Trong một lần cập nhật phim cho MB, tôi đã tình cờ đọc được nội dung của bộ phim này – Innocent Voices Phải nói là ban đầu bộ phim không khiến tôi tò mò lắm vì trước nay trong suy nghĩ cá nhân đề tài chiến tranh vốn chỉ là những điều khô khan và ảm đạm. Nhưng sau khi theo dõi hết bộ phim, những gì tôi nhận được sau 110 phút ngồi xem thật sự rất xứng đáng cho hai chữ: xuất sắc.
Phim có bối cảnh ở El Salvador vào những năm 80. Nội chiến đang diễn ra khắp nơi nên người dân ai cũng nghèo khổ, xác xơ. Phim tập trung vào cuộc sống của Chava (Carlos Padilla thủ diễn), một cậu bé 11 tuổi sống cùng với mẹ và hai em nhỏ. Chiến tranh loạn lạc khiến cha của Chava từ bỏ gia đình của mình để sang Mỹ, bỏ lại cậu con trai cả chỉ mới 11 tuổi nay phải trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình.
Ngôi nhà lụp xụp của gia đình Chava nằm ở Cuscatanzingo, một khu vực giáp ranh giữa hai địa phận: lực lượng quân đội của chính phủ và quân nổi dậy của những người nông dân mà sau này được mang tên là Farabundo Marti National Liberation – FMLN. Cuộc sống của Chava thoạt nhìn cũng như bao trẻ em khác trong thời chiến: sáng cắp sách đến trường hồn nhiên, tối co ro núp dưới gầm giường để tránh súng đạn. Chỉ có một điều khác là Chava đã 11 tuổi. Lực lượng vũ trang của chính phủ El Salvador thời bấy giờ vì muốn bổ sung lực lượng cho quân đội một cách triệt để nên đã hạ lệnh tất cả bé trai khi tròn 12 tuổi đều phải gia nhập lính ngũ. Nói cách khác Chava chỉ còn đúng 1 năm trước khi em phải cầm súng và học cách giết người.
Để sinh nhai, mẹ Chava hàng ngày đều đi làm đến tối mịt mới về nhà. Mỗi khi có cuộc nổ súng giữa hai bên chính phủ và du kích, Chava và hai đứa em đều chui xuống trốn ở gầm giường để tránh đạn. Sau một cuộc đọ chiến dữ dội, mẹ Chava vì lo lắng cho các con của mình phải ở nhà một mình nên đã nghỉ làm và may vá ở nhà để đem ra chợ bán. Chava hàng ngày đều đem quần áo của mẹ mình đã may ra phố gửi cho các cửa hiệu và còn làm phụ lái cho một chuyến xe buýt.
Cuộc sống của Chava rẽ đến một bước ngoặt mới khi cậu chứng kiến cảnh một cậu bạn của mình bị quân chính phủ dẫn đi trong một ngày bọn họ đến trường để thu nhận những ai đã đủ 12 tuổi. Cảnh quay này đã làm tôi khá xúc động khi nhìn những cậu bé với gương mặt ngây thơ bị buộc phải bước vào con đường vốn không phải dành cho mình. Đôi mắt của Chava nhìn trân trối vào đôi mắt mở to đầy sợ hãi của bạn mình có lẽ là một trong những cảnh quay đắt giá của bộ phim, theo tôi nó đã lột tả được nỗi hoảng sợ của hai cậu bé khi việc xấu xảy đến quá đột ngột. Thật khó tưởng tượng khi người bạn chỉ mới cách đây ít phút còn chơi đùa, chuyện trò với mình thì nay đã bị đưa đi đến một nơi chỉ đầy súng đạn và chết chóc.
Trong phim người xem sẽ bắt gặp cảnh quân chính phủ cư xử bạo ngược như đánh đập cha xứ, bắt con gái nhà lành nhưng thật sự bộ phim không hề đưa ra ý bênh vực hay chỉ trích cho một bên nào giữa chính phủ và quân du kích. Tất cả đều là cái nhìn của Chava, một cậu bé 11 tuổi sống ở thời chiến, trước những gì xảy ra ở cuộc sống quanh cậu mà thôi. Quân du kích tuy không có việc hành xử bạo động nhưng quân của họ cũng tuyển chọn những bé trai khi còn rất nhỏ. Đối với Chava, người thân của em ở chiến tuyến nào thì đó là nơi chính nghĩa nên khi người cậu Beto muốn em đi theo quân du kích với mình, Chava đã tỏ ra rất hăm hở. Cùng với những người bạn đồng trang lứa, Chava trốn mẹ của mình lẻn đi về phía đóng quân của du kích. Thật không may vì hành động của các cậu bé đã bị phía quân chính phủ phát giác và theo dõi. Bị tấn công bất ngờ nên phía du kích chẳng kịp trở tay, tất cả mọi người trong nhóm đều bị chết và nhóm bạn của Chava cũng như cậu đều bị bắt giải đi. Đi giữa những ngọn súng với hai bàn tay bé nhỏ đặt sau đầu, đâu đó vang lên những suy nghĩ của Chava: “Tôi rất khát, và đôi chân thì đau buốt. Trong giày tôi có đá…” Bốn cậu bé bị quân lính giải đến một dòng sông, nơi đã có sẵn rất nhiều xác người chết nằm la liệt. Tất cả đều phải quỳ xuống và tiếng lên đạn nghe rất rõ trong không gian thinh lặng. Những gương mặt non choẹt lấm lem đầy bùn đất và nước mắt được quay cận cảnh dần dần. Cảnh các cậu bé với đôi mắt mở to, hay tay từ từ đưa xuống khỏi đầu và đón nhận cái chết đang cận kề bên mình, đó cũng là lúc tôi nhận thấy sống mũi mình trở nên cay xè. Khi cậu bé đầu tiên ngã xuống sau tiếng súng, tim tôi tựa hồ thắt lại vì quá bàng hoàng và sững sờ. Đó là một cảnh quay mà tôi không hề mong đợi, không hề nghĩ rằng nó sẽ xảy ra, vậy mà…
Cuộc nội chiến của El Slavador sau 12 năm kéo dài đã kết thúc với khoảng 75,000 cái chết và 1 triệu người bị đày ải, xa cách quê hương của mình. Trong số những người đó có bao nhiêu phần trăm là trẻ em? Có bao nhiêu phần trăm những người cầm súng và ngã xuống là các cậu bé trạc tuổi Chava? Không có số liệu thống kê nào có thể chỉ ra con số chính xác đó, cũng như không thể có tài liệu nào đủ ghi chép lại tất cả những nỗi đau của người dân, đặc biệt là các trẻ em vô tội, thơ ngây trong các cuộc chiến tranh đổ máu cả. Thay vì thế giới có thể có thêm những cuộc đời tươi đẹp thì vì chiến tranh, đã có biết bao nhiêu tuổi thơ hồn nhiên bị đánh cắp và trả lại cuộc đời bằng những cái chết. Trước nay tôi vốn nhìn về chuyện quá khứ bằng con mắt dửng dưng nhưng bộ phim này đã làm tôi phải suy nghĩ lại và thầm cám ơn cuộc đời đã cho phép tôi có thể sống trọn vẹn thời thơ ấu của mình một cách êm đềm và thanh bình. Và trong đầu tôi những lời hát của Beto chợt văng vẳng đâu đây thật buồn bã: “Trên những mái nhà bằng giấy cũ, tiếng mưa rơi nghe thật buồn thảm. Trong những ngôi nhà đổ nát, người dân tôi sống thật âu lo. Những đứa trẻ của dân tộc tôi, với lưng mang đầy vết sẹo, với bụng mang đầy giun, xin hãy nhìn xuống những nỗi đau đó, xin hãy nhìn xuống…”
titine.11062005
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.