Justine thà vùi đầu với mảnh vườn quanh nhà, hay những chậu kiểng con con nơi sở làm, hơn là phải đối mặt với những câu hỏi không có lời đáp từ Tessa. Thật sự thì những câu hỏi đó không hẳn là không có lời đáp, trái lại, nó rõ ràng đến hiển nhiên. Mà sự thật hiển nhiên lắm lúc lại khiến người trong cuộc phải trốn chạy. Người ta gọi Justine là “Kẻ làm vườn tận tụy”.
Justine: Vấn đề ngoại giao, như chúng ta đã thấy, là biểu hiện của nền văn minh, hướng đến những quốc gia trong cơn nguy biến.
Tessa: Xin lỗi, tôi muốn hỏi ngài, nước Anh đang dựa vào nền văn minh nào khi chúng ta hoàn toàn phớt lờ Liên Hiệp Quốc khi quyết định đưa quân sang Iraq? Hay ngài nghĩ ngoại giao chính là khuất phục dưới một cường quốc khác?
J: Ý tôi là, những nhà ngoại giao chỉ đến những nơi mà họ được chỉ định
T: Đúng rồi, Labradors(*) cũng vậy đó.
J: Ồ, tôi nghĩ là những giải pháp hòa bình có vẻ không hiệu quả, cho nên…
T: Không hiệu quả sao? Phải rồi, những giải pháp đó chỉ lót đường cho xe tăng. Sao chúng ta không đối mặt với sự thật? Chúng ta… chúng ta đã tốn 60 năm để lập nên một tổ chức toàn cầu gọi là Liên Hiệp Quốc, rồi bây giờ chúng ta phủi bỏ tất cả bởi vì chúng ta không đủ nhiên liệu cho xe cộ của chúng ta chạy
J: Đó là chính sách đối ngoại của quốc gia và ko thể đánh giá qua phương diện tài chính
Tessa: Nhảm nhí, thật nhảm nhí. Chúng ta phải có trách nhiệm. Tại sao chúng ta giết hàng ngàn người vô tội chỉ vì vài thùng dầu, hay một viễn cảnh sẽ được nhúng chân vô Nhà Trắng?
Họ đã bắt đầu một tình yêu như thế, bằng những câu hỏi của nhà hoạt động tình nguyện Tessa, dành cho Justine, một nhân viên ngoại giao của Hội đồng cấp cao Anh quốc. Justine đến với Tessa vì anh cho rằng cô là một người dũng cảm, khi cô đơn độc đứng lên phản bác bài báo cáo của chính Justine trong một hội nghị; và đưa ra những vấn đề thực tế để cho thấy người ta đang lợi dụng danh nghĩa ngoại giao để trục lợi. Còn Tessa, cô đến với Justine vì lẽ “Ở bên cạnh anh, em thấy mình được che chở”. Justine là đại diện cho một số đông nhiều người trong xã hội hiện tại, là sự tái hiện hình ảnh của bản thân tôi, và có thể là của bạn; một người cố gắn sống tốt và hướng tới một hạnh phúc an nhàn. Tessa lại đại diện cho một thiểu số những con người “manh liệt” vì những hoạt động xã hội, và có thể đánh đổi bất cứ điều gì – nghĩa là cả bản thân mình – vì mục tiêu đó. Trong thời đại này thì không ít người trong chúng ta cho rằng họ, những con người như Tessa, là “rãnh hơi”.
Báo cáo phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2003 (về 175 quốc gia) đã cho thấy các vị trí từ 151 (Gambia) tới 175 (Sierra Leone) đã hoàn toàn thuộc về các nước châu Phi. Hẳn là 7 triệu năm về trước, tổ tiên sơ khai của chúng ta không thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, cái nôi của họ sẽ trở thành nấm mồ chết chóc. Ngày càng nhiều người tham gia vào những hoạt động hòng đưa những quốc gia Châu Phi ra khỏi đói nghèo, bệnh tật và lạc hậu. Họ có thể là những nhà ngoại giao, như Justine đề cập, cố gắn đưa ánh sáng văn minh đến với những quốc gia Châu Phi này, với những chiến lược giúp đỡ kinh tế, bảo trợ lương thực, thuốc men…Họ cũng có thể là những người như Tessa, một nhà tình nguyện, dấn thân, cùng sống với những con người bần cùng, để giúp họ, giúp họ bằng cách trãi qua những gì họ phải trãi qua, mà không hề có một khái niệm tầm cỡ thay-đổi-thế-giới. Những con người đó hoạt động không vì sự ngưỡng mộ, cũng không phải vì lợi ích cho quốc gia của họ, mà đơn giản chỉ là vì họ là con người, đồng loại với những số phận hèn hạ kia. Có thể 5 năm nữa, 10 năm nữa, 100 năm nữa, Châu Phi sẽ thoát được những nỗi ám ảnh hiện tại nhờ vào những kế hoạch của các nhà ngoại giao. Nhưng Châu Phi, đang được thay đổi trong hôm nay, trong từng giờ, từng phút giây nhờ vào những con người tình nguyện như Tessa.
Tessa cùng theo Justine đi công tác đến Kenya trong một thời gian. Và cô như được tiếp thêm động lực để tích cực hoạt động khi tận mắt chứng kiến sự sống đang tàn lụi ở một vùng dân cư nghèo nàn. Tessa có thai, và cô không muốn trở về Anh để sinh “Hàng ngàn phụ nữ Kenya đã sinh ở đây thì sao tôi lại không thể chứ?”. Và cô đã đánh cược với cái thai của mình.
Đửa trẻ này tên là Baraka, nghĩa là Cầu Nguyện. Mẹ nó tên là Wanza Kilulu, 15 tuổi, đang nằm chờ chết ở đằng kia. Và Kioko, em của Kilulu, 12 tuổi, cùng mẹ nó đi bộ 40 cây số đến đây để đuổi ruồi cho mẹ con chị nó. Có lẽ như thế là cầu nguyện!
Tessa đang cho một đứa trẻ sơ sinh Kenya bú. Mẹ đứa trẻ đó có lẽ sẽ không sống nổi. Tessa chia sẽ nỗi đâu mất mát với một sinh linh nhỏ nhoi, thậm chí chưa có được nhận thức, với những con người đi chân đất 40 cây số vì sự sống. Chỉ đơn giản là vậy.
Tessa: Justine à, từ đây đến Miluri là 40 cây số, họ sẽ phải đi bộ cả đêm, làm sao đứa trẻ chịu nổi?
Justine: Chúng ta không thể xen vào cuộc sống riêng của họ mãi đựoc
T: Tại sao?
J: Em phải thực tế một chút. Có hàng triệu người như vậy, tất cả đều cần sự giúp đỡ, và đó là lí do vì sao những tổ chức nhân đạo có mặt ở đây.
T: Nhưng hiện giờ có 3 con người mà ít ra chúng ta có thể giúp được
J: Anh xin lỗi, anh phải lo cho em trước, em cần phải nghỉ ngơi.
Tessa muốn đưa những người kia về khi bản thân cô cũng vừa bước ra khỏi bệnh viện vì sẩy thai. Nếu tôi là Justine, tôi cũng sẽ làm vậy, và tôi nghĩ là, ai trong chúng ta cũng sẽ làm vậy. Tôi không cho như vậy là ích kỉ. Nhưng chúng ta không thể không đánh giá cao tinh thần của người phụ nữ này. Và rồi tôi có thể thấy được là ngay cái ngày hôm sau, khi từ bệnh viện trở về, Tessa lại rong ruổi trên những ngỏ ngách của vùng đất đói nghèo lạc hậu đó.
Tại vùng dân cư này, người ta được khuyến khích đi thử nghiệm HIV, và khi một người đi thử HIV, họ sẽ được thử lao phổi miễn phí. Hoạt động này được bảo trợ bởi hãng dược phẩm KDH với loại thuốc mới Dypraxa. Và theo như Tessa thì, không có một doanh nghiệp nào cho không sản phẩm của họ cả. Thực chất là KDH bắt tay với TreeBees để đem Dypraxa thử nghiệm ở Kenya, và hàng ngàn người dân ở đây trở thành những con chuột bạch. Họ không phải trãi qua những cuộc kiểm nghiệm gắt gao, họ không tốn một xu cho những hoạt động PR, vì họ mang danh nghĩa “nhân đạo”. Để rồi ngày này qua ngày nọ, nhiều người dân Kenya đã bỏ mạng vì loại thuốc chưa được thử nghiệm đó.
Tessa điên cuồng lao vào điều tra sự thật, với quyết tâm đưa ra ánh sáng không chỉ là sự dối trá mà còn là hành vi giết người. Cái giá của sự thật này có thể đắt, mà lại rẻ đến bất ngờ. Tessa được tìm thấy ở một vùng hẻo lánh phía bắc Kenya, bị hãm hiếp, và sát hại dã man. Người ta còn bôi nhọ lên linh hồn cô khi cho rằng cô đã ngoại tình với một người đàn ông bản xứ, và bị giết. Tessa lại chọn con đường “rỗi hơi” mà đi để phải trả giá bằng mạng sống của mình, và của nhiều người khác. “Đừng nên dính dáng vô những chuyện của thiên hạ”. Phải, đó chỉ là những chuyện của thiên hạ, ở nơi tận cùng của thể giới này. Cô muốn tìm ra những bằng chứng tội ác để tố cáo hành vi của những hãng dược phẩm núp bóng nhân đạo, nhưng đó chỉ là những lời tố cáo trong câm lặng. Không có nhiều người hiểu được những việc mà Tessa làm, và trong số những người hiểu được, không phải ai cũng sẵn sàng đồng hành cùng cô. Cái chết của Tessa để lại một sự dở dang, và Justine tiếp tục cuộc hành trình đó; hành trình đến với sự thật, với lòng tin, và với tình yêu. Có thể cuộc hành trình đó lại dở dang, nhưng Justine ít ra cũng đã tìm được những điều quý giá cho riêng mình.
“Anh đã biết hết những bí mật của em, Tess à. Anh nghĩ rằng anh đã hiểu em”
Lời nói cuối cùng của Justine, trước khi người ta tìm cách khiến cho anh im lặng mãi mãi. Mỗi người chúng ta không chỉ phải chăm sóc cho khu vườn của mình, mà còn cần phải hướng đến những khu rừng đang tàn lụi ngoài kia. Justine đã không còn là một “Kẻ làm vườn tận tụy” nữa, cũng không phải một nhà ngoại giao thụ động… Đó là một sự kết hợp hài hòa giữa tính nhân đạo, chính trị và tình yêu. Nhân đạo nằm ở những việc nhỏ nhoi để giải phóng một chút nỗi đau cho kẻ khác, chính trị ở trong tim của mỗi người còn tình yêu là sự tin tưởng, là nỗ lực để hiểu được một con người và lí tưởng của họ. Nụ cười của Tessa, ánh mắt của Justine, cảnh Châu Phi hoang dại, xác xơ…tất cả đều ám ảnh, như chính bộ phim vậy
“Người ta tin rằng Justine tự tử. Nhưng đó là một sự tự vẫn lạ lùng. Trên người anh có 8 viên đạn, từ 3 khẩu súng khác nhau… Mưu sát ư? Ở Châu Phi không có sự mưu sát, mà chỉ có những cái chết thương tâm. Và từ những cái chết đó, chúng ta có được những thành tựu về ngoại giao. Những lợi ích có được quá dễ dàng, bởi những sinh mạng đó được mua với giá rẻ bèo.”
(*) Pedro Gomez Labrador, người bị cho là nhà ngoại giao tồi nhất trong lịch sử Tây Ban Nha, khi ông thất bại trong hội nghị Vienna năm 1815, và Tây Ban Nha khi ấy không đạt được những thỏa hiệp về quyền lợi và bị các nước khác như Ý và Pháp lấn lướt.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.