Bài viết của athospk
Vốn khá ấn tượng với đạo diễn Jim Sheridan qua In the name of the father và My left foot, hôm nay mặc dù đáng lý phải ở nhà ôn thi tôi vẫn lóc cóc tới rạp của trường coi chùa phin này. Coi xong tôi ko biết phải nên nghĩ như thế nào, nên tôi tạm quyết định hôm nay thứ bảy thôi thì còn chủ nhật để ngâm giấm bài tập, lên MB “trần thuật sáng tạo” về In America vậy.
Có bao giờ bạn có cảm giác được gột rửa, được tẩy trần, được thở phào nhẹ nhõm, như rùng mình một cái, hét lên 1 cái, và bao nhiêu sự xấu xí xù xì ở đâu trôi tuồn tuột hết xuống… cống. Có bao giờ bạn đọc Chí Phèo để cười khóc với y, say với y, xì xụp bát cháo hành với y, nhờ y hôn hộ nàng Thị Nở, nhờ y cầm miểng chai rạch mặt hộ những tên Bá Kiến ngoài đời thực; mà những chuyện ở cái lò gạch cũ đó, vì muôn vàn những lý do, những ràng buộc, những trách nhiệm, những bộ mặt đạo mạo mà bạn dựng nên trong mắt thiên hạ, không cho phép bạn được thoải mái nhậu, thoải mái xỉn, thoải mái yêu, thoải mái ghét… như cái gã Chí Phèo coi vậy mà lại hạnh phúc kia. Bạn đọc Nam Cao, để ông “sống dùm” bạn những xúc cảm đó, những hoàn cảnh đó, những tấn trò đời đó. Tất nhiên sau khi ông “sống dùm” bạn như vậy, gấp quyển truyện lại, bạn quá kiệt sức về mặt cảm xúc để có thể thật sự đi kiếm thằng Bá Kiến trong trường của mình mà gây sự, vì tất nhiên, đã có người “rạch mặt” dùm rồi, bạn cũng đã trải nghiệm qua, dù chỉ là trên trang giấy, cái cảm giác của thằng Phèo rồi, bạn không muốn làm gì hơn nữa, bạn thoả mãn rồi. Đó, đó chính là cái cảm giác được tẩy trần mà tôi nói tới.
Cái cảm giác này, ở một cấp độ khái quát hơn, là tất cả những kinh nghiệm trong cuộc đời của người khác mà bạn có cơ hội được chứng kiến từ đầu tới đuôi, qua truyện, qua kịch, qua phim… và vô hình chung đã “sống dùm” bạn, để bạn không phải nếm trải nó hay thực hiện nó trong cuộc đời thực của mình nữa.
Đó chính là cái cách tẩy trần (catharsis) của nghệ thuật mà Aristotle đã nói tới trong cuốn Poetics của mình. Đó chính là những hỉ nộ ái ố trong phim Tàu, hay những diễn biến tâm lý phức tạp của phim Tây, những màn đánh nhau, hôn nhau trong phim Mỹ. Đó chính là lý do vì sao tôi coi Kill Bill, vì tôi nói thiệt, nếu ghét đứa nào thì dám tôi cũng xách kiếm rượt nó chạy té khói như O-Ren Shii, nhưng rất may thứ nhất pháp luật nhà nước XHCN VN không cho phép tư thù kiểu đó, thứ hai tôi không biết kiếm đạo, thứ ba tôi chưa từng tham gia băng Deadly Viper Assasination Squad hồi tôi còn học phổ thông, và, ơn trời là anh hai Quentin đã làm phin “tẩy trần” dùm mình, để sau hai tiếng lảo đảo ngất ngư, tôi cũng “kiệt sức” rồi nên thôi tôi cũng ko có ý định phạm pháp nào cả.
Vô đề! (hì hì tôi có cái tật dài dòng) Phim này không gọi là xuất sắc so với các phim cùng chủ đề về tình cảnh dân nhập cư, mà có một cuốn rất kinh tôi xin giới thiệu kèm lời cảnh cáo đừng coi nếu ko muốn khóc bốn mươi chín ngày đêm sau đó: Dancer in the Dark (có bà Bjork). Cực kì nặng nề, dài 3 tiếng mấy, tôi bỏ về sau 1 tiếng 45 phút nên chỉ khóc có 30 ngày đêm, may ghê hê hê!
Phim này cũng hổng có phải là tiêu biểu của Sheridan, nhưng có một ý nghĩa đặc biệt: ông cùng 2 bà chị hay em gì đó, xúm lại viết kịch bản, bỏ tiền làm và đạo diễn luôn, để dành tặng cho người em trai đã mất của mình thủơ gia đình Sheridan còn chật vật những ngày đầu mới qua Mỹ. Phim kể về một gia đình dân Irish di cư qua New York, gồm ông chồng (Paddy Considine, ko quen), bà vợ (Samantha Morton, cái bà precog trong Minority Report á) và hai đứa con gái nhỏ kháu kinh khủng (là 2 chị em gì wên mất tiu tên gòi) và một nhân vật không hề xuất hiện nhưng là một trong những mâu thuẫn chính của cốt truyện: đứa con trai đã mất của 2 người. Bà vợ cứ ám ảnh đứa con bị mất, ông chồng thì xấc bấc xang bang chuyện cơm áo gạo tiền, hai đứa nhóc vẫn hồn nhiên đến tội, cậu em trai của chúng như đã trở thành ông thần nhỏ hộ mệnh cho chúng, nghe những lời cầu nguyện của chúng, và cứu nguy gia đình trong những lúc ngặt nghèo nhất. Tất nhiên phim về đề tài này thì có quá trời cách để nói, nhưng cái thú vị của In America là những chi tiết nhỏ, rất nhỏ, những chi tiết khi thì ấp úng một lời bào chữa cho tình cảnh, khi thì kìm nén một tiếng thét khan vào khoảng không, khi thì nhớp nháp, vật vã, tù đọng, sũng sượi mồ hôi những ngày New York 39 độ C không quạt không điện trên những bậc thang dơ dáy, khi thì dồn dập, nóng bỏng, mê man những niềm vui vợ chồng hiếm hoi ít ỏi, khi thì e dè nghi ngại, khi thì hoang mang, khi thì liều mạng bất cần… Những chi tiết nhỏ “sống dùm” ta cái cuộc đời chật vật của những người di cư, những kẻ “ngoài cuộc” Có một chi tiết làm tôi rất thích là phim dùng phim để kể tiếp chuyện phim Cả nhà, sau khi “oải độ” quá rồi thì kéo nhau ra bank rút tiền đi chơi 1 bữa, vào coi ngay phim E.T. của Spielberg. Cái con thú nhồi bông hình con E.T. ở hội chợ xuyên suốt cho tới cảnh ông trăng tròn tròn bự chảng ở cuối phim cũng là cùng một chủ đề “kẻ ngoài cuộc” của phim này. Cảnh hai đứa nhóc trong ngày Halloween đập cửa từng nhà kêu trick or treat (cho ăn, ko là tui phá, cách các cô hồn nhóc tì xin quà trong dịp này) làm tôi cảm động nhất, lúc ong artist người Haiti mở cửa hỏi từ đâu tới, tụi nó bảo Ireland, ổng bảo trời, lặn lội tuốt bên đó sang đây chỉ để “trick or treat” thôi sao, tôi thấy rõ rệt nhất cái chua chát của giấc mơ Mỹ ở cả hai đầu “chiến tuyến”, những người Mỹ—chỉ là những người-Mỹ-tới-trước, và những người nhập cư—chỉ là những người-Mỹ-đến-sau…
Phim coi có lẽ không thu hút với người VN, vì thật sự có những phim, tôi không dám kinh suất mà nói rằng coi khó hiểu hoặc không hay, nhưng đơn giản là kịch bản “sống dùm” nhầm người mất rồi, đơn giản người xem không có hay không cần có những cảm xúc như vậy để “cảm” phim, để “kiệt sức”… Cho nên lại cần tiếp cái ông đạo diễn để tải cái mạch phim cho trôi chảy tới người xem đủ mọi tầng lớp. Có thể nói ở một chừng mực nào đó Sheridan đã thành công khi biến chuyện ở trời Tây thành những chi tiết gần gũi hơn, dễ hiểu dễ cảm hơn cho chúng ta nhờ. Cho nên chắc tôi coi thấy cũng “kiệt sức”…
@athospk – MoviesBoOm
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.