Gặp Thành Long ở Campuchia: “Tôi đến các nơi không phải để chụp ảnh và được tung hô”

19h tối qua, được sự giúp đỡ của ông Mark Thomas – Giám đốc truyền thông của UNICEF tại Phnom Penh, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc gặp gỡ với ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Thành Long. Anh vừa trở về sau chuyến đi hoạt động ở Sieam Reap và Battambang trong vai trò Đại sứ thiện chí của UNICEF. Giản dị trong chiếc áo thun xanh, trông anh trẻ hơn nhiều so với tuổi 51 của mình.

* Chào Thành Long, sau những ngày phải đáp ứng lịch làm việc dày đặc, anh có mệt không?

– Vâng, quả là có mệt thật. Mấy ngày nay chúng tôi cứ đi suốt, đi bằng xe buýt, rồi bằng máy bay, cứ đi rồi dừng, rồi phải transit liên tục. Tôi đã đi thăm những nạn nhân của mìn tại Bệnh viện cấp cứu Battambang, thăm các dự án giảng dạy về sự nguy hiểm của bom mìn trong trường học và có mặt trong những hoạt động gỡ bỏ những bãi mìn tai quái. Ngày mai, tôi sẽ tiếp tục thực hiện một đoạn phim truyền hình kêu gọi mọi người không phân biệt đối xử với các người bị nhiễm HIV/AIDS.

* Anh có cảm nghĩ thế nào sau chuyến đi?

– Tôi cảm thấy mình may mắn, được đến đây và được hiểu. May mắn vì tôi sống ở Hồng Kông, nơi không có chiến tranh và ít bị thiên tai tàn phá. Chúng tôi không phải lo một ngày nào đó thảm họa ập vào mình. Không bão lũ, không sóng thần, không có những bãi mìn rình rập. Tôi cảm thấy nhiều người dân Campuchia đang phải mạo hiểm cuộc sống của mình vì hàng triệu quả mìn được cài thời chiến tranh. Chiến tranh xảy ra khắp nơi, Afghanistan, Campuchia và Việt Nam. Họ cứ cài, cứ lập ra vô số bãi mìn dọc biên giới để chống lại nhau mà không hề nghĩ rằng để tháo bỏ chúng, sau này cần rất nhiều thời gian, công sức và cả tính mạng nữa.

* Anh đã đến và chứng kiến cuộc sống của người dân Campuchia khi phải “sống chung” với những cánh đồng đầy mìn ở Battambang?

– Vâng, vì mìn, cuộc sống người dân ở đây trở nên khó khăn, cực khổ. Họ không thể xây nhà vì những bãi mìn, họ không thể làm nông nghiệp, cũng vì những bãi mìn. Bọn trẻ sống thật tội nghiệp. Lẽ ra ở tuổi của chúng, chúng phải được học hành, chơi đùa một cách thoải mái. Nhưng ở đây thậm chí bọn chúng còn không dám ra đồng đá bóng vì sợ đạp phải mìn. Đã có biết bao nhiêu đứa trẻ đã trở nên tàn phế trong suốt phần đời còn lại vì cuộc chiến của người lớn. Mìn quả thật là một nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.

* Anh nghĩ rằng mình có thể làm gì cho những người dân ở đây?

– Tôi có đến thăm các nạn nhân của các bãi mìn còn sót lại trong chiến tranh ở Bệnh viện Battambang. Trên đường về, tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi (trỏ trỏ vào trán) mà không biết làm gì cho họ. Tôi không muốn đến nơi nào đó chỉ để mọi người chạy ra chụp ảnh chung và tung hô tôi. Tôi muốn rằng bằng sự có mặt của mình, tôi sẽ thu hút được sự quan tâm và chú ý của thế giới đối với những nơi đang chịu tổn thất do chiến tranh và thiên tai. Tôi nghĩ là đừng bao giờ có chiến tranh nữa. Không có chiến tranh, sẽ không có những bãi mìn lúc nào cũng rình rập cuộc sống con người. Và các nhà máy (sản xuất vũ khí) cũng đừng bao giờ sản xuất các loại mìn nữa. Cuối cùng, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là chúng ta cần phải sống với nhau bằng tình thương yêu thực sự.

* Anh có nghĩ rằng chỉ một hoặc hai chuyến thăm của mình đến Campuchia vẫn chưa đủ để cải thiện tình hình trên không?

– Vâng, tôi nhất định sẽ quay lại đây để góp phần làm cho nơi đây không còn là “mảnh đất của bom mìn” nữa. Ngày mai, cũng với vai trò Đại sứ thiện chí của UNICEF tôi sẽ đến Việt Nam.

* Cảm ơn và hẹn gặp lại anh trong chuyến bay về Hà Nội của Vietnam Airlines chiều mai.

Ảnh: Hai PV Báo Thanh Niên – Ngọc Thịnh và Phạm Thu Nga cùng Thành Long (giữa) tại Phnom Penh.

Phạm Thu Nga thực hiện

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2005/4/22/107895.tno


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply