khi mặt trời mọc. Lời nguyền cổ đại phán rằng, nếu bất kỳ sinh vật nào trong bảo tàng này rời khỏi bảo tàng và không quay lại kịp trước khi mặt trời mọc, chúng sẽ hoá thành tro bụi.
Khi bình mình ló dạng, mọi thứ trở lại như cũ. Larry quá sợ hãi để tiếp tục công việc này, nhưng anh lại không thể bỏ công việc này bởi không muốn con trai anh nghĩ rằng cha mình là kẻ vô công rỗi nghề. Larry hiểu rằng, nếu muốn tồn tại ở bảo tàng này, anh phải hiểu được lịch sử, những câu chuyện về những nhân vật được trưng bày bên trong bảo tàng này. Anh tự tin trở lại bảo tàng vào đêm thứ hai, đem bật lửa tặng cho đám người nguyên thuỷ, mang kẹo cao su cho bức tượng đầu người của đảo Easter, khuyên nhủ hai phe lính Nam – Bắc trong cuộc nội chiến đừng bắn nhau nữa vì sự thật thì quân Nam Mỹ đã thua cuộc, dàn xếp cuộc cãi vã giữa anh chàng cao bồi Mỹ (Owen Wilson đóng) và tướng lĩnh La Mã (Steve Coogan đóng)… Mọi chuyện không hề đơn giản như Larry nghĩ: một người nguyên thuỷ rời khỏi viện bảo tàng và hoá thành tro ngay trước mắt anh. Anh có nguy cơ bị mất việc làm. Đứa con trai bị tổn thương khi chứng kiến cha mình bị đuổi việc. Larry quyết quay trở lại bảo tàng lần nữa để chứng minh cho con trai của anh phép màu lạ kỳ trong bảo tàng kỳ lạ này. Điều anh không ngờ đến là có kẻ xấu đang tìm cách phá hoại bảo tàng, và những phép màu không xảy ra trong đêm thứ ba, đêm mà anh mang đứa con trai đến để vui đùa với bộ xương khủng long và làm quen vị tổng thống thứ 26 của nước Mỹ…
Khác với một số phim có cùng đề tài, Đêm ở bảo tàng không ‘thực tế hoá’ những giấc mơ bay bổng. Phép lạ trong bảo tàng không phải là một giấc mơ thoáng qua để dạy cho Larry một bài học. Đạo diễn Shawn Levy (khá thành công với thể loại phim hài như Cheaper by the Dozen, Pink Panther) đem đến cho Đêm ở bảo tàng không khí vui nhộn, tươi tắn và bay bổng với nhiều tình tiết thêm thắt vào kịch bản, vốn được đã chuyển thể cuốn sách dài 32 trang của Milan Trenc. Mặc dù câu chuyện khá rời rạc, thiếu những khoảng lặng cần thiết, thiếu các điểm nhấn tình cảm giữa cha con Larry, hay Larry và cô bạn đồng nghiệp ở bảo tàng, hay tổng thống Roosevelt và cô gái dẫn đường da đỏ, nhưng Đêm ở bảo tàng là minh chứng cụ thể cho triết lý của Hollywood hiện nay: đường dây câu chuyện không quan trọng, miễn sao có đủ các pha hấp dẫn để ‘bày trò’ phô diễn kỹ xảo và tấu hài trên phim là ăn khách. Thực tế, Đêm ở bảo tàng không chỉ thu về gần 180 triệu đôla sau một tháng công chiếu, mà còn đứng đầu bảng doanh thu ba tuần liên tục trong và sau mùa phim Giáng Sinh.
http://blog.360.yahoo.com/phanxine
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.