Đường đến thiên đường

Nhìn vào bản đồ địa lý tự nhiên, dễ nhận thấy tại bán đảo Ả Rập có một thẻo đất mang dáng dấp một lưỡi dao mẻ thọc sâu vào, chia cắt bán đảo ra làm hai. Cái thẻo đất con con đó mang tên là Israel (có thể gọi là Palestine cũng đúng ) – một điểm nóng của thế giới về chính trị và quan hệ quốc tế. Nhắc đến Israel, người ta nhớ ngay đến thành phố Jerusalem, trái tim của dân tộc Do Thái. Không chỉ vậy, Jerusalem còn là một nơi có tính cách thiêng liêng bậc nhất thế giới, một thánh địa mà tại đó ba tôn giáo lớn của nhân loại đã gặp nhau: Do Thái giáo, Kitô giáo và Islam giáo – hay vẫn quen gọi là Hồi giáo. Tại đó, đấng Jahve của người Do Thái đã hiện lên để lập giao ước với họ; tại đó Jesus Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá; và cũng tại đó, giáo chủ Mahomet của đạo Islam đã đến hành hương. Trải qua bao thế kỷ, tín đồ của ba tôn giáo cùng một nguồn gốc mà thù nghịch nhau đó giành nhau chiếm trọn Thánh địa về cho mình.

Năm 70 sau Thiên Chúa giáng sinh, người La Mã tàn phá kinh thành Jerusalem, cấm người Do Thái xây dựng lại đền thờ ở nền cũ, đổi tên Jerusalem thành Aelia Capitolina; đồng thời đổi luôn tên Israel thành Palestine (vốn có từ thời cổ xưa). Từ đó, dân tộc Do Thái bắt đầu cuộc sống tản mác, tha phương, tủi nhục và ly tán khỏi vùng đất của ông cha họ, vùng đất mà Đấng Jahve đã hứa ban tặng cho riêng họ mà thôi. Suốt khoảng 20 thế kỷ, người ta như lại nghe thấy những lời khóc than của người Do Thái bên bờ sông Babylon ngày xưa; nhưng hôm nay không chỉ riêng gì ở bờ sông Babylon, nhưng là ở bên bờ sông Seine, sông Thames, sông Danube, sông Rhine ….Chỉ có niềm tin rất mãnh liệt vào Jahve, vào thánh kinh của mình mới giúp người Do Thái tồn tại trong một thời gian dài như vậy để vượt qua những đợt tàn sát, những biến cố lớn lao trong lịch sử loài người. “Sang năm về Jerusalem” trong nhiều thế kỷ đã trở thành lời chúc và là lời nhắn nhủ trong cộng đồng người Do Thái với nhau. Song , ước mơ trở về vùng đất hứa, về một quốc gia của dân tộc Do Thái chỉ bắt đầu manh mún thành hiện thực với vụ án nổi danh trong lịch sử nhân loại : Vụ án Dreyfus năm 1894; từ đó dẫn đến cuốn sách Quốc gia Do Thái của Theodore Herzl. Để rồi giấc mơ chưa thành của Herzl được trở thành hiện thực năm 1948 khi người Do Thái tuyên bố thành lập quốc gia dân tộc của mình ngay trên vùng đất của tổ tiên.

Khi người Do Thái tuyên bố thành lập nhà nước Israel năm 1948, số phận cư dân Ả Rập cư ngụ ở Palestine trở nên bi đát : cha ông họ đã sinh ra và lớn lên cũng trên vùng đất này, họ đã đổ máu, mồ hôi, xương thịt vì nó; vậy mà giờ đây, họ bị xua đuổi, phải sống nương nhờ các Hồi quốc lân cận. Trớ trêu hơn nữa khi những lời trong thánh kinh Koran và của thánh kinh Do Thái giáo bị diễn dịch một cách sai lệnh để rồi dẫn đến một sự tranh chấp không khoan nhượng trên vùng đất được coi là linh thiêng này. Với tình hình bất ổn, tranh chấp và sự chia cắt tại Jerusalem, người Do Thái đã chọn Tel Aviv làm thủ đô cho nhà nước Israel.

Chuyện phim Paradise Now lấy bối cảnh từ thực tế hiện nay về vấn đề mang tính hết sức nhạy cảm ở khu vực Trung Đông : đánh bom cảm tử của người Palestine trong lãnh thổ Israel. Hai thanh niên nghèo: Said và Khaled cũng như bao người Palestine khác, họ có một cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt và một tương lai ảm đạm cũng như số phận dân tộc và đất nước Palestine của mình. Cuộc sống của họ chỉ loay hay ở garage, với người thân, và những buổi chiều ngồi trên đồi hút thuốc ngắm nhìn sự xa hoa, phù phím ở bên kia thành phố Tel Aviv…Và họ vẫn đang tìm kiếm cho mình một mục đích trong cuộc sống. Cho tới một ngày họ được chỉ định bởi một tổ chức bí mật để thực hiện nhiệm vụ cao cả đối với mọi người Ả Rập theo Islam giáo : tử vì đạo. Nhiệm vụ của họ là đánh bom cảm tử vào khu vực của kẻ thù và cũng là bọn dị giáo Israel. Họ sẽ hy sinh cuộc sống, nhưng đổi lại, họ sẽ được một cuộc sống vĩnh cửu nơi thiên đàng. Và đó chẳng phải là điều tốt đẹp nhất mà ai cũng mong muốn đó sao.

Nhưng họ có thực sự sẵn sàng “tử vì đạo”? những lời lẽ cứng rắn, thuyết phục và những lời hứa hẹn không thể làm tan biến sự hoài nghi, lo lắng và bất an trong lòng mỗi người bạn. Liệu thực sự có những thiên thần bay xuống cất mình lên thiên đàng hay không? sao mà viễn vông, mơ hồ quá. Những giờ phút bên gia đình, người thân trở nên nặng nề bởi họ phải che dấu cảm xúc của mình, để giữ cho kế hoạch được bí mật và đảm bảo thành công. Said càng khó xử hơn mỗi khi nhớ về Suha, người yêu của mình, vốn là một người Palestine có khuynh hướng ôn hòa và kịch liệt phản đối lối đánh bom cảm tử. Sự dằng co, mâu thuẫn trong nội tâm càng trở nên phức tạp hơn khi Said và Khaled bị lạc nhau sau khi đã thâm nhập vào lãnh thổ Israel. Giờ đây, chính mỗi người sẽ phải đi đến một quyết định dứt khoát cho riêng mình.



Said và Khaled thấy gì trên đường đến thiên đàng? nó sẽ được đắp xây từ máu và thân xác của những người khác sao. Này đây những người Israel mà xưa nay vẫn là kẻ thù của dân tộc mình, họ cũng có cuộc sống như cuộc sống của mình; chuyến xe bus với đủ mọi loại người: từ già lão đến trẻ thơ … Đó, con đường đến thiên đường của mình sẽ lót bằng cái chết của những người này. Và hơn thế nữa, nó sẽ còn được xây trên xương thịt của chính đồng bào Palestine của mình bởi máu sẽ trả bằng máu (như vốn xưa nay người Israel và nhiều dân tộc vẫn làm vậy).

Và chốn thiên đường mơ hồ mà sách kinh và bao nhiêu lời tuyên truyền đã nói có bằng những giây phút cùng làm việc ở cái xó garage của mình không? nó có bình yên như lúc cùng bạn bè ngồi trên đồi hút thuốc và ngắm đường phố lúc chiều tà? có quí báu so với những khi ở bên người thân yêu của mình?

Đôi khi hành động dũng cảm nhất là những gì bạn không thực hiện. “I want to go back” nghe có vẻ như là lời nói của những kẻ nhát gan, yếu lòng tin. Nhưng thực sự, đó chính là lời nói cam đảm nhất. Can đảm để đi đến quyết định dứt khoát, để sống thực với bản thân, để xác tín vào những gì mình tin là sự thật.

Paradise Now cũng như nhiều phim khác nói về đánh bom cảm tử, nhưng nó không đơn thuần kêu gọi sự đồng cảm, kêu gọi sự hoà bình, nhưng là một cách nhìn đầy đủ hơn về những con người bị thế giới lên án, chỉ trích, và ghê sợ. Và thiên đường đôi khi thật gần so với những gì con người thường nghĩ về nơi đó.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply