Kỳ tích của điện ảnh Afghanistan

Nền điện ảnh Afghanistan hầu như không hề được thế giới biết đến, và trong suốt lịch sử cũng mới chỉ sản xuất được vỏn vẹn 40 bộ phim. Bởi vậy, việc Osama – bộ phim Afghanistan đầu tiên được thực hiện sau ngày chế độ Taliban sụp đổ – liên tiếp gặt hái giải thưởng tại các cuộc tranh tài lớn đã khiến giới điện ảnh châu Á và thế giới sửng sốt.

Có tên trong danh sách phim nước ngoài tham dự Oscar 2003, giải Camera vàng dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2003, giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại LHP London 2003, giải Quả cầu vàng 2004 dành cho phim nước ngoài hay nhất, được Hãng United Artists (Mỹ) nhận phát hành ở Mỹ… – quả là điều thần kỳ đối với bộ phim của một nước nghèo nàn mới thoát khỏi chiến tranh và cả nước chỉ có một máy quay phim 35 mm duy nhất! Bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật, kể về 3 thế hệ phụ nữ trong một gia đình nghèo khổ ở Afghanistan dưới thời Taliban. Cô bé Golbahari 12 tuổi và mẹ bị mất việc vì bệnh viện nơi hai mẹ con đang làm việc bị Taliban đóng cửa. Bà, mẹ và Golbahari lâm vào cảnh khốn cùng, nhưng họ không thể ra ngoài tìm việc vì dưới chế độ Taliban, phụ nữ chỉ được phép ra khỏi nhà khi có người thân là đàn ông đi cùng. Cả chồng lẫn anh trai đều đã chết, nên mẹ Golbahari không còn cách nào khác là cải trang Golbahari thành một cậu bé với tên Osama để họ có thể ra ngoài kiếm sống. Nhưng một thời gian sau, giới tính thật của Golbahari bị phát hiện và cô bé bị trừng phạt nghiêm khắc.

Nữ diễn viên Marina trong vai Golbahari với diễn xuất của mình đã thực sự làm khán giả xúc động. Marina đã tình cờ gặp đạo diễn Siddiq Barmak khi ông đang đi trên đường phố Kabul hoang tàn sau ngày thủ đô giải phóng, còn cô thì đang lang thang xin ăn. Đạo diễn hỏi cô bé rằng nhà cô có ai chết trong chiến tranh không. “Tôi đã nói rằng hai em gái của tôi chết khi bức tường của một tòa nhà đổ xuống người họ, và tôi đã khóc”- Marina nhớ lại khi trả lời phỏng vấn. “Người ta thuê tôi đóng vai chính trong bộ phim này, dù rằng tôi không biết đọc biết viết”. Thậm chí, trước đó Marina còn chưa bao giờ được xem một bộ phim nào! Cô đã dùng thù lao và số tiền thưởng mà cô kiếm được từ bộ phim để mua cho bố mẹ một căn hộ có 4 phòng ngủ trong một khu tồi tàn của Kabul, và giờ đây cô cũng đã được đi học ở một trường từ thiện dành cho trẻ em. Còn Ariff Herati, cậu bé đóng vai bạn của Marina được đạo diễn tìm thấy trong một trại tị nạn. “Nếu ước mơ của tôi thành sự thật, tôi sẽ là người hùng trong một bộ phim khác”- Ariff thổ lộ.

Đạo diễn Siddiq Barmak năm nay 42 tuổi, sinh ra tại Afghanistan và tốt nghiệp ngành đạo diễn điện ảnh ở Moscow. Ông từng viết kịch bản và làm đạo diễn một số phim ngắn, đồng thời là Giám đốc Tổ chức phim ảnh của Chính phủ Afghanistan từ năm 1992. Đến khi Taliban lên nắm quyền và cấm mọi hoạt động của điện ảnh – truyền hình, ông rời quê hương sang Pakistan tị nạn. Không lâu sau khi Kabul được giải phóng, Barmak trở về và quyết định làm một bộ phim về nỗi khổ cực mà người dân nước ông phải chịu đựång dưới thời Taliban. Osama là phim truyện đầu tay của Barmak, ông kiêm nhiệm cả 4 vai trò: đạo diễn, tác giả kịch bản, nhà sản xuất, người dựng phim, còn chuyên viên quay phim và âm thanh là người Iran. Barmak đã rất bất ngờ khi bộ phim được người dân Afghanistan đón nhận nồng nhiệt, bởi trước đây ông nghĩ rằng họ chỉ thích xem phim ca nhạc của Ấn Độ. Barmak khẳng định, ông rất lạc quan về tương lai của Afghanistan, dẫu cho đất nước ông đã trải qua nhiều đau thương. “Tôi không thể quên, nhưng tôi sẽ tha thứ” – đó là câu nói của Nelson Mandela mà Barmak trích dẫn để mở đầu bộ phim.

Osama được thực hiện với kinh phí tổng cộng 46.000 USD (thấp hơn so với nhiều phim Việt Nam), trong đó 25.000 USD là tiền tài trợ của chính phủ, còn lại là do sự giúp đỡ của đạo diễn nổi tiếng người Iran – Mohsen Makhmalbaf.

(Phạm Thu Nga – ThanhNienOnline)


Posted

in

by

Comments

Leave a Reply