Đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm lên màn ảnh

Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm – một trong hai hiện tượng “bestseller” của sách văn học VN trong thời gian này đang được 5 đoàn làm phim có kế hoạch khai thác. Trong số đó có đoàn phim của đạo diễn Hồng Chương, thuộc Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.Ư.

Ngay trước khi rời Hà Nội vào ngày 10-8, để vào Đức Phổ (Quảng Ngãi) bấm máy những thước phim đầu tiên, đạo diễn Hồng Chương có cuộc trò chuyện sau.

– Cuốn nhật ký này làm tôi thực sự xúc động. Nếu ai đã trải qua một thời chiến tranh sẽ rất hiểu tâm trạng này. Tâm hồn, lý tưởng của thanh niên một thời đã trở nên rực rỡ hơn qua cuốn sách đó. Tôi cứ nghĩ, nếu như không có tấm lòng của thượng sĩ, thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu, không có Fred (tên thường gọi của Frederic Whitehust người lính Mỹ bàn giao lại cuốn nhật ký) thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ được tiếp cận với nó.

Bởi vậy, Hãng phim của chúng tôi quyết tâm làm bộ phim này, như một cách góp phần nhanh chóng nhân rộng sự ảnh hưởng của cuốn sách.

* Theo anh, việc đến bây giờ chúng ta mới phát hiện ra những cuốn nhật ký chiến tranh quý giá đó có phải là hơi muộn không?

– Có lẽ chúng ta còn có rất nhiều cuốn nhật ký như thế, nhiều anh hùng như thế nhưng đến tận thời điểm này vẫn chưa được biết tới và có thể mãi mãi không được biết tới, chiến tranh là vậy.

Tại sao 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc chúng ta mới có đợt chộn rộn này? Có lẽ theo một quy luật vô hình nào đó, đây là quãng thời gian lắng lại, để chúng ta nhìn lại và bản thân người Mỹ cũng tự đặt ra câu hỏi: Tại sao lại xảy ra những chuyện như vậy?

Trong câu chuyện này, tinh thần chính sẽ là sự trăn trở của Fred và mẹ anh, dẫn đến việc quyết tâm tìm lại gia đình của chủ nhân cuốn nhật ký.

* Thời gian kể từ khi có ý tưởng làm bộ phim này đến lúc bắt tay vào thực hiện là bao lâu?

– Đề tài chiến tranh là đề tài tôi có duyên nợ rất nhiều. Cách đây bốn năm, khi nhà thơ Phạm Tiến Duật từ Mỹ trở về có mang một số tài liệu như thư từ của bộ đội VN do người Mỹ trả lại tôi đã rất muốn có một bộ phim về vấn đề này.

Bây giờ, khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản và trở thành một hiện tượng của văn học, quyết định làm phim đã thực sự hiện rõ trong tôi. Bởi vậy có thể nói đây là một đề tài được ấp ủ khá lâu.

* Tiến độ thực hiện bộ phim này hiện ra sao, thưa anh?

– Trong quá trình trao đổi, tôi và đạo diễn Lại Văn Sinh phát hiện ra chúng tôi trùng nhau về ý tưởng nên hiện tại anh Lại Văn Sinh đang xây dựng kịch bản.

Còn tôi, trước mắt là đi quay những thước phim tư liệu đầu tiên tại Đức Phổ – nơi Đặng Thùy Trâm đã gắn bó quãng đời đẹp nhất của chị. Thời gian này, hai anh em ông Frederi và Robert Whitehust đang sang thăm VN, tôi nhân cơ hội đó vừa lái xe vừa đi quay cùng với hai ông để tìm hiểu thêm.

* Điều lo lắng nhất của anh hiện nay là gì?

– Chúng tôi chưa định hình cụ thể sẽ làm phim như thế nào cho hiệu quả. Tâm lý chung của đạo diễn bắt đầu làm một bộ phim mới thường “hoảng” như vậy.

* Câu chuyện về cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được báo chí, truyền hình nói nhiều, được nhiều người biết tới, điều này có gây áp lực cho anh không?

– Với tôi thì không có áp lực gì cả. Mình đau đáu cái gì thì làm cái đó. Làm bộ phim này cũng là cách tôi tự khám phá chính bản thân mình xem những người cùng thế hệ và những thế hệ trước mình đã sống như thế nào, đã nghĩ gì và tại sao lại nghĩ như thế. Quan trọng nhất là tìm cái gì đằng sau câu chuyện một cuốn nhật ký, mình muốn nói cái gì và phương thức thể hiện như thế nào thôi.

* Điều gì đã thực sự cuốn hút anh ở câu chuyện này?

– Sau 30 năm cuộc sống có nhiều biến đổi, những cái mới hình thành, cuộc sống có cái vội vã con người bị ảnh hưởng từ nhiều phía nhưng tôi vẫn tin vào con người, tin con người luôn luôn hướng thiện.

Hiển nhiên mỗi thế hệ đều có vấn đề riêng, mối quan tâm riêng. Nhưng lòng hướng thiện của con người sẽ kéo các thế hệ gần nhau. Các bạn trẻ khi đọc những cuốn nhất ký chiến tranh này có thể hiệu trí thức thời đó như thế nào, hiểu được “lý tưởng sống” là gì.

Thứ nữa, trước đây chúng ta thường nói về cái chung, còn ở đây là những suy nghĩ riêng tư của một con người, điều đó chắc chắn rất hấp dẫn.

* Còn về bộ phim này?

– Rõ ràng chúng tôi không làm phim cho mình mà làm phim cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Vấn đề căn cốt nhất là làm sao truyền được cảm xúc của một thế hệ về cuộc chiến tranh gian khổ và oai hùng của dân tộc tới được các bạn trẻ.

* Xin cảm ơn anh!

Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn: http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=93321&ChannelID=10


Posted

in

by

Comments

3 responses to “Đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm lên màn ảnh”

  1. congchua_u Avatar
    congchua_u

    mình thực sự xúc động khi đọc cuốn nhật kí này. 12 năm đi học, 10 năm học lịch sử cũng ngần ấy năm được học sử cách mạng nhưng sao mình thấy nó xa lạ và mình như vô cảm trước những dòng chữ ghi trong sgk, vậy mà khi đọc quyển nhật kí này, mình xúc động thực sự. Nó đúng là nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại. Đọc cuốn nhật kí, mình thấy sao mình quá nhỏ bé, tầm thường trước một người như thế. Mình thực sự ngưỡng mộ Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật kí đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư tình cảm của mình.

  2. nhungngoisao18 Avatar
    nhungngoisao18

    Các bạn đã đọc bài thơ này chưa?

    Một tâm hồn bất tử với thời gian

    Khi tôi sinh, chị đã xa rồi.

    Đất Quảng Ngãi đã dang rộng vòng tay ôm trọn ng][ì con gái.

    Biển Đức Phổ ru chị bằng lời ru ngàn năm êm ái

    Quê hương ta thanh bình

    Thế hệ chúng tôi không biết đến chiến tranh

    Chỉ nghe câu chuyện của mẹ cha vê một thời bom rơi máu đổ.

    Đất nước gian lao mấy mươi năm đau khổ.

    Trang sách, thước phim nhắc nhở một thời…

    Chúng tôi lớn lên hồn nhiên bước vào đời.

    Hồn nhiên nhận biết bao niềm hạnh phúc.

    Ước mơ gói trong niềm vui vật chất

    Trong sự đua chen vô tình!

    Để chiều nay tôi bỗng thất trong mình

    Niềm xúc động chợt bùng lên mạnh mẽ

    Khi gắp trang nhật ký của một người cách xa mình hàng thế hệ

    Đê bỗng nhiên lệ ứa phút giây này…

    Có một trái tim vượt muôn vạn tháng ngày

    35 năm và nửa vòng trái đất

    Một trái tim khiến kẻ thù nghiêng mình kính phục

    Một tâm hồn bất tử với thời gian

    Biết nói sao khi cảm xúc dâng tràn

    Chợt nhìn lại những gì mình đã sống

    Dòng nhật ký trong lòng tay ấm nóng

    Cảm ơn người con gái Đặng Thuỳ Trâm

    Cảm ơn người đã sống, đã hy sinh

    Đã cho tôi hiểu thế nào là yêu thương, thế nào là hạnh phúc

    Tranh nhật ký như những lời đánh thức

    Một giấy phút đời người đáng giá biết bao nhiêu!

  3. zazu Avatar
    zazu

    Ngay từ sau khi đọc xong cuốn nhật ký này tôi đã nghĩ ngay tại sao người ta không làm phim về nó. Bởi vì bạn không thể nào dừng đọc nó và bạn không thể nào ngừng rơi nước mắt vì những lời lẽ của nó. Những tấm gương về cuộc đời không phải chỉ của một con người mà trong đó là hình ảnh của toàn bộ một thế hệ anh hùng, những con người bình dị mà tuyệt vời làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta.

    Xin trích sau đây lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn: “Trong sự muôn màu muôn vẻ của thực tại, con người vẫn là mẫu số chung làm nên những giá trị vĩnh cửu. Nhật ký Đặng Thùy Trâm có cái nhân tố nhân văn đầy bí mật đó. Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.”

Leave a Reply