Monster’s Ball (2001) – Lời cảnh báo án tử cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc

Đã từ lâu, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là 1 vết hoen ố đáng khinh khi nhất trong lịch sử phát triển hình thái các quan hệ xã hội của nhân loại. Cũng đã từ lâu, con người luôn đối chọi và chống cự lại 1 cách quyết liệt nhất trước những tư tưởng và hành động mang tính phi nhân bản này.Giờ đây Marc Forster và êkíp bộ phim Monster’s Ball lại gióng lên thêm 1 lời phán xét đanh thép nữa, để ngăn chặn cái vòi bạch tuột nhuốm đầy tội lỗi của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn đang hoành hành nhức nhối xã hội từng ngày từng giờ ngoài hiện thực.

Hank Grotowski, thế hệ thứ 2 trong 1 gia đình có 3 đời làm cảnh sát trại cải huấn, luôn tự hào về nghề nghiệp và chịu khủng hoảng nặng nề trong cuộc sống gia đình. Với Buck – người cha bệnh tật, đau yếu, đó là sự kính trọng và chịu đựng. Hank lo lắng cho cha như trách nhiệm và bổn phận tất yếu của 1 người con. Đối với người Á Đông, đây là 1 truyền thống mang tính lễ giáo, lâu đời và hiển nhiên. Nhưng với văn hoá Phương Tây, con cái nuôi nấng và phụng dưỡng cha mẹ là việc hiếm hoi. Không có chuyện trả hiếu hay đáp đền. Vì với họ, cha mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dạy con cái đến khi trưởng thành và …hết. Hank cũng chịu ảnh hưởng tính cách và lối sống của người cha theo 1 kiểu bị áp đặt như thế. Ông cụ ghét người da màu, Hank cũng bị tiêm nhiễm y hệt như thế. Thậm chí sự có mặt của những đứa trẻ da màu hàng xóm cũng có thể làm Hank nổi cáu và … nả súng bữa bãi, mặc dù chúng hoàn toàn vô hại và rất thân thiện.

Thế rồi Hank cũng đem tư tưởng và định kiến đó áp đặt lên Sonny, con trai duy nhất của mình. Sonny hiền lành, bộc trực, sống nội tâm và có nhiều u uẩn. Cậu cũng như cha và ông nội mình, chịu ức chế từ không khí ngột ngạt của gia đình. Ở đó, cậu không thấy 1 mái ấm hạnh phúc, không thấy bản thân được tự do thoả mãn, nhất là tinh thần. Bằng cùng 1 cách giống nhau, cả Hank và Sonny đều tự giải toả cho mình với cùng… 1 cô gái điếm. Để rồi sau đó? Cả hai cha con đều thấy bế tắc và hụt hẫng như nhau, y hệt nhau, không khác chút nào. Tuy thế, cách cư xử của Sonny lại hoàn toàn không phụ thuộc vào Hank như Hank đã chịu ảnh hưởng từ Buck. Sonny là 1 thanh niên nhân hậu, cậu sợ hãi, ghê tởm trước những hành vi bạo lực, dù đó là sự trừng phạt cho những tên tử tù. Cậu sẵn sàng vui đùa kết bạn với những đứa trẻ da màu, ấm ức trước thái độ kỳ thị chủng tộc của người cha. Nhưng cũng là 1 thanh niên của tuổi trẻ bốc đồng, nông nổi. Cái giá phải trả cho sự thiếu chính chắn quá đắt, như 1 sự ngã gục đầu hàng trước những thành kiến và định mệnh khắc nghiệt. Nhưng cũng chính từ sự mất mát này, Hank mới tìm lại được chính mình, 1 con người thật sự.

Leticia Musgrove, 1 phụ nữ da màu gợi cảm, xinh đẹp và gặp nhiều đau khổ. Chỉ trong 1 thời gian ngắn, cô cùng lúc phải gánh chịu 2 nỗi đau lớn nhất trong đời: mất chồng, mất con. Chồng cô, Lawrence, chính là tên tử tù mà Hank là người đứng ra thi hành án. Anh ra đi, chỉ để lại cho 2 mẹ con cô những bức tranh do anh vẽ trong đêm “Vũ hội của quỷ” – là cách mà người ta dùng để gọi đêm đặc ân trước khi xử quyết 1 tên tử tù. Thậm chí lời hứa sẽ gọi điện thoại cho con trai trước khi chết anh cũng không có quyền thực hiện. Một chiếc xe hư nát, 1 căn nhà không đóng đủ tiền thuê, 1 cậu con mắc bệnh béo phì, 1 cuộc sống chồng chất những lo toan, phiền muộn và thiếu thốn tình yêu là tất cả những gánh nặng mà Leticia tội nghiệp phải cam chịu. Rồi 1 ngày kia, đứa con thân yêu của cô cũng ra đi, chủ nhà cùng cảnh sát đến lôi hết tài sản của cô ra đường. Đau đớn nhất chính là 1 sự nhục nhã ê chề mà Leticia không thể tự gây ra: màu da của cô. Và càng đau đớn gấp trăm ngàn lần khi sự khinh khi miệt thị ấy lại xuất phát từ người thân của người mà cô thương yêu và biết ơn. Chính Buck đã làm rạn nứt mối quan hệ tốt đẹp mà Hank đã cố gắng bồi đắp nên. Hank vượt qua thành kiến trong tâm tưởng để ra tay cưu mang và thương yêu 1 phụ nữ da màu. Anh muốn chuộc lại lỗi lầm với đứa con đã khuất để trở thành 1 người đàn ông mẫu mực, đáng tin cậy. Và Leticia gặp Hank, cô tìm lại được sự ấm áp trong tình yêu, bảo bộc trong tình người. Vậy mà tất cả cuối cùng chỉ là ảo vọng, tro bụi, tuyệt vọng cả sao?

Ai chẳng muốn mình sinh ra trong 1 gia đình danh giá, giàu sang, hạnh phúc? Ai chẳng muốn mình đẹp đẽ, thơm tho, quyền quý? Ai chẳng muốn mình được người khác tôn trọng, thương yêu và chăm sóc? Nhưng con người sinh ra, không ai có quyền lựa chọn cho mình 1 hoàn cảnh, 1 gia thế, hay 1 màu da nào cả. Đó là ý Trời, ý Chúa. Và chúng ta sống như thế nào đó cho thật tốt đẹp trong ý muốn của Người, và chỉ thế thôi. Bất công làm sao khi có người lại tự cho mình cái quyền định đoạt số phận người khác chỉ vì 1 chút may mắn hơn họ! Nhẫn tâm làm sao khi cùng là con người lại đi miệt thị con người chỉ vì 1 màu da, 1 sắc tộc! Thật buồn cười khi nghĩ rằng vì ta sinh sống ở 1 nơi nào đó phồn thịnh và phát triển hơn, để rồi nhìn những người nhập cư bần cùng khắc khổ hay những người ở những nơi nghèo nàn lạc hậu hơn mà tự cao tự đắc, ngạo mạn ngông cuồng! Đó là sự độc ác, vô nhân đạo mà không nơi nào trên thế giới này có thể chấp nhận được. Lời phê phán đó khéo léo và tinh vi trong từng chi tiết nhỏ của bộ phim. Đó là khi kiểm tra chiế ghế điện xử tử tù, người cảnh sát thực hiện nhiệm vụ ngồi vào là 1 người da màu, còn khoảng 10 cảnh sát da trắng thì chỉ đứng xung quanh nhìn mà thôi. Đó là khi cha con Hank xích mích với nhau trong restroom, Hank đã không ngần ngại xỉ vả lăng mạ anh chàng hạ cấp người da màu vì đã dám xen vào hoà giải. Còn là cảnh Buck và Hank thấy khó chịu thế nào chỉ vì những đứa trẻ da màu hàng xóm. Tất cả đều là những tư tưởng và hành động mang rõ nét bản chất của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

“Lời cảnh báo án tử cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc” chính là đoạn kết của bộ phim. Con người biết yêu thương, biết sống vì nhau không phải vì biết phân biệt được màu da, sắc tộc hay bối cảnh thân thế, mà vì con người biết lắng nghe nhịp đập của trái tim và tiếng lòng thổn thức của chính mình, biết thấu hiểu, cảm thông và san sẻ nỗi đau của người khác, biết dung hoà giữa bản thân và mọi người. Thượng đế ban cho loài người đôi bàn tay để giúp nhau nâng đỡ, nương tựa. Và lòng bàn tay cũng chính là nơi ấm áp nhất trong cơ thể, cũng là nơi duy nhất mà sắc tố da không hề phân biệt trắng, đen hay vàng, và chỉ có sắc hồng của máu nóng biết yêu thương và nhân ái.

Monster’s Ball là 1 bộ phim phản ánh chân thực đến từng tiểu tiết cách nhìn và thái độ của con người với con người trong nhịp sống thực dụng đương đại. Đó là những khúc ngoặt gấp khiến ta cảm thấy chới với, điên đảo. Nhịp phim khi nhanh, gọn đến chóng mặt. Khi lại chầm chậm, chầm chậm như 1 lời tự sự, 1 nhịp thở được nén lại. Diễn xuất của Halle Berry thật “nóng bỏng”, gợi cảm mà cũng rất chân thật, mãnh liệt. Với vai diễn này, Halle đã ghi tên mình vào lịch sử giải Oscar của Viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh Mỹ là diễn viên da màu đầu tiên đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (mặc dù trước đó cô đã phải nếm trải rất nhiều sự dè bỉu của những kẻ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc). Và để kết thúc, xin nhắc lại tagline của phim “A lifetime of change can happen in a single moment.” – Sự thay đổi của cuộc đời có thể chỉ diễn ra trong 1 khoảnh khắc. Đó chính là khoảnh khắc mà Hank đã nhận thức về tình thương, về trách nhiệm của 1 con người và xoá bỏ mọi sự phân biệt.


Posted

in

by

Comments

One response to “Monster’s Ball (2001) – Lời cảnh báo án tử cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”

  1. poco Avatar
    poco

    Phim rất hay tiếc là không được đề cử Best picture .

    Bộ phim không phải là kinh dị nhưng xem thì lại có cảm giác của kinh dị với nhịp phim hoàn toàn bất ngờ nhưng mọi người vẫn thấy được đó là 1 diễn biến tất yếu .Ấn tượng đặc biệt về nhạc phim :lạnh như băng cùng với những khoảnh khắc không 1 tiếng động .

    Đừng bỏ lỡ .

Leave a Reply