Thời kỳ 1980 – 1992 :
Chính thế hệ các đạo diễn mới đã giúp cho kỹ nghệ điện ảnh Hàn Quốc hồi sinh. Thập niên 1980 chứng kiến sự trở lại rạp chiếu phim của công chúng và sự thừa nhận quốc tế đối với điện ảnh Hàn Quốc mà cao điểm là giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Kang Su Yeon tại Liên hoan phim Venice 1987. Đa số các nhà phê bình phim đồng ý tên tuổi xuất sắc nhất trong thời kỳ này là đạo diễn Im Kwok Taek. Dù ông đã đạo diễn khoảng 70 phim tính đến năm 1980 nhưng ông chỉ được xem là đạo diễn nổi tiếng nhất Hàn Quốc khi bộ phim Mandala ra đời (1981). Thoát khỏi cách làm phi thương mại cố hữu, Mandala đánh dấu bước ngoặt của Im Kwok Taek.
Bộ phim Sopyonje (1993) của ông đã làm sống lại nghệ thuật phát âm Hàn Quốc được gọi là Pansori. Đến nay Im Kwok Teak đã đạo diễn 95 phim và vẫn còn giữ vị trí trung tâm của điện ảnh Hàn Quốc. Năm 1988, có hai biến cố lớn ảnh hưởng đến kỹ nghệ điện ảnh Hàn Quốc : Tổng thống Roh Tae Woo ban hành hiến pháp mới cho phép bãi bỏ dần luật kiểm duyệt chính trị và quyết định thôi áp dụng các hạn chế đối với việc nhập phim nước ngoài. Đạo diễn Park Kwang Soo là người sớm biết tận dụng sự cởi mở trong kiểm duyệt để cho ra các bộ phim như Chilsu & Mansu (1988), Black Republic (1990) To The Starry Island (1993) và A Single Spark (1996). Luật nhập phim mới đã đẩy các nhà sàn xuất phim Hàn Quốc vào thế cạnh tranh trực tiếp với phim Hollywood và phim nội địa mất dần thị phần trong nước. Năm 1993, phim Hàn Quốc chỉ còn chiếm 16% số phim chiếu ở rạp. Để cứu vãn, các rạp hát bị buộc phải chiếu phim nội địa 106 ngày trong năm nhưng tình hình vẫn không sáng sủa hơn.
Thời kỳ 1992 1999 :
Marriage Story bộ phim đầu tay của Kim Ui Seok giới thiệu về thể loại phim hài chiến tranh pha chút tình dục. Bằng bộ phim này, hãng Samsung trở thành một tập đoàn kỹ nghệ đầu tiên tham gia vào làng điện ảnh đồng thời hợp nhất việc sản xuất, chiếu phim và phân phối phim làm một. Nhiều đạo diễn khởi nghiệp từ những năm 1980 tiếp tục cho ra các tác phẩm hay.
Jang Sun Woo được chú ý nhất với A Petal (1996) mô tả tình cảm của một người sống sót sau cuộc thảm sát Kwangju và Bad Movie (1997), phim tư liệu về tuổi trẻ Hàn Quốc (phim chỉ được chiếu sau khi hội đồng kiểm duyệt đã cắt bỏ một phần). Trong vài năm trở lại đây, nhiều đạo diễn Hàn Quốc đã gâu ấn tượng cho khán giả bằng các bộ phim đầu tay đoạt giải. Như bộ phim Green Fish (1997) của đạo diễn Lee Chang Dong nói về sự xung đột của một thiếu nữ dính líu vào một tổ chức tội ác sau khi rời quân ngũ. Năm 1997, bộ phim The Contact của Chang Yoon Hyun được xem là bước đột phá về doanh thu của phim nội địa và Swiri, phim đạt kỷ lục doanh thu trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.
Thời kỳ 1999 đến nay :
Thành công của bộ phim Swiri không chỉ gây tiếng vang trong nước mà còn vượt xa hơn nữa. Han Suk Kyu trở thành một tên tuổi lớn và những bộ phim mang tính chất chính trị lần lượt ra đời như Anarchists – Yoo Young Sik, Joint Security Area – Park Chan Wook, 2009 Lost Memory Lee Si Myung, Double Agent Kim Hyun Jung…Nền điện ảnh Hàn Quốc mở rộng hơn khi hợp tác cùng với các nước bạn cho ra đời những bộ phim hay như Bichunmoo Kim Young Joon, Three Kim Ji Woon…
Phim Hàn Quốc bắt đầu cuộc chinh phục đến các nước láng giềng và gần như đạp đổ vị trí độc tôn của điện ảnh Hong Kong tại Châu Á. Không những thế cuộc chinh phục Hollywood cũng đã khởi động khi Hollywood mua bản quyền bộ phim My wife is a Gangster để làm lại. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, giờ đây có thể nói nền điện ảnh Hàn Quốc đang ngày một lớn mạnh và trong một tương lai không xa rất có thể trở thành đất nước có nền điện ảnh lớn nhất khu vực Châu Á.
(trích thông tin từ TGĐA)
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.