How to Make a Movie

Hôm nay là ngày đầu tiên trong những ngày còn lại của cuộc đời tôi.

Bill Mechanic đến Việt Nam và đem đến những kinh nghiệm. Dĩ nhiên, khó mà áp dụng được tất cả những thứ đó với tình trạng điện ảnh ở Việt Nam. Nhưng như B. nói, làm phim ở đâu cũng vậy, chỉ khác nhau về kích thước, về độ lớn, về quy mô. Ở đâu cũng có những khó khăn và bạn phải vượt qua. Bạn nói rằng ở Việt Nam làm phim ít tiền là một khó khăn, thì ở Hollywood, đối mặt với những con số hàng trăm triệu đôla cũng là sự khó khăn vì nếu sai lầm, sai lầm đó trị giá hàng trăm triệu đôla. 

Ông đạo diễn Đ. bảo rằng, chỉ có ở Hollywood mới có chuyện làm phim một trăm triệu đôla, đến giữa chừng hết tiền thì tăng kinh phí lên 250 triệu đôla, cho nên ở Việt nam chắc chả học theo hệ thống của Hollywood làm gì. Ông ca ngợi mô hình làm phim của Iran, phim ít tiền mà hay. Nghe thật buồn cười. Ông ta không hiểu rằng, so về tỷ lệ thì ở Việt nam, một phim ban đầu kinh phí 5 tỷ, sau đó đội lên 14,5 tỷ và thực tế số tiền đó là 19 tỷ, nếu xét về tỷ lệ % thì Titanic chỉ tăng 250%, còn phim của Việt Nam đội kinh phí lên đến 300%!!! Nhưng Titanic thì ăn khách, còn phim ta thì không! Ngoài ra, cứ chạy theo Iran, mà không hiểu rằng Iran có làm phim cho dân họ xem đâu? Làm phim cho Tây xem, làm bằng tiền của Tây thì phải bôi nhọ hình ảnh nước mình mà làm cho Tây thấy sướng. Không phải như thế là xấu, vì mỗi người có một con đường. Nhưng bắt cả nền điện ảnh đi theo Iran thì tội nghiệp người làm phim lẫn khán giả quá!

Mấy điều ghi chép lại từ năm ngày đi theo B.

Phim hay sẽ kiếm ra tiền. Khi bắt đầu làm phim, hãy có hoài bão rằng bạn sẽ làm một phim hay, không chỉ là phim hay (good movie) mà còn phải là phim tuyệt vời (great movie). Nếu một phim mà khán giả xem xong, ra về và nói 'Phim cũng được đó' (It's OK, It's good) thì phim thất bại. Khán giả xem xong và họ muốn lôi kéo tất cả những người quen đến rạp, gặp ai họ cũng nói 'Xem phim đấy chưa, phãi đi xem đi chứ!", đó mới thực sự là một phim thành công.

Điều đầu tiên đối với một bộ phim là ý tưởng. Vì sao tôi quyết định chọn làm phim này hay phim kia, chính là ý tưởng. Nếu bạn có một ý tưởng đủ mạnh, bạn có thể không cần đến ngôi sao, mặc dù nếu có ngôi sao thì bạn sẽ dễ xin tiền đầu tư hơn. Có ý tưởng tốt, bạn sẽ có thể làm được một phim tốt.

Ý tưởng đến từ đâu ư? Từ khắp nơi. Tôi đọc báo hàng ngày và tôi thấy ý tưởng hiện diện khắp nơi. Một mẩu tin cũng có thể đem đến ý tưởng cho bạn. Khi nắm được ý tưởng, tôi lập tức mua quyền sử dụng tin tức đó, để dành đấy và tìm kiếm người có thể chuyển ý tưởng ấy thành phim.

Tại sao Titanic thành công? Tất cả mọi người đều biết câu chuyện về Titanic. Người ta sẽ không đi xem một thứ họ đã biết. Một con tàu khổng lồ, va vào tảng băng, và bị chìm. Nhưng chỉ trong vài phút đầu phim, James Cameron đã mô tả lại toàn bộ quá trình của sự chìm đắm con tàu này bằng một đoạn giới thiệu qua mô hình mô phỏng 3D trên máy vi tính. Thế đó. ngươi ta sẽ tự hỏi, thế thì còn gì để mà xem. Dĩ nhiên phải có điều gì đó, điều mà họ chưa từng biết đến. Đó là chuyện tình Jack và Rose. Ở đoạn cuối phim, bạn thấy lại hinh ảnh con tàu bị chim, đúng hệt như cảnh đầu phim đã mô tả, nhưng điều khác biệt chính là trên con tàu đó có người và khán giả lo lắng cho những người này. Họ không biết ai sẽ sống và ai sẽ chết. Họ lo lắng cho số phận của nhân vật. Điều đó khiến cho bộ phim hấp dẫn. Trong Titanic, Jack, một kẻ hạ lưu, và Rose, một cô gái thượng lưu, gần như là biểu tượng cho cả xã hội. Họ ở mọi tầng lớp. Và họ giống mọi người. Họ cũng có những mơ ước được trở thành người giàu sang hơn – nhưng họ thấy khó chịu với những ràng buộc của tầng lớp xã hội (mà có thể thấy trong cảnh Jack thấy bứt rứt khi mặc bộ vest và phải ăn uống theo đúng điệu quý tộc), họ cũng khát khao được sống tự do hơn, và thấy hạnh phúc (khi Rose cùng Jack xuống tầng hầm để cùng nhảy múa với những người lao động). Khán giả cảm thấy có mối liên hệ. Họ thấy họ trong nhân vật. họ chia sẻ được. Điều đó đem đến thành công cho bộ phim. Cũng như Trái tim dũng cảm. Ai mà quan tâm đến một gã mặt sơn xanh, mặc váy, tóc dài? Tôi không quan tâm, tôi thấy anh ta xa lạ. Nhưng khi bộ phim kể về một người đàn ông từ chối chiến tranh để sống yên vui với gia đình – tôi nghĩ ai cũng mong muốn được hưởng cuộc sống như thế – rồi gia đình anh ta bị giết hại, anh ấy buộc phải chiến đấu, nhưng không chỉ dừng ở một mối thù cá nhân, anh ta chiến đấu vì đất nước, vì tự do, thì tôi nghĩ rằng mọi người trên thế giới đều hiểu, đều thấy thân quen, đều thấy gần gũi, vì đó không phải là câu chuyện của một cá nhân, của một dân tộc mà đó là câu chuyện toàn cầu. Nó xảy ra ở khắp nơi. Khi bị áp bức thì bạn đòi tự do. Đây là câu chuyện của Scotland, nhưng được một hãng phim của Mỹ thực hiện. tôi nghĩ rằng, sau ý tưởng, bạn phải tạo ra một câu chuyện để người xem có thể liên hệ được với nhân vật trong câu chuyện ấy.

Những bài học từ cuộc trò chuyện với B.

Tôi thường nói với các đạo diễn trẻ lần đầu làm phim là hãy chuẩn bị làm bộ phim thứ hai. Khi bạn làm một bộ phim đầu tay, đừng quá thất bại, cũng đừng quá thành công. Đừng quá thất bại, có lẽ bạn đã hiểu. Chẳng ai muốn giao phim cho một đạo diễn quá thất bại. Nhưng tại sao lại đừng quá thành công? Hãy nhìn những người đã quá thành công. Kimberly Peirce sau Boys don't cry, cho đến nay mới có dự án khác nhưng vẫn chưa bắt tay vào làm. Cô ấy gần như chấm dứt sự nghiệp của mình. Ngay cả đạo diễn tên tuổi như James Cameron sau Titanic cũng chẳng làm thêm được phim nào. Có hai lý do dẫn đến điều này. Hoặc là bạn sẽ tự sợ hãi với chính mình, sợ rằng mình sẽ không thành công hơn được nữa, vì bộ phim đã quá thành công, và bạn tự trói mình lại. Hoặc là bạn tự cho mình tài ba và chẳng còn nghe lời ai. Nhưng làm phim là một công việc đòi hỏi sự hợp tác và lắng nghe. Với tư cách là một nhà sản xuất, tôi không thích làm việc với những đạo diễn cứng đầu, không nghe lời góp ý của người khác. Tôi muốn có sự hợp tác.

Một ví dụ là Bryan Singer. Khi anh ấy đến Fox và được giao làm X-Men, Bryan đã làm việc theo kiểu ngẫu hứng. Anh ấy đến trường quay mà không hề chuẩn bị gì. Không một ai trong đoàn phim được biết trước điều gì, hôm đó sẽ quay gì hay làm gì. Chúng tôi đã tranh cãi quyết liệt cho đến khi tôi đạt được thoả thuận Bryan phải đem những bản vẽ (storyboard) đến trường quay. Dự án từng bị đình trệ vì Bryan không đồng ý. Anh ta bắt tay vào làm một phim khác và bộ phim đó không thành công. Chính vì thế, Bryan đã đồng ý. Anh ta mất gần một năm để chuẩn bị những bản vẽ cho X-Men. Những gì bộ phim này đã làm được, bạn đều đã thấy. Bây giờ, Bryan Singer đã là một đạo diễn tên tuổi.

Tranh cãi giữa nhà sản xuất và đạo diễn là mâu thuẫn luôn xảy ra. Đặc biệt là các đạo diễn giỏi. Lý An rất hiền lành, khép nép, dễ thương, bẽn lẽn, dịu dàng, nhưng ông ta chẳng bao giờ thay đổi ý kiến và vẫn mỉm cười hiền lành khi nói lời từ chối sự thay đổi. James Cameron cộc lốc, hung hăng, mạnh mẽ và ông ta cũng chả muốn ai sai bảo. James từng đòi giết tôi khi tôi muốn cắt bỏ một cảnh quay. Ông ta thật sự muốn làm điều đó. Mắt ông ta long lên sòng sọc. Tôi nghĩ ông ấy sẽ bắn tôi nếu có khẩu súng ở đó. Cuối cùng thì ông ta nói 'You f*cking ass, be director yourself' (Thằng khốn, thích làm đạo diễn thì tự mà làm đi), rồi bỏ ra, đóng sầm cửa, đá luôn cậu tài xế và đi về. Tôi từng nghe nói James đã tranh cãi với một nhà sản xuất khác ở những phim trước và anh ta ôm luôn đóng phim negative (âm bản) về, khiến cho hãng phim không làm gì tiếp được. Thế nên tôi đã cho cất các đống phim của mình. Hôm sau, James gọi điện và chúng tôi ngồi lại, trao đổi với nhau. Chúng tôi trò chuyện thẳng thắn. Cảnh quay Jack và chồng sắp cưới của Rose rượt đuổi dưới khoang tàu trong lúc con tàu đang chìm bị bỏ, dù nó tốn đến 1 triệu đôla đã thực hiện. Tôi chứng minh cho James thấy rằng, khán giả chẳng ai quan tâm đến cảnh ấy. Họ đang lo cho số phận những hành khách đang hoảng loạn trên boong tàu và cảnh này hoàn toàn rơi ra khỏi mạch phim. Dù làm việc với đạo diễn nào, tôi cũng muốn có tinh thần hợp tác và hiểu nhau. Tôi không làm lợi cho mình hay cho hãng phim, tôi muốn làm lợi cho chính bản thân bộ phim.

Tôi không quan tâm đến các nhà phê bình phim. Tôi chẳng bao giờ muốn đọc. Ở Mỹ, đôi khi bạn chỉ cần đọc đoạn đầu và đoạn cuối. Đoạn giữa, họ chỉ tóm tắt nội dung phim. Thế đấy. Trong suốt 20 năm qua, tôi chỉ tôn trọng một người duy nhất, đó là Pauline Kael. Bà không chỉ phê bình phim, mà công việc của bà là giúp cho người xem hiểu hơn về bộ phim. Những bài phê bình ấy tạo ra một văn hoá xem phim. Bà để cập đến lịch sử, văn hoá, chính trị và nhiều thứ khác liên quan đến bộ phim. Tôi nghĩ rằng, phê bình phim không chỉ đơn giản là "thumb up", "thumb down" (ngón tay trỏ đưa lên, chỉa xuống) mà nhà phê bình phim trước tiên phải hiểu bộ phim. Nhiều người chẳng hiểu bộ phim nhưng vẫn cứ đưa ra lời bình luận.(Cho câu hỏi về việc ông kể chuyện làm phim và lỗ cả trăm triệu đôla như… đùa). Với tôi, vấn đề không phải là con số nào. Khi tôi mới vào nghề, tôi đã mua một bộ phim lẽ ra không nên mua. Tôi mất 15 USD. Tôi đã không ngủ được vì 15 USD này. Tôi đã nghĩ cách để lấy lại 15 USD đó, bằng mọi giá. Cuối cùng thì tôi lấy lại được, và lúc đó tôi mới thấy yên lòng. Cái giá của lỗi lầm ấy chỉ 15 USD, nhưng tôi vẫn học được cho mình một bài học. Khi bạn điều hành một công ty có số tiền đầu tư trong một năm là 2 tỷ đô thì bài học về 15 USD vẫn có giá trị. Vấn đề không phải là 15 USD hay là vài trăm triệu đôla. Mất 15 USD cũng đau khổ và tìm mọi cách lấy lại thì bạn cũng sẽ phải làm như thế với hàng trăm triệu đôla. Không phải ở chuyện con số, mà chính là chuyện lỗi lầm thì vẫn là lỗi lầm, bạn phải luôn tìm cách khắc phục nó.

(Về câu hỏi, liệu ông chỉ có 200.000 – 300.000 USD để làm một phim, với một hệ thống phát hành chỉ chừng 10 rạp và chiếu trong ba tuần, ông sẽ làm gì?) Hãy làm bộ phim hay nhất mà bạn có thể làm với con số tiền ấy. Hãy làm như thể đó là bộ phim cuối cùng trong cuộc đời bạn và bạn sẽ không còn cơ hội nào khác để làm phim nữa. hãy làm hết sức mình. Tôi muốn nói điều này: ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có những khó khăn riêng. Ngay cả ở Hollywood, những khó khăn mà chúng tôi đối mặt có khi còn lớn hơn. Nhưng chúng ta vẫn phải làm thôi. Bạn phải bắt tay vào làm phim thôi. Càng đương đầu với khó khăn, bạn sẽ càng thấy thú vị. Khi tôi làm ở Fox, ông chủ của tôi không thích tôi. Tôi biết điều đó, và tôi vẫn cứ làm phim như bộ phim đó là bộ phim cuối cùng mà tôi được làm. Tôi làm phim trong tư thế sẵn sàng để ra đi. Ông ta càng ghét tôi, tôi càng chứng minh cho ông ấy thấy rằng tôi làm được, và tôi càng có những phim thành công. Ngay cả khi tôi gặp thất bại với Fight Club và bị buộc ra đi, tôi cũng không hối hận điều gì. Tôi rất tự hào với Fight Club. Xét cho cùng, bộ phim đó không thất bại. Dù khi ra đời, không một nhà bình luận nào khen nó, và hiểu nó. Họ nói đó là bộ phim quá bạo lực. Tôi không hiểu vì sao. Bộ phim này nói về bạo lực, nhưng thật sự nó chẳng có bạo lực. Họ chẳng hiểu tí gì về bộ phim. Bộ phim cũng chẳng được thành công về danh thu ở phòng vé. nhưng cuối cùng, bộ phim vẫn được khán giả yêu thích và đến giờ thì DVD của bộ phim vẫn bán chạy. Hãy làm phim hết sức mình để bạn có thể tự hào về bộ phim của bạn.


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply