Tặng W., cháu yêu thương.
* Autism (adj: autistic) là chứng tự kỷ mới được phát hiện gần đây, chưa rõ nguyên nhân. Không được xem là bệnh tật (disease) và không điều trị bằng biện pháp nội cũng như ngoại khoa. Là 1 triệu chứng đặc biệt, trong đó chủ thể autistic có suy nghĩ và hành vi đặc biệt, thường cô đọng trong thế giới riêng của bản thân.
Lưu ý rằng, đặc biệt ở đây chỉ có nghĩa là không-hoàn-toàn-giống-như đa số nhân loại.
Những biểu hiện bên ngoài thường thấy: lập lại câu hỏi thay vì trả lời, thắc mắc nhiều lần với cùng 1 vấn đề, chăm chú vào 1 số động tác, cử chỉ như là trò chơi ưa thích…
Đặc biệt nhất là khuynh hướng tập trung cao độ vào 1 vài đối tượng ưa thích (ngựa vằn, sự ngăn nắp…) trong khi hầu như từ chối nhận thức 1 số đối tượng khác, nhất là giao tiếp xã hội (quy tắc chào hỏi, luật pháp…).
Ngoài ra, thường có khó khăn với tư duy logic (toán học…) nhưng mạnh về tư duy trừu tượng (âm nhạc, hội họa…).
Nhiều năm trước, người mẹ trong một lần đưa con đi vườn thú đã buông xuôi với ý nghĩ cứ để cho nó đi lạc!. Viễn cảnh phải nuôi dạy đứa con trai mắc chứng tự kỷ Cho-Won khôn lớn trong một phút chốc bỗng trở nên không chịu đựng nổi với người phụ nữ trẻ.
Gia đình như tan vỡ sau đó. Bởi tâm nguyện hối hận sẽ suốt đời ở bên con sau khi tìm thấy thằng bé bơ vơ bên chuồng ngựa vằn giờ đây hoàn toàn gạt những thành viên còn lại trong gia đình ra khỏi thế giới của người mẹ.
Đơn độc với sự kiên trì đến mức duy ý chí, thứ kiên trì chỉ có ở tình mẫu tử, cô làm mọi cách để Cho-Won có thể tiếp cận tối đa cuộc sống bên ngoài.
Thằng bé bướng bỉnh & lì lợm được mẹ dẫn dụ vào những cuộc đi chơi bằng… bánh chocolat, nhận biết thế giới cây cỏ, nắng gió, núi rừng… bằng những phương pháp trực quan kỳ lạ.
Thật sự thì Cho-Won hoàn toàn là một đứa trẻ. Nó có trí nhớ rất tốt, cá tính hết sức ngăn nắp và cả khả năng thể thao. Trong thế giới tự kỷ của riêng nó, Cho-Won cũng đau đớn khi bị mẹ bỏ rơi và hoảng sợ khi thấy người lớn bất đồng, xô xát. Và như bao đứa trẻ khác, nó cũng có con vật ưa thích: ngựa vằn. Mê thích thì đúng hơn, một cách cực kỳ!
Chỉ có hình thức biểu hiện & diễn giải tình cảm của nó thì rất đặc-biệt.
Khi Cho-Won tham gia và đoạt huy chương Đồng một cuộc đua marathon nghiệp dư, người mẹ đề nghị nó thử một giải marathon chính thức. Và họ, chính xác hơn là người mẹ, quyết định cho nó tham gia dù chẳng mấy ai ủng hộ ý tưởng này. Sao lại là marathon?
Trên đường chạy, nó là 1 đứa trẻ hoàn toàn bình thường!
Đơn giản thế thôi, mong ước của người mẹ chỉ là con mình được không-khác-thường, tuy đặc-biệt!
Trong chương trình Thế Giới Tự Nhiên thằng bé xem đi xem lại hàng ngày, ngựa mẹ tập cho ngựa vằn con chạy để tồn tại trước nanh vuốt sư tử, báo…
Người mẹ, hơn thế nữa, muốn con mình chạy để được sống. Sống như mọi người, chứ không chỉ là tồn tại (to be living, not to be only-surviving)!
Nhưng trong cái thế giới rộng lớn & thờ ơ này, ai quan tâm đến một thằng nhóc đặc-biệt?
Đặc-biệt ư? Cũng thế thôi. Cũng chỉ là không giống ai. Kỳ dị. Quái gở. Khùng.
Sư tử & báo thì chỉ có trong vườn thú hoặc xa lắc tận Phi châu. Còn sự kỳ thị, thậm chí kỳ thị một cách độc ác thì chẳng hề là của hiếm.
Mà quả thật, có gì dễ dàng hơn là phô trương ưu thế bình-thường của ta với một ai đó chỉ vì họ khác-thường so với đồng loại xung quanh? Cô gái với chiếc ví đắt tiền chỉ thắc mắc sao không cho nó ở trong nhà thương điên. Anh chàng trong ga metro thì đấm ngay vào mặt nó, dù nó chỉ là một thằng nhóc đặc-biệt, để bảo vệ danh dự cô bạn gái.
Niềm tin của người mẹ rằng Cho-Won phải được chạy, cũng có nghĩa là được sống, không gì khác hơn là một xác tín mạnh mẽ. Mạnh đến mức khuất phục cả người huấn luyện viên bất đắc chí & chán đời.
Nhưng rồi xác tín đó bị đảo ngược 180o sau khi cô để lạc con lần thứ 2.
Cho-Won vẫn muốn chạy (mặc dù đã có lần quỵ ngã vì kiệt sức) chỉ vì nỗi sợ lại bị bỏ rơi như trong vườn thú ngày nào? Mình đặt cả cuộc đời vào con chỉ bởi động cơ vị kỷ, nhằm xoa dịu nỗi ân hận xưa kia?.
Thế là không marathon gì nữa, mặc những lý lẽ của ông huấn luyện viên giờ đã khám phá sự đặc biệt của cậu học trò autistic.
Không mẹ. Không thầy. Trên sân thượng, trong một góc, Cho-Won, một mình với đôi giày.
Ngày ấn định cho cuộc đua thì đã đến…
… Nhưng kia, rút cục Cho-Won đang chạy cùng mọi người, những người bình-thường, trong cuộc đua marathon. Nó chạy, kiệt sức, ngã rồi lại đứng dậy và lại chạy.
Nó đang sống với cuộc đua. Sống cuộc đời của chính nó, của Cho-Won, chứ không phải cuộc đời do bất cứ ai khác sắp đặt và định đoạt.
Và hãy nhìn nó chạy kìa!
Đôi cánh tay vung, đôi chân sải bước. Với cả thân hình và nét mặt…
Bánh chocolat, nắng, gió, mưa và ký ức tuổi thơ đẹp đẽ với mẹ…
Rừng cây, đồng cỏ và chú ngựa vằn…
Khám phá và chia sẻ…
Với mẹ, với em trai và cha, với thầy…
Với mọi người!
Marathon – hành trình cuộc đời! Cuộc hành trình dài nhiều nhiều kilomet trong nhiều nhiều nhiều giờ đồng hồ tìm kiếm bản thể của chính mình qua lăng kính Cho-và-Nhận-Thương-Yêu.
Hành trình không chỉ của Cho-Won, đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, mà của cả người mẹ, người thầy – huấn luyện viên, người em trai Jung-Won và cả người cha.
Cũng có đôi khi trong cuộc đua marathon ấy, Thương-Yêu bỗng thật
rối (confusing)! Như một lúc nào đó, chợt ta tự vấn cái cách ta yêu thương, thật sự, đúng hay sai?
Ai có thể đoan chắc! Chỉ có điều, có lẽ chẳng nên phí một giây phút yêu thương nào để hối tiếc hay dằn vặt.
Bởi tình Thương-Yêu thật sự luôn tự khắc tìm thấy lối đi tốt nhất.
Phim đẹp một cách cảm động! Cả nội dung & hình thức.
Đáng để tốn thì giờ tuy khó mà hấp dẫn giới teen và nên xem với phụ đề english nếu được.
Leave a Reply
You must be logged in to post a comment.